Tiếng Việt | English

15/04/2025 - 11:05

Tín hiệu tích cực từ công tác phòng, chống hạn, xâm nhập mặn

Với sự đoàn kết, quyết tâm, chủ động của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân, đến thời điểm này, tỉnh cơ bản bảo đảm đầy đủ nguồn nước sản xuất và sinh hoạt cho người dân trong mùa khô năm 2024-2025.

Trung tâm Thủy lợi và Nước sạch tỉnh bơm bổ sung nước vào hệ thống kênh Rạch Chanh - Trị Yên để phục vụ sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt trong mùa khô cho các huyện: Bến Lức, Cần Đước, Cần Giuộc

Giải bài toán thiếu nước sinh hoạt

Mùa hạn, xâm nhập mặn năm 2023-2024 đến sớm hơn mọi năm, kết hợp nắng nóng kéo dài nên nhu cầu sử dụng nước sinh hoạt của người dân tăng cao. Điều này làm cho hơn 10.000 hộ dân tại các huyện: Cần Đước, Cần Giuộc và Tân Trụ thiếu nước sinh hoạt.

Qua khảo sát, nguyên nhân thiếu nước sinh hoạt không chỉ do nhu cầu sử dụng nước vào mùa khô tăng cao mà còn là sự chủ quan, lơ là của các cấp, các ngành, công ty (Cty), doanh nghiệp và người dân.

Cụ thể, các đơn vị cấp nước không chủ động đầu tư mở rộng, nâng cấp lưới cấp nước sạch, chưa chuẩn bị nguồn nước nguồn ứng phó xâm nhập mặn, một số đơn vị cấp nước còn nhỏ, lẻ, manh mún, thiếu tập trung,...

Riêng người dân chưa chủ động trữ nước trước khi mùa khô về. Chính vì thế, ngay khi mùa hạn, mặn đi qua, các Cty, doanh nghiệp, đơn vị cấp nước bắt tay đầu tư mở rộng, nâng cấp mạng lưới cấp nước sạch dài 34,8km từ nhà máy về các vùng hạ của huyện Cần Đước, Cần Giuộc và Tân Trụ.

Điển hình từ cuối năm 2024, Cty Cổ phần Cấp thoát nước Long An đã cải tạo cụm xử lý Nhà máy Cấp nước Tân An để bảo đảm xử lý đạt công suất cấp cho người dân TP.Tân An và vùng lân cận. Đồng thời, Cty cũng đưa vào vận hành 1 trạm tăng áp cấp nước tại huyện Bến Lức. Bằng nhiều giải pháp, Cty đã nâng công suất từ 80.000m3/ngày đêm lên hơn 90.000m3/ngày đêm.

Tại xã Long Hựu Tây và Long Hựu Đông (huyện Cần Đước), vào thời điểm này năm trước, cuộc sống của người dân bị xáo trộn do thiếu nước sinh hoạt. Riêng mùa khô năm nay, nguồn nước ổn định, người dân vẫn có nước sinh hoạt sử dụng. Có được kết quả này chính là sự chỉ đạo quyết liệt của các cấp, các ngành, nhất là sự chung tay của Cty Cổ phần Nước và Môi trường Cần Đước trong việc đầu tư tuyến ống 160.

Ông Võ Văn Tý (xã Long Hựu Tây, huyện Cần Đước) chia sẻ: “Mấy năm trước, lượng mưa ít, mùa khô đến sớm, gia đình tôi thường xuyên chịu cảnh thiếu nước sinh hoạt. Còn mùa khô năm nay, đường ống được thay mới, gia đình cũng chủ động trữ nước nên đến nay vẫn còn đủ nước sinh hoạt”.

Tại huyện Cần Giuộc, ngay từ đầu mùa khô 2024-2025, UBND huyện chủ động xây dựng kế hoạch phòng, chống hạn, thiếu nước, xâm nhập mặn. Đồng thời, UBND huyện xây dựng phương án cấp nước tạm để phòng tình huống thiếu nước sinh hoạt cho người dân.

Thông tin từ Phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Cần Giuộc, dự kiến đến tháng 9-2025, Cty Cổ phần Nước Biwase - Long An mới hoàn thành dự án nâng công suất Nhà máy Nước Nhị Thành lên 120.000m3/ngày đêm. Do đó, trước mắt, Phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện phối hợp Cty bảo đảm cung cấp đủ 90% sản lượng nước dự kiến cung cấp trong phân vùng của huyện và thực hiện điều tiết nước từ khu vực huyện Tân Trụ và Bến Lức về bể chứa trạm tăng áp Mỹ Lệ (huyện Cần Đước), sau đó cấp cho huyện Cần Giuộc trong thời gian từ 21 giờ đến 5 giờ sáng hôm sau để người dân có thể trữ nước, bảo đảm nguồn nước sinh hoạt.

Về lâu dài, huyện tập trung vận hành hiệu quả các tuyến ống truyền tải nước đã có và triển khai các thủ tục để thi công thêm các tuyến ống mới nhằm bảo đảm phủ kín hệ thống mạng lưới tuyến ống nước đến từng hộ dân.

Đặc biệt, ngay trong quí I-2025, huyện sẽ thi công tuyến ống nước sạch D710 từ ngã tư Chợ Trạm dọc theo Đường tỉnh 830 đến Cảng Quốc tế Long An và tuyến ống D600 từ vòng xoay Tân Kim dọc theo ranh Khu công nghiệp Tân Kim mở rộng đến Khu công nghiệp Long Hậu.

Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Cần Giuộc - Nguyễn Thị Hồng Châu cho biết: “Dự báo trong mùa khô năm nay, có hơn 5.300 hộ tại các xã vùng hạ của huyện như Phước Vĩnh Đông, Phước Vĩnh Tây, Tân Tập, Đông Thạnh và Phước Lại có nguy cơ bị ảnh hưởng thiếu nước sinh hoạt.

