Bộ đội chuẩn bị cơm trưa cho người bị cách ly
Ấm áp tình đồng bào
Trước khi quyết định tác nghiệp tại Bệnh viện dã chiến và Khu cách ly tập trung phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tại Bến Lức, tôi đắn đo suy nghĩ rất nhiều, sợ mình không may bị lây nhiễm Covid-19 sẽ ảnh hưởng đến gia đình, người thân và cộng đồng. Tuy nhiên, khác với tượng tưởng, nơi đây chẳng có gì đáng sợ, bởi nó được bố trí nhiều khu riêng biệt rất an toàn. Được tận mắt chứng kiến những chú bộ đội, đội ngũ y, bác sĩ ở đây vì hai tiếng “đồng bào” đã tận tình chăm sóc người bị cách ly, tôi vô cùng ngưỡng mộ. Khi mọi người còn đang ngon giấc thì 3 giờ sáng, các chú bộ đội đã bắt đầu công việc đến tận 22 giờ. Anh Nguyễn Anh Kha (Tiểu đội trưởng Tiểu đội 3, Đại đội 1, Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 738) cho biết: “Ban đầu được phân công về đây, tôi cũng hơi lo lắng nhưng sau khi được đơn vị động viên, tôi an tâm chấp hành tốt các khuyến cáo của Bộ Y tế khi tiếp xúc với những trường hợp bị cách ly và làm việc tại khu cách ly. Hiện nay, công việc chính của tôi là phụ trách nấu ăn cho đơn vị và người bị cách ly. Dù công việc khó khăn, vất vả, phải thức khuya, dậy sớm nhưng tôi và 5 thành viên trong tổ nấu ăn cảm thấy rất vui vì đã đóng góp một phần trong việc phòng, chống dịch Covid-19, nhất là chia sẻ được với nhân dân trong lúc khó khăn”.
6 giờ 30 phút, khi chuông đồng hồ reo, bữa ăn sáng của những người cách ly đã được chuẩn bị sẵn sàng, các thành viên tổ nấu ăn mặc đồ bảo hộ đến từng phòng trao phần ăn sáng. Sau khi hoàn thành việc phát đồ ăn sáng, tổ nấu ăn vội vã ăn sáng phần của mình để tiếp tục chuẩn bị bữa cơm trưa đến bữa cơm chiều cho người cách ly. Một số người khác dọn vệ sinh, lấy rác trong từng phòng, sau đó đợi xe đến đem đến nơi xử lý.
7 giờ, đội ngũ y, bác sĩ sẵn sàng trong bộ đồ bảo hộ đến từng phòng đo thân nhiệt từng người và hỏi thăm sức khỏe. Tại đây, chúng tôi chứng kiến được sự quan tâm chu đáo của đội ngũ y, bác sĩ đối với những người bị cách ly. Đó là những lời hỏi thăm về gia đình, nghề nghiệp,... góp phần làm cho buổi đo thân nhiệt bớt căng thẳng.
Ông Huỳnh Văn Phụng (quê tỉnh Bình Phước) chia sẻ: “Chỉ có Việt Nam mình mới tổ chức đưa đồng bào về nước, bố trí nơi ăn, ở thoải mái như vậy. Ở đây cách ly, tôi xem như một cuộc nghỉ dưỡng sau thời gian làm việc mệt nhọc.Chắc khi về địa phương, tôi nhớ nhất hình ảnh mấy chú bộ đội dễ thương, nhiệt tình và rất tận tâm”.
Bộ đội chuẩn bị cơm đến phát cho người bị cách ly
Hiếu với dân
Sau khi tác nghiệp xong, chúng tôi trò chuyện cùng Đại đội trưởng Đại đội 1, Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 738 (thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh) - Nguyễn Văn Ngoan. Đang ngồi trò chuyện, một chú bộ đội chạy đến xen vào câu chuyện của chúng tôi, nói: “Báo cáo Đại đội trưởng, cháu N.T. (3 tuổi) đã hết sữa, mẹ cháu không có tiền mua sữa”. Ngay lập tức, Đại đội trưởng lấy trong bóp ra đưa tiền mua sữa.
