Tiếng Việt | English

02/11/2020 - 14:35

Tìm về địa danh Rừng tràm Bà Vụ

Rừng tràm Bà Vụ xưa là khu vực rộng lớn thuộc 4 xã: Lương Hòa, An Thạnh, Tân Bửu, Tân Hòa, huyện Bến Lức, tỉnh Long An. Xã Tân Hòa ngày nay được xác định là địa chỉ tọa lạc của di tích. Tại xã có một khoảng đất trống được chuẩn bị với mục đích xây dựng khu di tích, nhắc nhở người dân về một địa danh ghi dấu chiến công trong suốt những năm trường kỳ kháng chiến.

Theo người dân địa phương, tên Rừng tràm Bà Vụ được gọi theo tên của kênh Bà Hai Vụ thuộc xã Tân Hòa, huyện Bến Lức
Theo người dân địa phương, tên Rừng tràm Bà Vụ được gọi theo tên của kênh Bà Hai Vụ thuộc xã Tân Hòa, huyện Bến Lức

Điểm son trong kháng chiến

Về khu vực Rừng tràm Bà Vụ ngày nay đã không còn tìm được cây tràm như trước. Thay vào đó là những vườn chanh, thanh long xanh mướt. Nhà dân lác đác mọc lên, đường bêtông nối len vào ngõ xóm. Tên gọi Rừng tràm Bà Vụ chỉ còn trong ký ức những người lớn tuổi. Ông Tư Huỳnh (ấp 1, xã Tân Hòa) kể: “Ngày xưa, toàn bộ vùng này chỉ có tràm thôi. Rừng tràm che bộ đội. Sau này, người dân tới đây lập nghiệp, họ dùng tràm đổi gạo, khai phá dần dần. Giờ không còn tràm nữa”. Rồi ông kể thêm, sở dĩ khu vực này được gọi là Rừng tràm Bà Vụ vì được gọi theo tên của kênh Bà Hai Vụ thuộc xã Tân Hòa. Tên dòng kênh được đặt theo tên một người phụ nữ ở đầu kênh. Có người bảo rằng bà ấy tên là Hai Vụ. Cũng có người nói, bà bán rượu nên gọi lâu dần thành Hai Vụ. Không rõ đâu là giả thuyết đúng, chỉ biết rằng địa danh ấy đã trở thành một dấu ấn, điểm son trong phong trào kháng chiến chống Pháp và Mỹ của dân tộc ta.

Theo hồ sơ di tích Rừng tràm Bà Vụ thì đây “là nơi ghi dấu những sự kiện trọng đại, chiến tích oai hùng trong suốt 2 thời kỳ kháng chiến của Đảng bộ và nhân dân Long An nói riêng cũng như cả nước nói chung. Địa danh Rừng tràm Bà Vụ đã đi vào lịch sử chống xăm lăng của dân tộc với những chiến công của lực lượng vũ trang ta”. Rừng tràm Bà Vụ cùng với Láng Le, Bàu Cò tạo thành một hệ thống căn cứ liên hoàn lừng danh lúc bấy giờ. Thực dân Pháp và đế quốc Mỹ đã nhiều lần tổ chức càn quét khu căn cứ này nhưng đều thất bại thảm hại. Trong hồ sơ di tích Rừng tràm Bà Vụ có ghi lại chi tiết: “Những nhân chứng sống vào thời ấy kể rằng thân nhân của gia đình bọn giặc trước và sau trận càn đều ra chợ mua hương hoa cúng vái vì mỗi lần đi càn, bọn giặc phải bỏ lại ít nhất là xác 1 trung đội lính”.

Trong suốt 30 năm, Rừng tràm Bà Vụ hiên ngang tồn tại trước mắt thực dân, đế quốc mà chúng không thể làm gì được. Những cơ quan đầu não của ta từng đóng tại khu căn cứ liên hoàn Vườn thơm Bà Vụ, Láng Le, Bàu Cò: Xứ ủy Nam kỳ, Ủy ban Hành chính Kháng chiến Nam bộ, Sở Công an Nam bộ, Ủy ban Hành chính Kháng chiến Chợ Lớn,...

Tân Hòa đang nỗ lực xây dựng xã văn hóa - nông thôn mới mặc dù vẫn còn nhiều khó khăn phía trước

Tân Hòa đang nỗ lực xây dựng xã văn hóa - nông thôn mới mặc dù vẫn còn nhiều khó khăn phía trước

Từng bước dựng xây

Sau khi giành được độc lập, vùng đất bưng biền sình lầy lại nâng bước người dân dựng xây đời sống mới. Rừng tràm hoang hóa dần nhường chỗ cho các vườn cây mang lại hiệu quả kinh tế, phát triển đời sống. Mặc dù vẫn là một trong những xã còn nhiều khó khăn nhưng Tân Hòa cũng có những đổi thay tích cực. Ngôi trường tiểu học còn thơm mùi vôi mới. Đường giao thông nông thôn dần được bêtông hóa, cầu khỉ thay bằng cầu kiên cố. Cuộc sống mang đậm vẻ bình yên.

Trường tiểu học còn thơm mùi vôi mới

Trường tiểu học còn thơm mùi vôi mới

Bí thư Đảng ủy đồng thời là Chủ tịch UBND xã Tân Hòa - Nguyễn Thanh Đức cho biết, 100% người dân Tân Hòa có điện và nước hợp vệ sinh sử dụng. Y tế, giáo dục được quan tâm. Công tác phổ cập giáo dục đạt hiệu quả. Tình hình an ninh, trật tự được bảo đảm. Việc chăm lo về chính sách an sinh xã hội được thực hiện tốt giúp đời sống vật chất và tinh thần của người dân từng bước được nâng cao. Hiện tại, Tân Hòa nỗ lực xây dựng xã văn hóa - nông thôn mới.

Rừng tràm Bà Vụ giờ đây chỉ còn là một địa danh trong lịch sử. Vùng đất hoang hóa năm xưa nhường chỗ cho người dân xây dựng đời sống mới nhưng những chiến công từng ghi dấu thì không thể nào quên. Phó Giám đốc Bảo tàng - Thư viện tỉnh - Nguyễn Văn Thiện đã nhận định khi làm hồ sơ di tích Rừng tràm Bà Vụ như sau: “Trước những chuyển biến lớn lao của dân tộc, việc giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ làm nền tảng vững chắc cho sự phát triển của tương lai là việc làm cần thiết. Di tích lịch sử Rừng tràm Bà Vụ với những giá trị to lớn là một đối tượng trực quan sinh động để thực hiện công tác ấy”.

Và, khoảng đất trống tại xã Tân Hòa vẫn đang đợi trở thành khu di tích!./.

Quế Lâm

Chia sẻ bài viết