Tổng thống Iran Hassan Rouhani (phải) và Tổng thống Nga Vladimir Putin trong cuộc gặp tại Tehran ngày 01/11. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Trong bối cảnh thỏa thuận hạt nhân Iran đang có nguy cơ đổ vỡ và khu vực Trung Đông vẫn đứng trước nhiều thách thức, đặc biệt là mối đe dọa của khủng bố và cuộc khủng hoảng chưa thể được giải quyết dứt điểm ở Syria, chuyến thăm của Tổng thống Nga Vladimir Putin tới Iran chẳng những là minh chứng cho mối quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước, mà còn một lần nữa khẳng định vai trò không thể thiếu của Moskva tại "điểm nóng" Trung Đông.
Điểm đáng chú ý nhất là chuyến thăm diễn ra vào thời điểm hết sức "nhạy cảm" khi những căng thẳng leo thang giữa Mỹ và Iran đang đe dọa thỏa thuận hạt nhân lịch sử, được biết đến là Kế hoạch Hành động toàn diện chung (JCPOA) mà Tehran đạt được với Nhóm P5+1 (gồm Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc cùng với Đức) hồi tháng 7/2015.
Sau một năm chính thức có hiệu lực, quyết định ngày 13/10 của Tổng thống Mỹ Donald Trump từ chối xác nhận Iran tuân thủ JCPOA, thậm chí cho rằng Tehran "nhiều lần vi phạm thỏa thuận," bất chấp Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế (IAEA) đã 8 lần xác nhận Tehran thực hiện đầy đủ các cam kết của JCPOA, thực sự đã gây tổn hại cho những nỗ lực quốc tế nhằm giải quyết triệt để vấn đề này.
Trong khi Mỹ dọa hủy bỏ thỏa thuận, thì Iran tuyên bố không chấp nhận đàm phán lại JCPOA và cảnh báo rút khỏi thỏa thuận hạt nhân nếu Mỹ tái áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với nước Cộng hòa Hồi giáo này. Những động thái trên chẳng những khiến thỏa thuận quốc tế đa phương này có nguy cơ "chết yểu", mà còn ảnh hưởng tiêu cực tới sự ổn định và hòa bình trong khu vực.
Trong bối cảnh như vậy, chuyến thăm của Tổng thống Putin tới Tehran vào thời điểm này có ý nghĩa đặc biệt, thể hiện Nga luôn sát cánh cùng Iran trong mọi hoàn cảnh khó khăn, là lời khẳng định rõ ràng rằng Moskva là "đồng minh và đối tác tin cậy" của Tehran.
Cùng với nhiều thỏa thuận kinh tế được ký kết và sự nhất trí cao trong giải quyết cuộc khủng hoảng Syria, những tuyên bố của Tổng thống Nga sau các cuộc hội đàm với lãnh đạo Iran tại Tehran, trong đó tái khẳng định lập trường ủng hộ Iran và bảo vệ đến cùng JCPOA, nêu rõ IAEA mới là cơ quan duy nhất có thẩm quyền xác nhận Tehran tuân thủ thỏa thuận hạt nhân, đã phần nào "làm yên lòng" Iran, nhất là sau chuyến thăm "mang tính biểu tượng" của Quốc vương Saudi Arabia, vốn được xem là "đối thủ" của Tehran, tới Nga hồi đầu tháng trước.
Có thể nói, chuyến công du lần đầu tiên trong hai năm qua của Tổng thống Nga Putin tới Iran đã gửi một thông điệp rõ ràng rằng Moskva và Tehran sẽ tiếp tục đẩy mạnh mối quan hệ đối tác chiến lược, đặc biệt phối hợp chặt chẽ trong các nỗ lực giải quyết cuộc khủng hoảng Syria và cuộc chiến chống khủng bố ở khu vực.
