Một vùng ký ức
Được chuẩn bị từ cách đây 1 tháng, phòng trưng bày máy may cổ trở thành một địa điểm để mỗi người đến chiêm ngưỡng và tìm lại cho mình một vùng ký ức tuổi thơ. Hơn 50 chiếc máy may cổ với nhiều thương hiệu, tuổi đời khác nhau được bài trí trong không gian ấm cúng và hoài cổ.
Ở đó, khách tham quan có thể tìm thấy chiếc máy may hao hao giống chiếc mà xưa kia mẹ đã dùng nhưng bây giờ không tìm thấy nữa. Hầu hết những thương hiệu máy may phổ biến của thế kỷ trước đều có mặt tại phòng trưng bày: Singer, Sinco, Brother, Mitsubishi, Janome, Tanaco, Sinsang, Broex, Koyo, Reiko, Saico, Standard, Broskter, Pagoda, Roter, Necchi, Orion sản xuất tại Nhật Bản; dòng máy Pfaff của Đức; dòng máy Chiyoda của Mỹ; máy may Grand của Pháp; thương hiệu Tungyuen của Đài Loan;... Mỗi chiếc máy may có từ 50-100 năm tuổi, còn hoạt động tốt, hoa văn nổi bật, sơn bóng đẹp.
Thuyết minh viên thuyết minh về các máy may tại khu trưng bày
Những chiếc máy may được sắp xếp ngay ngắn trên kệ, bàn máy, bên cạnh các vật dụng quen thuộc gợi về giai đoạn các tiệm may rất thịnh hành và gia đình nào có một chiếc máy may đều được xem là khá giả. Thời điểm đó, chiếc áo mới may là món quà quý giá vào ngày tết hay những dịp vô cùng đặc biệt.
Từ cửa chính bước vào, khách tham quan nhìn thấy ngay chiếc bàn máy nhỏ với thước dây, kéo cắt vải, một ít nút áo, kim khâu, phía sau là hàng vải nhiều màu sắc, hoa văn thường được các tiệm may xưa trưng bày cho khách chọn lựa. Chiếc ghế đẩu nhỏ phía sau bàn máy là nơi khách đến xem có thể ngồi để hóa thân thành chủ tiệm may xưa. Bước thêm vài bước vào bên trong, nhiều máy may đa dạng thương hiệu, kiểu dáng được sắp đặt ngay ngắn trên kệ, xen giữa tranh vẽ và những lọ hoa trang trí.
Một không gian “tiệm may” khác gần đó đưa khách tham quan trở về ký ức tuổi thơ với những mảnh vải ghép lục giác đủ màu. Xưa kia, các bà, các mẹ khéo tay biến vải vụn thành những vật dụng trong gia đình như thảm, vỏ gối, thậm chí là mền,...
Chỉ với căn phòng nhỏ mấy chục mét vuông nhưng không gian trưng bày máy may cổ tại Bảo tàng - Thư viện tỉnh đủ để khách đến thăm tần ngần vì những điều quen thuộc.
Chung tay gìn giữ, lưu truyền
Toàn bộ không gian trưng bày đều do các cán bộ, viên chức Bảo tàng - Thư viện tỉnh chuẩn bị hơn 1 tháng: Vận chuyển máy may từ huyện Cần Đước đến TP.Tân An, sắp xếp, lên ý tưởng, chuẩn bị nguyên, vật liệu và trang trí. Các anh, chị tự tay chép từng bức tranh, chọn từng mảnh vải, vẽ khung trang trí đặt vào không gian trưng bày. Những chiếc máy may tưởng chừng khô cứng bỗng chốc trở nên cảm xúc nhờ cách trang trí đầy dụng ý của cán bộ, viên chức tại Bảo tàng - Thư viện tỉnh.
Một góc "tiệm may" tại không gian trưng bày máy may cổ ở Bảo tàng - Thư viện tỉnh
Chiếc máy may từng gắn bó với đời sống người dân Việt, trong đó có Long An. Nhưng ngày nay, máy may gia đình đã dần vắng bóng khi dịch vụ may mặc ngày càng phát triển. Việc trưng bày những vật dụng gắn với đời sống thường ngày giúp khách tham quan hiểu hơn về những nét đẹp gắn liền với vùng đất mình sinh sống. Phó Giám đốc Bảo tàng - Thư viện tỉnh - Nguyễn Thị Sáu cho biết: “Những chiếc máy may được trưng bày của nhà sưu tập Lê Công Hiệp. Đây đều là máy may cổ, có giá trị nhưng là bộ sưu tập cá nhân nên công chúng không có cơ hội tham quan, tiếp cận. Lần trưng bày này, chúng tôi phối hợp nhà sưu tập Lê Công Hiệp thực hiện để khách tham quan có thể tìm hiểu thêm về nghề may nói chung và máy may nói riêng. Không gian trưng bày được thiết kế trên ý tưởng chính là nghề may. Hoa văn trang trí một phần lấy ý tưởng từ các hoa văn trên máy may, vật trang trí cũng được thiết kế theo thương hiệu của máy may. Vải và một số sản phẩm về may mặc được dùng để làm đẹp thêm cho không gian trưng bày”. Khu vực trưng bày mở cửa phục vụ khách tham quan miễn phí các ngày trong tuần vào giờ hành chính.
Được biết, thời gian tới, Bảo tàng - Thư viện tỉnh tiếp tục thực hiện các trưng bày khác liên quan đến đời sống xã hội như trưng bày về nông cụ hay đời sống thường ngày của người Việt xưa,.../.
May tay là một hình thức nghệ thuật hơn 20.000 năm tuổi. Những chiếc kim đầu tiên được làm bằng xương hoặc sừng động vật và sợi chỉ ban đầu được làm bằng gân động vật. Năm 1790, phát minh đầu tiên về máy may hoàn chỉnh đã được cấp cho nhà phát minh người Anh Thomas Saint, một người làm nội thất tại London. Sau nhiều cải tiến, chiếc máy may dần hoàn thiện, được sản xuất và sử dụng rộng rãi trên toàn thế giới bởi những tính năng ưu việt so với may tay.
(Bảo tàng - Thư viện tỉnh)
|
Quế Lâm