Tiếng Việt | English

06/03/2023 - 10:58

Tình đất, tình người ở Đá Biên

Hơn 30 năm nay, từ khi khu vực thờ phụng các liệt sĩ Trung đoàn 207 (ấp Đá Biên, xã Thạnh Phước, huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An) còn là miếu nhỏ, lợp lá đơn sơ, mỗi ngày, ông Nguyễn Văn Tờ đều đến thắp nhang, như một phần việc không thể thiếu.

1. Nhà ông Tờ nằm heo hút bên bờ kênh Bắc Bỏ, cạnh Khu tưởng niệm Liệt sĩ Trung đoàn 207. Ông Tờ kể, hơn 30 năm trước, sau khi rời quân ngũ, ông đưa gia đình đến đây để khai khẩn đất hoang. Khu vực kênh Bắc Bỏ, ấp Đá Biên, trước đây không một bóng người, trên bờ là rừng tràm, cỏ dại um tùm, không có lối đi, dưới kênh ngập đầy bèo, lục bình, muốn vào được chỉ có thể đi bằng xuồng. Đường đi khó khăn, vất vả nên có khi phải mất nửa ngày mới tới được khu vực có dân cư.

Khu tưởng niệm liệt sĩ Trung đoàn 207

Quanh khu vực gia đình ông Tờ ở, thỉnh thoảng trong quá trình khẩn hoang, ông và người dân thường phát hiện nhiều di vật, hài cốt của các liệt sĩ. Thấy vậy, ông Tờ lập ngôi miếu nhỏ để ngày đêm nhang khói và mỗi năm làm lễ giỗ cho các anh. Ông Tờ nói: “Anh trai tôi mất 1 ngày sau trận càn trong lúc đi bắt cá gần khu vực bị tập kích. Tôi nhớ vậy nên cứ tới mùng 8, 9 là làm mâm cơm cúng. Sau này, người dân thấy vậy thì ai có gì góp nấy. Suốt mấy mươi năm đều như thế, cho tới ngày Khu tưởng niệm Liệt sĩ Trung đoàn 207 được xây dựng thì lễ giỗ được tổ chức tươm tất hơn do có sự tham gia của chính quyền địa phương”.

Sau hơn 30 năm, khu vực kênh Bắc Bỏ cũng như nơi thờ tự các liệt sĩ Trung đoàn 207 có nhiều thay đổi. Vào Đá Biên bây giờ không còn phải di chuyển bằng xuồng, đường đi được mở rộng, trải nhựa. Những cánh đồng lúa xanh mướt xen giữa rừng tràm khiến khung cảnh hoang vu xưa nay mang màu no ấm. Khu tưởng niệm được đầu tư, xây dựng lại khang trang với nhiều hạng mục. Nhà thờ uy nghi giữa khuôn viên được trồng nhiều cây xanh rợp mát. Dưới bóng cờ Tổ quốc là những ngôi mộ gió thể hiện tấm lòng người ở lại, dẫu biết rằng một phần thân thể các anh đã hòa vào đất. Ông Tờ trở thành người quản lý khu tưởng niệm, ngày ngày chăm sóc cây xanh, dọn dẹp nhà thờ, thắp nhang cho liệt sĩ.

Ông Tờ kể, khi những đồng đội cũ và người thân của các liệt sĩ tìm được tới Đá Biên và ngôi miếu nhỏ do ông dựng bên dòng Bắc Bỏ, họ đã ôm ông mà khóc. Ngoài việc vận động kinh phí xây dựng khu tưởng niệm, các cựu chiến binh còn chung tay tặng ông Tờ và gia đình căn nhà Đồng đội như lời cảm ơn ông. “Ngày các ông ấy vận động đủ kinh phí, có vận động tôi hiến 200m2 đất để xây dựng nhà thờ. Nghe các ông hỏi thì tôi và gia đình quyết định hiến 5.000m2 đất để khu tưởng niệm được rộng rãi, đàng hoàng. Các ông cũng thương tôi lắm, kết nạp tôi vào nhóm cựu chiến binh Trung đoàn để tôi nhang khói cho các liệt sĩ ở đây” - ông Tờ nói.

Ông Nguyễn Văn Tờ vệ sinh tại nhà thờ liệt sĩ trong Khu tưởng niệm Liệt sĩ Trung đoàn 207

2. Khu tưởng niệm là nơi ghi dấu sự hy sinh oanh liệt của hơn 100 chiến sĩ Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 207 trong trận đánh ngày 03/10/1973. Nhận nhiệm vụ tập kết tại Cai Lậy, chuẩn bị lực lượng thành lập Sư đoàn 8 đánh căn cứ Ngã sáu, Ngã tư Thanh Mỹ, tháng 10/1973, Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 207 từ Mỏ Vẹt (Campuchia) về Đồng Tháp Mười. Đến khu vực kênh Bắc Bỏ thì nghỉ lại. Do các chiến sĩ phần lớn là sinh viên Trường Đại học Xây dựng Hà Nội vừa nhập ngũ, chưa quen địa hình, thiếu kinh nghiệm nên đã để địch phát hiện địa điểm trú đóng.

Sáng ngày 03/10/1973, địch dùng 20 trực thăng quần thảo, bắn phá, chốt chặn những đường quân ta có thể rút lui trong suốt nhiều ngày. Phần lớn chiến sĩ đã anh dũng hy sinh. Sau khi tình hình yên ắng, cán bộ Trung đoàn 207 cùng lực lượng địa phương quay về tìm xác đồng đội nhưng do địa hình phức tạp, các anh hy sinh nhiều ngày nên gặp rất nhiều khó khăn. Lực lượng tìm được khoảng 75 liệt sĩ, những người còn lại đã hòa mình vào đất mẹ ở Đá Biên./.

Quế Lâm

Chia sẻ bài viết