Bia ghi dấu chiến công 3 trận đánh trong mùa khô năm 1965-1966 tại xã Thạnh Phước
Những anh hùng cảm tử hòa mình vào đất Đá Biên
Đã thành lệ, cứ đến ngày 08/9 Âm lịch hàng năm, ông Tư Tờ (Nguyễn Văn Tờ) lại chuẩn bị đèn hoa, quét dọn khu tưởng niệm để đón người dân xã Thạnh Phước và các vùng lân cận về ngôi miếu Bắc Bỏ trước đây, nay là Đền tưởng niệm liệt sĩ Trung đoàn 207, làm lễ giỗ. Những cựu binh năm xưa từ các tỉnh phía Bắc cũng không quản ngại đường xa về với Thạnh Phước để tri ân những đồng đội năm xưa anh dũng hy sinh trong trận Đá Biên. Trong tâm trí của người dân xã Thạnh Phước, những anh hùng liệt sĩ hy sinh trong trận Đá Biên mãi mãi trường tồn và đã thành một phần lịch sử, máu thịt ở nơi đây.
48 năm trước, Trung đoàn 207 đang chiến đấu ở vùng Mỏ Vẹt được lệnh hành quân về chi viện cho Mỹ Tho. Đêm 03/10, Trung đoàn từ Ba Thu, biên giới Campuchia về ấp Đá Biên lúc trời vừa sáng nên buộc phải thu quân vào từng vạt tràm, chờ đêm tối tiếp tục hành quân. Phần lớn chiến sĩ Trung đoàn 207 là sinh viên Đại học Xây dựng Hà Nội cùng một số trường đại học khác mới được bổ sung về đơn vị, chưa quen địa hình sông nước vùng Đồng Tháp Mười, lại thiếu kinh nghiệm nên bị máy bay trinh sát của địch phát hiện.
Trong phút chốc, máy bay, xe bọc thép, pháo cối từ Kiến Bình, Kiến Tường bao vây, dội xuống bất cứ chỗ nào nghi ngờ có bộ đội ta trú ẩn. Địch khép vòng vây hòng bắt sống chỉ huy trung đoàn. Trước tình thế vô cùng hiểm nguy, đơn vị nhanh chóng triển khai đội hình chiến đấu với tinh thần cảm tử, bắn cháy máy bay trực thăng, tiêu diệt nhiều tên địch. Sau một ngày giao tranh ác liệt, lực lượng mở đường máu, đưa chỉ huy Trung đoàn thoát khỏi vòng vây. Đổi lại tinh thần cảm tử là 291 chiến sĩ anh dũng hy sinh.
Sau trận chiến, địch tiếp tục huy động máy bay quần thảo nhiều ngày nhằm truy kích, ngăn không cho bộ đội và nhân dân vào tìm đồng đội. Phải mất 12 ngày sau, đại đội trinh sát cùng lực lượng địa phương mới tổ chức được lực lượng vào tìm đồng đội. Đá Biên mùa nước nổi, không nơi chôn cất các anh, đồng đội và người dân địa phương phải dùng lưới mùng, nylon bó lại treo lên hoặc cột chặt vào cây tràm. Năm tháng qua đi cùng với sự ác liệt của chiến tranh, hài cốt các anh đã mãi mãi hòa vào vùng đất Đá Biên.
Thạnh Phước không chỉ được biết đến với trận Đá Biên, nơi đây còn là một trong những vùng chiến trường ác liệt nhất trong giai đoạn Mỹ - ngụy thực hiện chiến lược Chiến tranh cục bộ ở miền Nam. Theo lịch sử địa phương, trên vùng đất Thạnh Phước, trong vòng 92 ngày đêm, từ ngày 19/12/1965 đến ngày 20/3/1966, quân, dân Kiến Tường cùng các Tiểu đoàn: 263, 267, 269, Quân khu 8 và nhân dân xã Thạnh Phước đã tổ chức liên tục 3 trận đánh diệt gọn 1 tiểu đoàn, đánh thiệt hại nặng 2 tiểu đoàn ngụy, loại khỏi vòng chiến đấu 430 tên, bắn rơi 2 máy bay lên thẳng, thu 230 súng các loại cùng nhiều chiến lợi phẩm khác phục vụ chiến đấu. Chiến thắng này đã khai thông hành lang chiến lược từ biên giới xuống chiến trường trọng điểm của vùng Trung và Tây Nam bộ.
