Phóng viên Kim Tiến (Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Truyền thanh huyện Đức Huệ) trong lần tác nghiệp
Kỷ niệm vui, buồn
Những chuyến đi giúp người làm báo có thêm trải nghiệm mới, nhất là cảm nhận được cái tình của những người vừa gặp gỡ, sự thân thuộc ở những nơi vừa đặt chân đến. Tuy nhiên, cũng có những câu chuyện “cười ra nước mắt” để những người làm báo có thêm kinh nghiệm, sự trưởng thành với nghề.
Hơn 15 năm gắn bó với nghề, phóng viên Kim Tiến (Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Truyền thanh huyện Đức Huệ, tỉnh Long An) có nhiều kỷ niệm vui, buồn trong quá trình tác nghiệp. Chị Tiến kể: "Trong những chuyến đi công tác bị từ chối phỏng vấn, nhân vật không hợp tác hay thậm chí rượt đuổi không cho quay các mô hình sản xuất đã không còn là chuyện xa lạ với tôi nữa. Nhớ một lần đi quay gương phụ nữ làm kinh tế giỏi. Qua lời giới thiệu của địa phương và được nhận vật đồng ý, tôi vượt hàng chục kilômét đến gặp thì nhân vật đổi ý, từ chối phỏng vấn với lý do người nhà của nhân vật nghĩ nếu cho quay thì cây trồng của họ bị chết. Dù giãi bày rõ ràng nhưng vẫn nhận câu trả lời chắc nịch là không. Đành đi về! Hay một kỷ niệm ấn tượng mà đến nay tôi vẫn nhớ rõ. Một lần đi quay về phong trào chạy xe đạp của huyện, tổ chức tại xã biên giới Mỹ Quý Tây. Mặc dù lên ý tưởng nhưng bắt tay vào quay mới thấy gặp nhiều khó khăn. Để tác phẩm chất lượng, tôi nhờ người chở mình chạy theo đoàn xe để quay hình. Và để lấy hình ảnh của đoàn xe từ phía trước, tôi phải ngồi đâu lưng với người chở và tập trung để khung hình không bị rung. Ngồi như vậy rất khó, chỉ cần người chở lách xe nhẹ hay có sự cố bất ngờ là rất nguy hiểm. Biết là vậy nhưng tôi vẫn chấp nhận với cách quay này. Nghề báo vậy đó, nhiều lúc thấy mình gan đến lạ".
Qua mỗi chuyến đi, dù thuận lợi hay khó khăn, chị Tiến vẫn đón nhận một cách tích cực, bởi hiểu rõ tính đặc thù của nghề báo. Khi gặp khó khăn cũng là dịp chị được nhìn lại bản thân và rút ra những bài học kinh nghiệm để bản lĩnh, trưởng thành hơn với nghề.
Được học hỏi nhiều điều từ nhân vật
Với nhà báo Quế Lâm, Báo Long An, mỗi chuyến đi là một hành trình thú vị và là một câu chuyện đặc biệt mà chỉ nghề báo mới mang lại được. Dù được gặp gỡ những người rất mực đời thường hoặc người nổi tiếng hay người tài giỏi, nhà báo Quế Lâm đều trân trọng và được truyền năng lượng tích cực từ cách nghĩ, cách làm của họ.
Hơn 10 năm gắn bó với nghề, khoảng thời gian không dài nhưng cũng không ngắn để nhà báo Quế Lâm tích lũy cho mình “kho” chuyện nghề thú vị. Nhà báo Quế Lâm tâm sự: “Đối với tôi, mỗi một nhân vật mà tôi tiếp cận phỏng vấn đều mang đến những bài học quý, bài học giản dị nhưng chân thật. Dịp cuối năm 2023, tôi được gặp gỡ chàng thạc sĩ Đặng Hoàng An, một thanh niên có nghị lực phi thường ở quê hương Cần Đước, đã vượt qua nghịch cảnh để sống cuộc đời đáng sống. Đó là một người trẻ, trải qua biến cố cuộc đời, từng nghĩ đến cái chết nhưng đã mạnh mẽ vượt qua, vươn lên như mầm xanh nảy lên sau một đợt cháy rừng. Chàng trai ấy không chỉ sống tốt với bản thân mà còn san sẻ tình cảm chân thành với nhiều người khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn bằng những hoạt động thiện nguyện.
