Thắp nén tâm hương tri ân người đi trước
Đây là hoạt động thường niên, nhưng mỗi năm, liên hoan đều mang một sắc thái hoàn toàn khác. Đây là nơi các ban ĐCTT, tài tử đờn và ca thành tâm thắp nén hương tưởng nhớ và xướng lên những giai điệu tri ân nghệ nhân, nhạc sư tài ba Nguyễn Quang Đại - ông tổ của ĐCTT.
Mặc dù chương trình chính thức bắt đầu từ 18 giờ nhưng từ sớm, nhiều đại biểu và ban ĐCTT đến từ các tỉnh bạn có mặt tại đình Vạn Phước. Ai nấy đều rạng rỡ trong trang phục truyền thống chuẩn bị cho đêm liên hoan.
Trước khi khai mạc liên hoan, các ban ĐCTT thành tâm thắp nén hương tri ân nhạc sư Nguyễn Quang Đại. Ông là nhạc quan của triều đình Huế. Vào thế kỷ XIX, ông đến Cần Đước, Long An và đào tạo nên nhiều thế hệ tài năng của ĐCTT Nam bộ, góp phần làm loại hình này lan tỏa và có sức sống kỳ diệu, trở thành di sản chung của cả dân tộc và nhân loại.
Tiết mục tham gia Liên hoan Đờn ca tài tử Nam bộ lần thứ 24 tại đình Vạn Phước
Đứng trước linh vị của Tổ nghiệp vào ngày húy kỵ luôn là giây phút thiêng liêng đối với các tài tử ĐCTT. Diễn tả cảm xúc của mình, tài tử đờn, ca Đặng Thanh Hoàng đến từ Ban ĐCTT tỉnh Bình Dương cho biết: “Đây là lần thứ 4, tôi tham gia Liên hoan ĐCTT Nam bộ tại Long An. Cảm xúc vẫn nguyên vẹn như lần đầu. Tôi và đồng nghiệp luôn trân trọng giây phút dâng hương cho đức nhạc sư Nguyễn Quang Đại. Đây cũng là dịp để những tài tử chúng tôi được gặp gỡ, giao lưu, trao đổi và học hỏi cùng nhau”. Đến với liên hoan năm nay, mỗi ban ĐCTT mang đến 6 tiết mục, trong đó có nhiều bài tổ: Cổ bản, Tứ đại oán, Nam ai,... với nội dung ca ngợi quê hương, đất nước, anh hùng dân tộc và đức nhạc sư Nguyễn Quang Đại.
Trong không khí rộn ràng lễ hội đầu xuân, giữa quê hương thứ 2 của đức nhạc sư Nguyễn Quang Đại - cái nôi của ĐCTT, các tài tử cùng nhau trỗi lên giai điệu đờn ca. Đêm diễn trở nên ý nghĩa, tiếng nhạc, lời ca càng làm say lòng người hơn. Bà Dương Thị Năm, ngụ xã Mỹ Lệ, huyện Cần Đước, cho biết, năm nào bà cũng đến xem Liên hoan ĐCTT và đều đi đủ 2 đêm. Vừa chăm chú lắng nghe, bà vừa tấm tắc: “Ca hay quá!”.
Giao lưu, học hỏi để duy trì, phát triển
Với vai trò Trưởng ban Thẩm định nghệ thuật, nhà nghiên cứu văn nghệ dân gian Võ Trường Kỳ nhận định, các ban ĐCTT có sự chuẩn bị chu đáo cho phần diễn của mình. Đặc biệt, năm nay, lễ húy kỵ có điểm nổi bật khác biệt so với nhiều năm trước chính là hoạt động múa lân và sự có mặt của ban nhạc lễ. Ông nói: “Đội lân đón khách và sự có mặt của ban nhạc lễ làm không khí thêm phần trang nghiêm. Hai hoạt động này nhiều năm trước từng được thực hiện nhưng về sau bị gián đoạn. Sự có mặt lại của 2 hoạt động này là một nét hay và đặc biệt của liên hoan năm nay”.
Liên hoan ĐCTT Nam bộ không chỉ là nơi giao lưu của các ban ĐCTT mà còn là “điểm giao nhau” của các thế hệ tài tử ĐCTT. Có mặt trong liên hoan là Nghệ sĩ ưu tú Ba Tu, nhà nghiên cứu văn nghệ dân gian Võ Trường Kỳ và cả các tài tử trẻ đến từ nhiều tỉnh, thành và các huyện trong tỉnh Long An. Với vai trò “cầm cân nẩy mực”, những bậc tiền bối của ĐCTT truyền đạt kinh nghiệm, hiệu đính những thiếu sót của các tài tử tài năng trẻ tuổi. Điều đó sẽ giúp nghệ thuật ĐCTT tiếp tục được gìn giữ và phát huy trong đời sống tinh thần người dân Nam bộ.
Với vai trò là Trưởng đoàn Ban ĐCTT tỉnh Kiên Giang, Trưởng phòng Tuyên truyền cổ động Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Kiên Giang - Đoàn Thế Hạnh nhận xét: “Đây là lần đầu tiên, Kiên Giang tham gia Liên hoan ĐCTT Nam bộ tại Long An. Chúng tôi rất vui và tự hào vì điều đó. Vì các tài tử ai cũng muốn được tự mình thắp nén hương tưởng nhớ đức nhạc sư Nguyễn Quang Đại tại chính quê hương Cần Đước. Chúng tôi mong hoạt động này tiếp tục được mở rộng, để tài tử các nơi có cơ hội giao lưu, học hỏi nhằm duy trì, phát triển bộ môn nghệ thuật độc đáo này”.
2 đêm liên hoan khép lại, 10 ban ĐCTT trong và ngoài tỉnh có thêm kỷ niệm khó quên trên hành trình theo đuổi và gìn giữ Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại - ĐCTT./.
Phương Phương