Đến tìm hiểu thực tế để có những bài viết mang “hơi thở” cuộc sống
Mỗi ngày, tôi luôn học hỏi và mong muốn bản thân sẽ có thêm những tác phẩm báo chí chất lượng, mang “hơi thở” cuộc sống, “ hơi thở” của những nhân vật, số phận. Những bài viết từ “hơi thở” cuộc sống sẽ giúp các cơ quan quản lý nhà nước đưa ra những chính sách đúng đắn, phù hợp với thực tế; đồng thời, cũng kịp thời nắm bắt, khắc phục, giải quyết những bất cập, hạn chế, tồn tại, tạo sự đồng thuận cao và thúc đẩy xã hội phát triển. |
Còn "mắc nợ" với nghề
Tháng 6 về, với những người làm báo có một ngày rất đặc biệt, đó là Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6). Tôi cùng nhiều đồng nghiệp háo hức, vui mừng khi những mốc son, dấu ấn quan trọng của nền Báo chí Cách mạng Việt Nam đã đồng hành trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và công cuộc bảo vệ, xây dựng đất nước được tôn vinh.
Nhiều năm qua, cứ vào ngày 21/6, tôi nhận được những lời nhắn, cuộc gọi chúc mừng của người thân, bạn bè. Đặc biệt là những lời cảm ơn và gửi gắm, bày tỏ mong muốn của bạn đọc. Đó chính là động lực tiếp thêm lửa nghề nhưng cũng là điều để tôi phải tự “kiểm điểm” lại mình.
Bản thân đã làm tròn trách nhiệm vai trò phóng viên? Thời gian qua đã có những tin, bài chất lượng? Bản thân đóng góp được gì cho sự nâng chất của tờ báo nơi đang công tác?... Rất nhiều câu hỏi, tôi tự đặt ra, nhìn nhận, đánh giá để rút ra cái hay, tồn tại, hạn chế.
Thỉnh thoảng tôi lật lại kho lưu giữ tin, bài viết cũ. Có những bài viết, tôi vui với cách thể hiện câu chữ và thông tin được truyền tải. Nhưng cũng cảm thấy chưa hài lòng vì có những bài viết còn nhàn nhạt, hô hào, mang tính chất báo cáo, thiếu sự tương tác với thực tế, chiều sâu nhân vật, “hơi thở” cuộc sống. Tôi trăn trở vì còn nhiều việc chưa làm được, làm chưa tốt, chưa đến nơi, đến chốn, có khi còn quên thực hiện lời hứa với nhân vật. Để rồi, tôi luôn nhắc bản thân “còn nợ bạn đọc, nợ nghề báo”.
Những lần tự kiểm điểm lại bản thân như thế giúp ích cho tôi rất nhiều. Mỗi cái hay, cái chưa hay giúp tôi có thêm những bài học, phương pháp để thực hiện tốt hơn công việc của người làm báo và trách nhiệm của một công dân, đảng viên. Ngoài cố gắng làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền, tôi luôn nỗ lực để thực hiện những bài báo làm "cầu nối" giữa các cấp chính quyền với nhân dân và ngược lại.
Mỗi nghề đều có những giá trị, dấu ấn riêng, đóng góp cho xã hội. Với nghề báo còn sứ mệnh giám sát, phản biện xã hội thông qua những tin, bài được đăng tải trên báo. Để truyền tải những thông tin đúng, trúng, chính bản thân tôi phải luôn ý thức nỗ lực học tập nâng cao năng lực, trình độ, bản lĩnh nghề nghiệp. Cũng chính vì vậy, 16 năm vào nghề, chưa bao giờ tôi nghĩ mình là người làm báo có “kinh nghiệm”. Bởi cuộc sống luôn phát triển, báo chí cũng trong dòng chảy ấy, không ngừng đổi mới. Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, buộc tôi phải không ngừng nỗ lực, năng động mỗi ngày để bắt kịp xu thế.
Mong muốn truyền tải “hơi thở” cuộc sống đến bạn đọc
Quá trình làm giàu hành trang nghề báo, tôi không chỉ học trong giáo trình về báo chí mà còn học từ những kiến thức trên Internet, học từ thực tiễn đời sống, học ở những người từng gặp, những nơi từng qua,... Đặc biệt, tôi vẫn học tập ở đồng nghiệp, những người dù mới chập chững vào nghề hay đã lâu năm.
Tôi cảm phục vì sự nhiệt huyết của các bạn mới vào nghề nhưng dám dấn thân để thực hiện những đề tài khó. Tôi thích thú khi thấy các phóng viên trẻ vẫn thường xuyên có mặt tại các vùng sâu, xa, biên giới để có những đề tài hấp dẫn. Tôi mến mộ đồng nghiệp lớn tuổi vẫn đều đặn có những sản phẩm báo chí chất lượng với góc nhìn mới mẻ.
Các đồng nghiệp tác nghiệp tại một sự kiện
Mỗi ngày, tôi luôn học hỏi và mong muốn bản thân sẽ có thêm những tác phẩm báo chí chất lượng, mang “hơi thở” cuộc sống, “hơi thở” của những nhân vật, số phận. Những bài viết từ “hơi thở” cuộc sống sẽ giúp các cơ quan quản lý nhà nước đưa ra những chính sách đúng đắn, phù hợp với thực tế; đồng thời, cũng kịp thời nắm bắt, khắc phục, giải quyết những bất cập, hạn chế, tồn tại, tạo sự đồng thuận cao và thúc đẩy xã hội phát triển.
Một bạn đọc tâm sự với tôi rằng, bài báo mang tính chất báo cáo thì rất khô khan, thiếu sức sống. Những bài viết chỉ một chiều, tô hồng, thiếu “hơi thở” cuộc sống thì dù chiếm diện tích “hoành tráng” cả trang báo cũng khó mang lại giá trị cao.
Với trách nhiệm của người làm báo, tôi luôn ý thức rằng những bài viết phản biện bất cập, hạn chế phải cố gắng thể hiện rõ ràng, sắc bén, khách quan, đa chiều, chắc chắn và chính xác. Bài viết về những người tốt, việc tốt, tôi không tô hồng mà cố gắng khai thác, thể hiện với mong muốn toát lên cái hồn của nhân vật, câu chuyện, truyền được cảm xúc, sự thấu hiểu đến bạn đọc để lan tỏa những hành động tốt, việc làm tử tế. Tôi luôn tự nhắc mình phải hạn chế đến mức thấp nhất những sai sót. Bởi mỗi số phận, nhân vật, sự việc, vấn đề, cơ quan, tổ chức nêu trong bài báo đôi khi còn liên quan đến danh dự, uy tín, sự nghiệp, cuộc sống nên đòi hỏi tôi phải tìm hiểu, xác minh kỹ càng.
Tháng 6 về với bao cảm xúc dạt dào, tôi đang cùng đồng nghiệp đón nhận Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam với những niềm vui tác nghiệp tại cơ sở, mong muốn truyền tải đến bạn đọc những tác phẩm báo chí chất lượng cao, mang “hơi thở” và “nhịp đập” thực tế cuộc sống. Đó sẽ là những niềm vui, động lực to lớn để tôi gắn bó và trưởng thành hơn với nghề báo./.
Lê Đức