Đổi lại cho hòa bình, thống nhất đất nước, nhân dân Thạnh Phước đã cống hiến cho Tổ quốc 179 liệt sĩ, 19 người có công, 31 thương, bệnh binh cùng 44 mẹ được phong tặng danh hiệu Mẹ Việt Nam Anh hùng.
Đổi thay trên quê hương anh hùng
Trở lại sau cuộc chiến, Thạnh Phước là một trong những địa phương chịu nhiều tổn thất trong chiến tranh nhất trên Vùng 6, Kiến Tường cũ. Đất đai, nhà cửa, các công trình kết cấu hạ tầng bị bom đạn tàn phá, hư hỏng tiêu điều, ruộng vườn bỏ hoang và cả nguy cơ từ bom, mìn còn sót lại.
Chính từ gian khó, người dân Thạnh Phước lại cho thấy quyết tâm một lòng theo Đảng, theo cách mạng, ra sức thi đua phát triển kinh tế. Chủ tịch UBND xã Thạnh Phước - Nguyễn Duy Thoại cho biết, sau chiến tranh, cơ sở vật chất của xã hầu như bị phá hủy, sản xuất nông nghiệp lạc hậu nhưng người dân Thạnh Phước không chùn lòng. Bằng sức mình là chính, hàng trăm kilômét kênh nội đồng được xẻ dọc ngang trên cánh đồng dẫn nước về xả phèn cho những ruộng lúa từng là chiến trường bom cày, đạn xới. Với phương châm “lúa lấn khoai; khoai lấn đay, mì; mì lấn đất hoang”, những “vùng đất chết” dần hồi sinh tươi tốt. Nếu như năm 1975, Thạnh Phước chỉ có khoảng 100ha đất canh tác lúa 1 vụ thì nay diện tích sản xuất nông nghiệp của xã đã đạt gần 5.300ha, canh tác lúa 2 vụ với năng suất, sản lượng cao. “Cùng với sự đầu tư của các cấp chính quyền, đến nay, Thạnh Phước chính thức là một trong những xã đầu tiên của huyện Thạnh Hóa được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2017” - Chủ tịch UBND xã Thạnh Phước - Nguyễn Duy Thoại cho biết thêm.
Trở lại Đá Biên xưa, vùng quê nghèo đã thực sự “thay áo mới”. Cây cầu kiên cố vừa mới được đầu tư cách đây ít năm cùng con đường nhựa đã khiến đường về Đền tưởng niệm liệt sĩ Trung đoàn 207 gần hơn. Những cánh đồng lúa ngút ngàn cùng những vạt tràm xanh tốt hòa quyện hương thơm trên vùng đất mới. Ông Tư Tờ - người chứng kiến bao buồn, vui mấy chục năm qua ngay tại mảnh đất này, khẳng định, đến giờ có thể thấy quê hương thật sự khang trang, đổi mới. Người dân không còn khó khăn như ngày trước. Đó vừa là sự phát triển của quê hương nhưng cũng cho thấy khát vọng vươn lên, tri ân những thế hệ anh hùng đã hy sinh vì Tổ quốc. Cũng giống như ông Tư Tờ, ông Trần Văn Niêm - Bí thư Chi bộ, Trưởng ấp Cả Sáu, tâm sự: “Thời trước, có nằm mơ cũng không nghĩ quê hương mình được như bây giờ. Chỉ trong vòng hơn 10 năm nay, Thạnh Phước có bước phát triển vượt bậc. Từ giao thông gần như phụ thuộc vào đường thủy, nay đã được nhựa hóa, cơ sở vật chất được đầu tư đồng bộ hơn cả mong mỏi của người dân. Nhiều người xa quê lâu ngày khi về còn ngỡ đi lạc vào vùng đất khác, không nhận ra được do sự thay đổi, phát triển của quê hương mình,...”.
Ngày nay, trên vùng đất Thạnh Phước đã không còn vết tích chiến tranh tàn phá, thay vào đó là bộ mặt của một xã nông thôn mới khang trang hơn, tươi đẹp hơn như minh chứng cho quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Thạnh Phước trong thời kỳ mới. “Lịch sử đã sang trang nhưng Thạnh Phước sẽ không bao giờ quên những năm tháng chiến đấu đầy gian khổ, ác liệt song cũng rất đỗi tự hào. Và cũng sẽ không bao giờ quên những người con quê hương và những người con trên khắp mọi miền Tổ quốc đã anh dũng ngã xuống, hòa máu xương để tạc lên một Thạnh Phước anh hùng” - Chủ tịch UBND xã Thạnh Phước - Nguyễn Duy Thoại khẳng định./.
Thụy Anh