Tiếng Việt | English

18/06/2024 - 11:03

Nghề báo, ai cũng từng 'bỡ ngỡ'

Nghề báo được xem là nghề vất vả, nguy hiểm nhưng với những người làm báo, một khi đã yêu nghề thì gắn bó và theo đuổi đến cùng dẫu biết phải đối mặt với nhiều khó khăn. Khi nhớ lại những năm tháng mới chập chững vào nghề, nhiều nhà báo không khỏi bồi hồi. Chính sự bỡ ngỡ, khó khăn mà họ trải qua là nền tảng quý giá, là niềm tự hào, là bài học kinh nghiệm để sẻ chia với thế hệ tiếp nối.

Phải bắt đầu từ đâu?

Để bài báo đến được tay bạn đọc đòi hỏi quá trình đầu tư công phu, khách quan, trung thực. Từ đề tài đến tác phẩm là cả một câu chuyện dài. Đối với người mới vào nghề, việc hoàn thành một tác phẩm báo chí khó hơn nhiều so với “lính cựu trào”. Những ngày tháng đầu tiên ấy khiến phóng viên Trương Huỳnh Thùy Hương (Báo Long An) không bao giờ quên được. Mỗi sáng thức dậy, trong đầu chị đầy những câu hỏi: “Hôm nay mình phải làm gì?”, “mình phải bắt đầu từ đâu?”, “mình phải viết như thế nào?”,... Chị thường ngồi thẫn thờ trước cửa nhà thật lâu với “mớ hỗn độn” kia. Thấy nhiều đồng nghiệp cứ viết và đăng bài đều đều, trong khi đề tài cứ “chạy trốn” mình, nhiều lúc chị chán nản, muốn bỏ cuộc.

Phóng viên Trương Huỳnh Thùy Hương quan niệm: Người ta làm được thì mình làm được. Đó là động lực để chị cố gắng, không còn bỡ ngỡ

Khi tìm được đề tài, chị lại gặp vấn đề về cách viết. Dân viết lách thường đùa vui rằng, nghề báo và nghề văn có "họ hàng" nhưng không phải là ruột thịt, do đó cách viết báo có sự khác biệt với cách viết văn. Vốn là dân chuyên văn nên chị Hương không tránh khỏi sự nhập nhằng đó. Báo chí thường sử dụng câu đơn, chứa nhiều thông tin, trong khi cách viết của chị đôi khi dài dòng, liên tưởng, so sánh chưa phù hợp. Lúc phỏng vấn cơ quan chức năng, chị không biết hỏi gì, bị “át vía” nên trống ngực đập thình thịch. Khó khăn chồng chất khó khăn làm sự quyết tâm ban đầu của chị càng bị lung lay. Một hôm, trong lúc nghiên cứu tài liệu, chị tình cờ thấy quyển sách Bí mật của Phan Thiên Ân do tác giả Alan Phan viết. Đọc thử vài trang, chị Hương như “vớ được vàng”. Nhờ quyển sách này mà chị vực dậy tinh thần, tìm được nhiều phương cách khắc phục nhược điểm và phát huy lợi thế bản thân. Chị đi nhiều, học nhiều, hỏi nhiều. Đồng nghiệp, người dân, các cơ quan, ban, ngành dần quen với hình ảnh cô phóng viên trẻ năng nổ, luôn xông pha, không ngại khó, ngại khổ. Chạy xe máy gần 100km xuống Đồng Tháp Mười; buổi sáng ở biên giới, chiều về miền hạ không phải là chuyện hiếm với chị. Sự cố gắng của chị được đền đáp bằng nhiều giải thưởng cấp tỉnh, thu nhập tăng giúp đời sống chị phong phú hơn.

