Tiếng Việt | English

26/01/2017 - 18:36

Trở về dòng sông xuân

Chiều chiều, chuyến xe đò Tân An - Tân Hưng (tỉnh Long An) dừng lại, thả Vân An ven đường, gần cầu Cả Môn. Nơi đây, giờ thay đổi quá! Nhiều căn nhà kiên cố mọc lên, bưng bàng ngày xưa, nay trở thành những cánh đồng lúa bát ngát, ngút ngàn.

Vân An không còn nhận ra được con đường mòn cách đây gần 30 năm, lúc mới ra trường, cô được phân công về đây giảng dạy. Khi ấy, cũng là chiếc xe đò nhưng nó chạy chậm chạp, “xịch lụi” trên đoạn đường nhỏ hẹp, giằn xóc; tính luôn thời gian chờ đợi tại bến, gần cả ngày trời, xe từ Tân An mới đưa Vân An về đến nơi này.

Ảnh minh họa

Nhớ lúc ấy, xuống xe, trời ngả về chiều. Được sự chỉ dẫn trước đó của một đồng nghiệp và sự tận tình của bác nông dân đi làm đồng về, Vân An tìm đến con đường mòn dẫn vào trường. Đặt chân lên con đường mòn, hai bên là những vạt cỏ xanh mướt, điểm những bông hoa dại màu vàng nhạt rung rinh theo gió chiều, Vân An có cảm giác như mình đang đi vào cõi hoang sơ.

Mặt trời dần khuất sau rặng tràm xa xa, những tia nắng màu hồng ửng trên không gian rồi hắt xuống ven đường, nhuộm màu óng ánh cho lá cỏ ven đường. Một bên là ruộng với những đám lúa liêu xiêu, lưa thưa, lỗ chỗ đang cố chống chỏi với phèn; một bên là con rạch nhỏ, nước trong veo, những bông súng màu trắng, màu hồng với những chiếc lá to, tròn, màu đỏ sạm, oằn mình trước dòng chảy của con nước lớn; Vân An chầm chậm bước.

Cắt ngang đường mòn, Vân An lại thấy một lối đi nhỏ. Phân vân không biết phải rẽ lối nào để vào trường, dù xa xa, trong bóng hoàng hôn, cô đã trông thấy. Chợt Vân An hốt hoảng, sắp ngất vì tiếng kêu thật lớn: “Bịp, bịp, bịp...” của một loài chim lạ (sau này, cô mới biết là chim bìm bịp, nó chỉ kêu khi nước lớn, nước ròng). Rất may, phía xa xa xuất hiện một bóng người; đạp lên cỏ, giẫm lên sình lầy, cô vội vã chạy đến “cầu cứu”.

- Cô Vân An phải không? - “Bóng đen” giọng đàn ông cất tiếng.

Không phân biệt lạ, quen, Vân An chạy ào tới ôm chầm “bóng đen”, òa khóc. “Bóng đen” vừa xách vội giỏ đồ nặng trên tay Vân An, vừa vỗ về, thủ thỉ: “Tôi là Tâm, giáo viên ở trường, cũng là đàn anh học trước cô 3 năm ở trường sư phạm. Thiên Hương - bạn cô có nhắn tôi, chiều nay ra đón cô, nhưng do bận chút chuyện nên ra đón trễ. Không sao đâu, về đến đây là ổn rồi. Cô nín đi, đừng khóc nữa”.

Lò dò trong bóng đêm vừa buông xuống, Tâm đưa Vân An đến khu tập thể trường. Sau khi được sắp xếp ở cùng với một chị đồng nghiệp quê Tân Trụ, cảm giác đầu tiên đối với Vân An chính là sự ấm áp, thân thiện của các anh chị.

Bữa cơm chiều muộn diễn ra với nhiều món ăn đồng quê như cá lóc nướng trui gói lá sen non; cá trê, cá trào, cá chạch muối xả ớt chiên giòn; canh chua bông súng;... được các anh chị đãi cô giáo trẻ. Món tráng miệng thật đặc biệt, lần đầu tiên, Vân An mới được nếm thử, đó là trái cà na ngâm mật mía, thật hấp dẫn!

Cười, nói, chọc ghẹo qua lại, Vân An mới biết anh Tâm ra rước Vân An trễ do “bận chút chuyện” vì phải lội xuống rạch giở chà bắt cá, hái bông súng nấu canh chua đãi đồng nghiệp mới.

“An - Tâm”, chị Thơm - người ở cùng phòng với Vân An chợt phát hiện mối gắn kết ý nghĩa giữa hai cái tên của cô và Tâm, vì vậy, các anh chị cố tình gán ghép cho hai người trẻ đang tìm kiếm một nửa của mình.

Tạm xa thị xã Tân An thân thuộc, xa mẹ, Vân An về dạy tại vùng quê Đồng Tháp Mười sông nước. Đồng nghiệp lạ, mảnh đất chưa quen, nhưng từ buổi đầu tiên, Vân An nhanh chóng hòa nhập vào cái tình của vùng đất ấm áp, thân thiện này.

Chắc cũng có một phần vì sự gán ghép “An - Tâm” nên sau một thời gian cùng giảng dạy bên nhau, cùng gắn bó với những học sinh nghèo chân chất, ham học, Vân An và Tâm “tình trong như đã”... Những buổi chiều về, cả hai thường ngồi trên cây cầu tràm bắc ngang con rạch đầy bông súng trắng, hồng, óng ánh dưới vạt nắng chiều, nhìn dòng nước lững lờ trôi mà “An - Tâm” vẫn gọi đùa là “dòng sông xuân” bởi lúc nào cũng tươi tắn sắc hoa bất kể mùa nào.

Những tưởng, sau hơn 4 năm gắn bó, mảnh đất này sẽ là quê hương thứ hai của Vân An; thế nhưng, ba mất đã lâu, mẹ bệnh nặng, không ai chăm sóc, Vân An đành giã từ mảnh đất in đậm mối tình đầu, tình đồng nghiệp, tình quê chân chất của đám học trò nhỏ,... trở về thị xã.

Trong bóng chiều nhập nhoạng, đang suy nghĩ miên man, một giọng đàn ông trầm đục, thân quen vang lên:

- Vân An phải không, Thiên Hương điện thoại cho tôi ra đón cô?

Cũng như cách đây gần 30 năm, “An - Tâm” lại song hành trên lối mòn, nay được mở rộng, thẳng tắp, dọc theo “dòng sông xuân” đầy bông súng trắng, hồng. Đến cuối dòng sông, cậu trai trẻ hệt như Tâm ngày xưa, từ một ngôi nhà khang trang chạy ra mừng rỡ: “Cô Vân An phải không, cô đi công tác về đây hả? Ba và mẹ Thơm của con hay nhắc về cô. Con cũng dạy cùng với ba ở trường này. Sáng mai, con đưa cô sang thăm trường. Trường bây giờ khang trang, kiên cố lắm!”.

Mừng cho gia đình Tâm, mừng cho ngôi trường ngày xưa, nay nhiều đổi mới, Vân An thầm tiếc rẻ hạnh phúc, niềm vui lẽ ra phải thuộc về mình!./.

Phương Giang

Chia sẻ bài viết