Nhìn ánh mắt ngạc nhiên của tôi, anh Ngoan nói: “Gia đình này có 3 người gồm bà ngoại và 2 mẹ con, đứa nhỏ mới 3 tuổi. Nghe tin cửa khẩu đóng, 3 mẹ con từ Campuchia về Việt Nam và được đưa đi cách ly tại đây. Đi gấp quá, họ không kịp lấy tiền, giờ không có tiền mua sữa cho con uống.Thời gian qua, anh em chúng tôi quyên góp tiền cho cháu uống sữa”.
Chuông điện thoại của anh reo lên: “Nay chủ nhật sao cha không về? Cha về thăm con, con nhớ cha!”.Nghe câu nói đó, người ngoài cuộc như chúng tôi cũng cảm thấy chạnh lòng, nói chi là tâm trạng của người làm cha xa con lâu ngày.Tôi hỏi anh bao lâu rồi không về thăm gia đình. Anh nói: “Rất lâu, từ ngày nơi đây được thành lập. Nếu ngày nay con không điện thoại, tôi cũng chẳng biết là chủ nhật. Đối với anh em chúng tôi, khi vào đây làm việc thì phải đặt nhiệm vụ lên hàng đầu, hy sinh cái riêng cho cái chung của dân tộc”.
Đối với nhiều người khi làm xong công việc có thể về bên tổ ấm của mình.Còn những người đang làm việc tại đây không biết thứ bảy, chủ nhật là gì, có lẽ với họ, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, giúp đỡ được đồng bào mình là quan trọng nhất.Trong cuộc trò chuyện, chúng tôi luôn cảm nhận họ cũng rất nhớ nhà, nhớ gia đình. Thử hỏi làm sao không nhớ được khi ngần ấy thời gian và họ cũng là những con người bằng xương, bằng thịt.
Dường như hiểu được suy nghĩ của chúng tôi, anh Ngoan chuyển sang câu chuyện khác. Đó là câu chuyện về sự khó khăn của Bệnh viện dã chiến và Khu cách ly tập trung phòng, chống dịch bệnh Covid-19 hiện nay. Anh Ngoan cho biết: “Hiện nay, chế độ ăn của người cách ly và bộ đội bằng nhau, 57.000 đồng/người/ngày. Chế độ này phù hợp với bộ đội nhưng không phù hợp với người bị cách ly.Bởi, người cách ly có nhiều độ tuổi, giới tính, quốc gia khác nhau, cần phải tăng cường dinh dưỡng để tăng sức đề kháng.Số tiền 57.000 đồng/ngày rất khó để phân chia khẩu phần ăn. Hy vọng thời gian tới, mức tiền ăn của người bị cách ly được tăng lên. Một khó khăn khác, hiện nay, các phương tiện giao thông - vận tải đều tạm ngưng hoạt động, trong khi đó, nhiều người bị cách ly quê tận miền Tây, phải có xe mới về được. Vì vậy, họ xin được hỗ trợ xe, trong khi kinh phí đơn vị hạn chế, không biết làm sao để hỗ trợ họ”.
Chỉ cần vào Bệnh viện dã chiến và Khu cách ly tập trung phòng, chống dịch bệnh Covid-19 một ngày, thậm chí một buổi thôi cũng đủ cảm nhận sự hy sinh, vất vả của bộ đội, y, bác sĩ nơi đây. Và chúng ta hãy nhìn sự vất vả của những người nơi tuyến đầu phòng, chống dịch để biến thành hành động tích cực chung tay phòng, chống dịch Covid-19. Một hành động nhỏ của các bạn như đeo khẩu trang nơi công cộng, không ra đường khi chưa có việc cần thiết,... là đã đóng góp tích cực cùng Đảng và Nhà nước chiến thắng đại dịch Covid-19.
Bệnh viện dã chiến và Khu cách ly tập trung phòng, chống dịch bệnh Covid-19 thật sự không đáng sợ mà cái đáng sợ nhất là sự thiếu ý thức và thờ ơ trong cuộc chiến “chống dịch như chống giặc” hiện nay./.
"Chỉ cần vào Bệnh viện dã chiến và Khu cách ly tập trung phòng, chống dịch bệnh Covid-19 một ngày, thậm chí một buổi thôi cũng đủ cảm nhận sự hy sinh, vất vả của bộ đội, y, bác sĩ nơi đây. Và chúng ta hãy nhìn sự vất vả của những người nơi tuyến đầu phòng, chống dịch để biến thành hành động tích cực chung tay phòng, chống dịch Covid-19”. |
Kim Ngọc - Bùi Tùng