Chẳng những thế, việc Tổng thống Nga một lần nữa khẳng định JCPOA có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo vệ an ninh và hòa bình quốc tế, chỉ rõ mọi hành động đơn phương hủy bỏ thỏa thuận hạt nhân với bất cứ lý do gì đều "không thể chấp nhận được," cho thấy Moskva đang thể hiện vai trò chủ động trong việc duy trì và bảo vệ thỏa thuận hạt nhân Iran, đồng nghĩa với việc vị thế của Moskva trong cán cân quyền lực thế giới ngày càng được củng cố.
Chuyến thăm của Tổng thống Putin cũng cho thấy Nga đang xác lập được tầm ảnh hưởng ngày càng lớn tại Trung Đông như một cường quốc có khả năng ngăn chặn những yếu tố bất lợi tại khu vực và là đối tác không thể thiếu trong việc "định hình tương lai của Trung Đông." Điều này thể hiện rõ nét thông qua hoạt động can thiệp quân sự của Nga nhằm hỗ trợ Chính phủ Syria chống lại tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng trong hơn 2 năm qua. Nga đã chứng tỏ sức mạnh vượt trội cả về chiến lược và chiến thuật tại Syria, phần nào làm lu mờ vai trò của Mỹ và các đồng minh trong cuộc chiến chống khủng bố ở Syria nói riêng và khu vực nói chung.
Tuy nhiên, Moskva cũng vẫn đề cao và khẳng định luôn cần sự hợp tác của Iran trong việc giải quyết các cuộc xung đột trong khu vực, cụ thể là cuộc chiến chống lại các tổ chức khủng bố ở Syria cũng như tìm kiếm một giải pháp chính trị lâu dài cho cuộc khủng hoảng ở quốc gia Trung Đông này.
Cùng với sự tham gia của Thổ Nhĩ Kỳ, Nga và Iran là những nước bảo trợ cho các cuộc hòa đàm về vấn đề Syria tại Astana (Kazakhstan). Kể từ tháng 1/2017 đã có 7 vòng đàm phán Astana được tổ chức song song với các vòng đàm phán hòa bình Syria do Liên hợp quốc bảo trợ ở Geneva (Thụy Sĩ).
Tới nay, các bên tham gia đàm phán Astana đã đạt được thỏa thuận thiết lập và giám sát 4 vùng "giảm căng thẳng" (với 2,5 triệu người sinh sống) trên lãnh thổ Syria, và mới nhất là nhất trí tổ chức "Đại hội đối thoại nhân dân" Syria tại Sochi, Nga vào trung tuần tháng 11 này, nhằm kéo các đại diện của Chính phủ Syria và các nhóm đối lập ngồi vào bàn đàm phán trực tiếp, tạo cú hích cho các nỗ lực hòa bình hướng tới một giải pháp chính trị bền vững chấm dứt cuộc chiến đã cướp đi hơn 330.000 sinh mạng trong hơn 6 năm qua.
Hợp tác Nga-Iran trong vấn đề Syria trên thực tế đã giúp nâng cao vai trò và khẳng định sức mạnh của cả Moskva lẫn Tehran trong cục diễn địa-chính trị vốn phức tạp với những mối quan hệ lợi ích đan xen tại Trung Đông. Cùng với đó, tiếng nói, uy tín và ảnh hưởng của Nga tại Trung Đông nói riêng và trong nhiều vấn đề quốc tế cũng được khẳng định.
Có thể nói, chuyến thăm của Tổng thống Nga tới Iran lần này đã đạt được nhiều mục tiêu. Cách tiếp cận hiệu quả và những động thái ngoại giao, quân sự gần đây của Nga ở Trung Đông ít nhiều đã góp phần mở ra hướng giải quyết một số vấn đề nóng tại khu vực Trung Đông vốn tiềm ẩn nhiều bất ổn, giúp Nga củng cố vai trò dẫn dắt tích cực và quan trọng trong khu vực này./.
Theo TTXVN