Tiếng Việt | English

29/10/2021 - 20:54

Tiếp tục phát hiện nhiều F0 - Đồng bằng Sông Cửu Long không chủ quan

Những ngày qua, dịch bệnh Covid-19 tại khu vực ĐBSCL gây quan ngại cho dư luận khi tiếp tục có nhiều trường hợp F0 xuất hiện trong cộng đồng không rõ nguồn lây, gây khó khăn cho công tác phòng chống dịch bệnh ở các địa phương.

Chiều 29/10, UBND Thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang cho biết, thêm một doanh nghiệp tại địa bàn vừa phát hiện có nhiều công nhân dương tính với SARS-CoV-2.  

Qua xét nghiệm test nhanh của cơ quan y tế đã phát hiện 20 trong tổng số 74 công nhân của công ty Đông lạnh Đức Thành Phát- doanh nghiệp chế biến, bảo quản các mặt hàng thủy sản (tại ấp Phong Thuận, xã Tân Mỹ Chánh, Thành phố Mỹ Tho,tỉnh Tiền Giang) dương tính với SARS-CoV-2. 

Trà Vinh tăng cường xét nghiệm sàng lọc đối với người dân tại các khu vực nguy cơ cao.

Ban Chỉ đạo phòng chống dịch địa phương tổ chức phong tỏa công ty Đông lạnh Đức Thành Phát, cách ly tạm thời và lấy mẫu xét nghiệm PCR đối với các ca nghi nhiễm.

Tại tỉnh Trà Vinh, tất cả các huyện, thị, thành phố của tỉnh đều xuất hiện ca mắc ngoài cộng đồng, trong đó huyện Duyên Hải đang ở cấp độ 4 (cấp nguy cơ rất cao). Điều đáng lo ngại là một số F0 không xác định được nguồn lây. Theo Sở Y tế Trà Vinh, từ ngày 1/10 đến nay trên địa bàn đã phát hơn 900 ca F0, trong đó có gần 350 ca trong cộng đồng và ngày càng tăng cao.

Ổ dịch mới phát sinh tại thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang.

Ngay sau khi phát hiện các ca mắc Covid-19 ngoài cộng đồng, địa phương đã khẩn trương khoanh vùng, thiết lập các vùng cách ly y tế, phong tỏa khu vực có nhiều ca mắc Covid-19. Lực lượng chức năng tiến hành truy vết, sàng lọc test nhanh để bóc tách F0. Đồng thời kích hoạt lại một số bệnh viện dã chiến để tăng khả năng thu dung, điều trị bệnh nhân Covid-19.

Bác sĩ Kiên Sóc Kha, Giám đốc Sở Y tế Trà Vinh cho biết: “Trước đây tỉnh đã có nhiều không xuất hiện ca bệnh trong cộng đồng, nhưng hiện nay đã xuất hiện rất nhiều và tình hình dịch ngày càng phức tạp hơn và càng khó kiểm soát. Trước diễn biến phức tạp của ca ngoài cộng đồng, khả năng tìm ra nguồn lây rất khó cho nên các biện pháp mà chúng tôi đang làm là chỉ mang tính hỗ trợ. Để giải quyết gốc rễ, giải pháp hữu hiệu nhất là phải tiêm vaccine đầy đủ cho người dân”.

Còn tại Bạc Liêu, cũng như nhiều tỉnh khác tại khu vực vực ĐBSCL, tình hình dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh đang diễn biến phức tạp, số ca mắc tăng nhanh, nhất là có thêm nhiều ca dương tính với SARS-CoV-2 ngoài cộng đồng và không rõ nguồn lây. Trước tình hình này, ông Phạm Văn Thiều, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu đã phải quyết định thành lập 2 cơ sở thu dung, điều trị Covid-19 tại huyện Hồng Dân, với quy mô 600 giường; một cơ sở thu dung, điều trị Covid-19 thành phố Bạc Liêu, có quy mô 200 giường bệnh.

Theo Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Bạc Liêu, trong 24 giờ qua, trên địa bàn tỉnh tiếp tục ghi nhận thêm gần 180 trường hợp có kết quả RT-PCR khẳng định dương tính với SARS-CoV-2, trong đó có hơn 100 trường hợp dương tính ghi nhận tại cộng đồng. 

Tại An Giang, trong tuần qua, ca mắc Covid-19 ngoài cộng đồng cao hơn so với tuần trước. Trong đó, các ca mắc tại huyện Chợ Mới, thị xã Tân Châu, thành phố Long Xuyên… còn rất cao. Đặc biệt là xuất hiện nhiều ổ dịch mới, thành phố Long Xuyên và huyện Tri Tôn, với hàng trăm ca ngoài cộng đồng. Ngoài ra tình hình lây nhiễm trong các khu cách ly, khu phong tỏa vẫn còn xảy ra ở hầu hết các địa phương trên địa bàn tỉnh. Tính trong vòng 10 ngày qua, từ ngày 18-28/10, trên địa bàn tỉnh An Giang ghi nhận hơn 2.460 ca mắc Covid-19, trong đó có gần 600 ca ngoài cộng đồng. 

Ông Lê Văn Phước, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho biết, tính từ ngày 1/10 đến nay, địa phương đã tiếp nhận hơn 65.000 người về từ các địa phương có dịch, trong đó có hơn 1.100 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2. Các ngành chức năng tỉnh An Giang đang triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh. 

Tại cuộc họp trực tuyến với các tỉnh, thành phía Nam vào ngày 26/10 vừa qua, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng việc thực hiện Nghị quyết số 128 của Chính phủ trong điều kiện hiện nay là phải đảm bảo cơ bản việc bao phủ vaccine. Với quan điểm này, Phó Thủ tướng đề nghị các địa phương cần đảm bảo hệ thống y tế không quá tải; quản lý, chăm sóc tốt các ca bệnh tại nhà, tránh biểu hiện nặng. Đồng thời cố gắng giữ vững quan điểm, khi phát hiện các ca nhiễm, thực hiện giãn cách phong tỏa hẹp, không để dịch phức tạp vượt ngoài phạm vi quản lý. Đối với các địa phương chưa đạt tỷ lệ tiêm phòng mũi 1 trên 70%, cần phải tăng cường tiêm phòng nhanh nhất có thể, Bộ Y tế sẽ cung cấp đủ nguồn vaccine cho các địa phương, thực hiện tiêm phòng toàn dân trong giai đoạn hiện nay./.

Phan Ánh/VOV-ĐBSCL

Chia sẻ bài viết