Cho đến bây giờ, chúng tôi vẫn là bạn, tôi dõi theo những hoạt động của anh An và thi thoảng, lúc bản thân mệt mỏi, tôi tự nhắc nhở mình rằng, những khó khăn của mình đâu là gì so với chàng trai ấy. Gần đây nhất, tôi có dịp đọc một bài viết của anh An. Bài viết mở đầu bằng câu hỏi “Tuổi 26 của bạn thế nào? Có phải được bước "phăm phăm" trên con đường mình muốn, được tung tăng đó đây, tự do chạy nhảy trên cánh đồng thơm mùi lúa đương thì no gió. Nhưng đó chẳng phải tuổi 26 của tôi”. Đoạn viết ấy cứ khiến tôi suy nghĩ mãi. Tuổi 26 của tôi may mắn hơn rất nhiều người và đến bây giờ cũng vậy. Có lẽ, tôi nên sống sao cho xứng với những may mắn đó, thay vì cứ trách cứ rằng mình vất vả hoặc gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống!”.
Với nhà báo Quế Lâm, mỗi nhân vật từng gặp, phỏng vấn đều có một câu chuyện sâu sắc và đặc biệt. Một nhân vật khác chị dành sự trân trọng và ngưỡng mộ là nhạc sĩ Kiều Tấn - người đã dành 5 năm cuộc đời để tổng hợp mọi kiến thức của bản thân về đờn ca tài tử, cải lương, ghita phím lõm thành sách.
Với nhà báo Quế Lâm (thứ 2, phải qua), mỗi nhân vật từng gặp phỏng vấn đều có một câu chuyện sâu sắc và đặc biệt
Theo nhà báo Quế Lâm, cuộc đời nhạc sĩ Kiều Tấn là cả một quá trình dài phấn đấu, nỗ lực và không ngừng học hỏi. Trong vòng 7 năm, ông lấy được 3 bằng cử nhân: Âm nhạc, Văn học và Báo chí chỉ để phục vụ khát khao nghiên cứu âm nhạc dân tộc của mình. Mãi đến khi gặp vấn đề về sức khỏe, nằm trên giường bệnh thì mong muốn lớn nhất của ông là làm sao để truyền đạt lại những kiến thức mình tìm hiểu được cho thế hệ sau. Ngay sau khi khỏe lại, ông bắt tay viết quyển Tìm hiểu âm nhạc tài tử và cải lương/vọng cổ - guitar phím lõm. Sách được in, cùng với một số sách được đơn vị xuất bản tặng lại, ông mang về Long An, tặng cho người yêu đờn ca tài tử tại quê nhà.
Sự nỗ lực không ngừng của nhạc sĩ Kiều Tấn cùng tình yêu ông dành cho quê hương khiến nhà báo Quế Lâm không ngừng thán phục. “Bản thân tôi, có lẽ không thể nào bắt kịp được ông về tài năng, nhưng tôi có thể học hỏi ông về thái độ, sự nghiêm túc trong công việc và tình yêu dành cho quê hương” - nhà báo Quế Lâm trải lòng.
|
Nghề báo được xem là nghề vất vả, nguy hiểm nhưng với những người làm báo, một khi đã yêu nghề thì gắn bó và theo đuổi đến cùng dẫu biết phải đối mặt với nhiều khó khăn.
|
Những câu chuyện nghề cứ khắc sâu, truyền cảm hứng mạnh mẽ đến những người làm báo để họ thêm yêu và tự hào với nghề, từ đó có những tác phẩm tâm huyết, truyền tải những điều tích cực đến mọi người./.
An Nhiên