Vào cơ quan trước chị Hương vài tháng, nhà báo Nguyễn Thanh Mỹ cũng có nhiều trải nghiệm thú vị về những ngày “chân ướt chân ráo” của mình. Anh Mỹ quê ở tỉnh Quảng Nam, vào TP.HCM học rồi xin việc tại Báo Long An. Ban đầu, anh có chút e ngại vì sợ văn hóa khác biệt, khó hòa nhập. Thời gian đầu, cũng như chị Hương, anh gặp rất nhiều khó khăn do mới ra trường, chưa có nhiều kinh nghiệm lẫn trải nghiệm. Nhưng với đam mê, quyết tâm “sống chết” với nghề, anh dần thích nghi và đạt nhiều thành tích.

Để có được sự điềm tĩnh, kinh nghiệm như hiện nay, nhà báo Nguyễn Thanh Mỹ đã trải qua không ít những va vấp

Khó khăn không thể kể hết nhưng đối với nhà báo Thanh Mỹ, tình cảm của người dân là một trong những yếu tố giúp anh nỗ lực, không bỏ cuộc. Anh Mỹ kể: “Có lần tôi xuống huyện Tân Thạnh viết bài. Tôi gặp gia đình nọ, rất nghèo. Gia đình tôi ngoài quê cũng khó khăn mà họ còn khó khăn hơn. Ở trong căn chòi lụp xụp sắp sập nhưng họ sống rất tình cảm, lạc quan. Tôi vận động xã hội hóa giúp họ có được mái nhà kiên cố hơn. Nhìn hoàn cảnh họ, tôi mới thấy khó khăn mình gặp phải chẳng là gì. Nhờ làm báo mà tôi giúp được những hoàn cảnh đáng thương. Đó là động lực giúp tôi vượt qua những khó khăn, trở ngại”.

Lời chia sẻ cùng phóng viên trẻ

Những phóng viên, nhà báo có kinh nghiệm như chị Hương, anh Mỹ đều rất thương, cảm thông với người mới vào nghề bởi họ thấy bóng dáng mình nơi những người trẻ. Họ sẵn sàng chia sẻ, hướng dẫn tận tình mà không cần báo đáp. Theo họ, để hết bỡ ngỡ, ngoài sự nỗ lực, cố gắng thì không còn cách nào khác. Viết càng nhiều, vấn đề phát sinh càng nhiều. Cách giải quyết những vấn đề đó làm cho người viết trẻ tiến bộ, mau chóng hòa nhập.

Để có được sự điềm tĩnh khi gặp chuyện nan giải; để có thể dễ dàng tìm đề tài, phân tích, viết bài, phóng viên trải qua không ít va vấp mà trong phạm vi một bài viết không thể trình bày hết được. Đa phần họ khuyên rằng, người mới vào nghề cần đặt đạo đức nghề nghiệp lên hàng đầu, như lời nhà báo Thanh Mỹ: “Ngòi bút có thể cứu người cũng có thể giết người”. Nếu không có đạo đức, người viết trẻ dễ sa ngã khi đứng trước danh lợi, dễ bị bệnh “ngáo quyền lực”, dễ trở nên ngạo mạn, khinh người.

Làm nghề nào khi bắt đầu cũng khó khăn chứ không riêng gì nghề báo. Sự học hỏi kiến thức, tích lũy kinh nghiệm mỗi người mỗi khác, nhưng ý chí kiên trì không bỏ cuộc là điều nên có trong những phóng viên trẻ. Dù biết rằng ai mới làm cũng khó khăn nhưng người trẻ cũng không nên căn cứ vào đó để cho phép bản thân “từ từ”, không nên dựa vào nó làm để có cớ lười biếng.

Trong cuộc trò chuyện với chúng tôi, phóng viên Thùy Hương không ít lần nói “người khác làm được thì mình làm được”. Đó là lời động viên, khích lệ cho chị và cả những người viết trẻ. Thiết nghĩ, trong muôn ngàn kế sinh nhai, trong nghề báo nói riêng, chỉ cần chúng ta cố gắng và nỗ lực hết mình thì nhất định sẽ được đền bồi xứng đáng./.

Cây bút trẻ năng động, nhiệt huyết

Châu Thanh

Chia sẻ bài viết