Do đó, Phòng phối hợp các địa phương tuyên truyền, vận động người dân chủ động trữ nước sinh hoạt; đồng thời, yêu cầu các địa phương thường xuyên kiểm tra, theo dõi, tiếp nhận thông tin từ người dân để kịp thời thực hiện điều tiết nước, không để người dân thiếu nước sinh hoạt”.

Công ty Cổ phần Nước và Môi trường Cần Đước thi công tuyến ống đưa nước về xã Long Hựu Đông, Long Hựu Tây (huyện Cần Đước)

Ứng phó xâm nhập mặn, bảo vệ sản xuất

Rút kinh nghiệm từ những mùa hạn, mặn trước, ông Huỳnh Văn Long (ấp 8, xã Lương Hòa, huyện Bến Lức) chủ động nạo vét bùn dưới mương để trữ nước, sau đó xử lý bằng vôi giúp hạ phèn, tỉa hết các cành nhánh già trên cây chanh, thường xuyên theo dõi độ mặn trên các tuyến kênh, rạch trên địa bàn huyện để bơm tích trữ nước khi độ mặn dưới 1gam/lít (g/l),... Với sự chủ động này, vườn chanh của ông phát triển tốt, chưa bị thiếu nước tưới trong mùa khô năm nay.

Ông Long chia sẻ: “Thông thường vào mùa khô, vườn chanh của tôi sẽ không để trái, bởi để trái nhiều mà nắng nóng kéo dài không đủ nước tưới thì cây sẽ bị suy, mất sức. Trước khi tưới chanh, tôi sẽ đo độ pH trong nước, khi độ mặn bảo đảm trong mức cho phép mới tưới. Bằng cách làm này, những năm qua, vườn chanh của gia đình không bị ảnh hưởng của hạn, xâm nhập mặn”.

Nạo vét kênh, mương nội đồng để tích trữ nước phục vụ sản xuất

Lương Hòa là một trong những địa phương được huyện Bến Lức chọn thực hiện Chương trình Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp trên cây chanh. Hiện nay, toàn xã có hơn 1.000ha chanh, trong đó diện tích ứng dụng công nghệ cao hơn 350ha, đạt 100% kế hoạch. Chính vì thế, việc dự trữ nước để tưới cho các loại cây trồng như chanh rất quan trọng, góp phần thực hiện hoàn thành chương trình, mục tiêu kế hoạch đề ra.

Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng ấp 8 (xã Lương Hòa, huyện Bến Lức) - Phan Thanh Hùng thông tin: “Trước khi mùa khô đến, các tuyến kênh nội đồng của ấp đều được nạo vét, khơi thông. Song song đó, ấp cũng phân công người dân trực tại các cống để vận hành phù hợp với từng thời điểm. Ngoài ra, ấp thành lập một nhóm Zalo thông báo tình hình độ mặn giúp người dân chủ động trữ nước”.

Thông tin từ Chi cục Môi trường và Kiểm lâm tỉnh, hiện nay, độ mặn trên các tuyến sông Rạch Cát, Vàm Cỏ, Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây, Tra dao động ở mức từ 0,3-13,8g/l.

Cụ thể, trên sông Vàm Cỏ Đông độ mặn 1,0g/l gần đến cống Rạch Vong, huyện Bến Lức (0,8g/l), cách sông Soài Rạp khoảng 72km; độ mặn 4,0g/l vượt qua cống Bà Xiểng, huyện Cần Đước (4,7g/l), cách sông Soài Rạp khoảng 43km.

Trên sông Vàm Cỏ Tây, độ mặn 1,0g/l gần đến cống Chợ Giữa, huyện Châu Thành (0,9g/l), cách sông Soài Rạp khoảng 50km; độ mặn 4,0g/l chưa xuất hiện trên sông Vàm Cỏ Tây, độ mặn cao nhất tại cống Sông Cui, xã Thuận Mỹ, huyện Châu Thành (1,8g/l), cách sông Soài Rạp khoảng 42km.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường - Đỗ Hữu Phương cho biết: Để chủ động ứng phó với hạn, xâm nhập mặn, thiếu nước sinh hoạt trong mùa khô, Sở chỉ đạo Chi cục Môi trường và Kiểm lâm tỉnh, Trung tâm Thủy lợi và Nước sạch tỉnh phối hợp Phòng Nông nghiệp và Môi trường, Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ Nông nghiệp các huyện phía Nam và TP.Tân An thường xuyên theo dõi chặt chẽ diễn biến độ mặn và có kế hoạch vận hành các cống đầu mối hợp lý để điều tiết lấy nước trữ vào các kênh, rạch nội đồng nhằm bảo đảm nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh.

“Theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, xâm nhập mặn tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long mùa khô năm 2024-2025 ở mức cao hơn trung bình nhiều năm nhưng không gay gắt như mùa khô năm 2015-2016 và năm 2019-2020. Xâm nhập mặn ở các cửa sông Cửu Long đang có xu thế giảm dần, riêng trên sông Vàm Cỏ còn một đợt tăng cao từ ngày 27-4 đến 01-5-2025 và từ giữa tháng 5-2025, xâm nhập mặn sẽ giảm dần. Do đó, các địa phương và người dân cần tiếp tục theo dõi, cập nhật tình hình hạn, xâm nhập mặn hàng ngày, chủ động trữ nước ngọt, giữ vệ sinh nguồn nước, sử dụng nước tiết kiệm, bảo đảm sản xuất hiệu quả” - ông Đỗ Hữu Phương cho biết thêm./.

Lê Ngọc - Bùi Tùng

Chia sẻ bài viết