Nhờ phát triển nghề nuôi bò vỗ béo, người dân Bình Bắc cải thiện cuộc sống
Hầu như ngày nào, người dân sinh sống 2 bên biên giới ở khu vực cột mốc 202, 203 cũng gặp mặt nhau, nhất là sau khi kết nghĩa, tình cảm ngày càng trở nên khắng khít, sâu đậm hơn. Ngoài việc qua lại thăm viếng, họ còn giúp nhau phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống.
Thắm tình anh em
Những ngày này, người dân 2 bên biên giới tất bật chăm sóc vụ lúa Hè Thu. Giữa cánh đồng lúa mênh mông, họ dựng chòi tạm để trú nắng, mưa và nghỉ ngơi vào buổi trưa. Ông Nguyễn Văn Cảo (65 tuổi), ngụ ấp Bình Bắc, có đất sản xuất gần đường phân giới, cắm mốc, cho biết, quê gốc ở huyện Bến Cầu, tỉnh Tây Ninh, ông cùng gia đình đến đây khẩn đất vào năm 1976. Lúc đó, nơi này còn là cánh đồng hoang đầy cỏ tranh, tràm, lau, sậy,... “Với hơn 5ha đất ruộng, gia đình tôi sản xuất 2 vụ lúa/năm. Vụ Đông Xuân vừa qua, năng suất đạt hơn 7 tấn/ha; còn vụ Hè Thu, năng suất thường thấp hơn” - ông Cảo bộc bạch.
Cách ruộng ông Cảo không xa, ở bên kia biên giới, người dân nước bạn cũng miệt mài bên thửa ruộng. Ông Som Ngach, ngụ ấp Pray Vo, xã Tà Nốt, nói khá rành tiếng Việt: “Vùng này, đất rộng, người thưa nên người dân 2 bên thường làm “vần công” cho nhau. Đầu vụ, mấy anh ở ấp Bình Bắc thường sang bên này giúp dân Pray Vo cày ruộng. Đến khi mấy ảnh cần, “hú” một tiếng, chúng tôi sang phụ nhổ cỏ, diệt ốc bươu vàng,...”.
Ông Nguyễn Quang Tuấn (54 tuổi), ngụ ấp Bình Bắc, có 6ha ruộng gần cột mốc 203, chia sẻ: “Chúng tôi luôn xem người dân Pray Vo như anh em ruột thịt của mình. Bên cạnh hướng dẫn áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, chúng tôi còn sẵn sàng hỗ trợ vài bao phân đạm, vài chai thuốc bảo vệ thực vật, máy xịt thuốc,... khi họ cần”.
Cùng giúp nhau
Gần khu vực cột mốc 203, giữa đồng lúa mênh mông, nổi lên vườn dừa với những tán cây xanh mát, trái to. Đây chính là thành quả mà ông Huỳnh Văn Đời (68 tuổi), ngụ ấp Bình Bắc “liều lĩnh” chuyển đổi hơn 1ha đất lúa kém hiệu quả sang trồng dừa. Ông Đời quê gốc ở huyện Củ Chi, TP.HCM, đến đây lập nghiệp vào năm 1975. Sau hơn 40 năm, giờ đây, ông sở hữu gần 10ha đất nông nghiệp, chủ yếu trồng lúa. Ông Đời kể: “Cách đây gần 7 năm, tôi có qua nhà người bạn ở Tà Nốt chơi đúng vào dịp đón Tết Chol Chnam Thmay (tết cổ truyền của người Khmer). Tôi thấy, người dân nơi đây rất thích uống nước dừa, dù giá khá đắt (20.000 đồng/trái), do phải vận chuyển quãng đường xa từ vùng khác đến. Lúc ấy, tôi nảy sinh ý tưởng trồng dừa “xuất khẩu” sang nước bạn, kiếm thêm nguồn thu nhập, cải thiện cuộc sống gia đình”.
Năm 2012, từ vùng biên giới xa xôi, ông Đời lặn lội xuống tỉnh Bến Tre học tập kỹ thuật trồng, chăm sóc dừa. Sau đó, lên liếp, khoan giếng, trồng dừa. Hơn 3 năm chăm sóc, vườn dừa của ông bắt đầu cho trái, bán với giá 65.000 đồng/chục.“Người dân Tà Nốt sang mua, cắt ra từng trái, bỏ vào bao rồi chở về” - ông Đời thông tin thêm.
Người dân Bình Bắc sẵn sàng hỗ trợ khoa học - kỹ thuật cho người dân Pray Vo trong sản xuất
Những năm qua, nhờ nguồn bò bên xã Tà Nốt mà nhiều gia đình ở ấp Bình Bắc có “đồng ra, đồng vào” từ nghề nuôi bò vỗ béo. Và ngược lại, cũng nhờ “đầu ra” ở ấp Bình Bắc mà nghề nuôi bò của người dân xã Tà Nốt phát triển mạnh. Theo bà Tạ Ngọc Xa (Sáu Em, ngụ ấp Bình Bắc) - người chuyên mua, bán bò bên xã Tà Nốt, người dân nước bạn nuôi bò đẻ nhiều. Do đồng cỏ ít nên lớn lên, bò thường bị còi, bán không được giá. Vì vậy, bà mua bò về vỗ béo, ít tháng sau bán lại cho thương lái nội địa, kiếm lãi từ 500.000-700.000 đồng/con.
Phó Chủ tịch UBND xã Bình Hòa Tây - Nguyễn Văn Cần cho biết: “Thời gian qua, chính quyền địa phương 2 xã biên giới luôn duy trì các cuộc họp giao ban định kỳ nhằm trao đổi tình hình liên quan đến an ninh, trật tự xã hội,... Đặc biệt, địa phương 2 bên luôn tạo điều kiện cho người dân khu vực biên giới qua lại hợp tác, trao đổi hàng hóa, chuyển giao khoa học - kỹ thuật trồng lúa,...”.
(còn tiếp)
Bài 2: Gắn bó bền chặt
Phong Nhã