10 năm - Một chặng đường
Từ một số ít ngành đào tạo trình độ cao đẳng, đại học (ĐH) trong những năm đầu mới thành lập, đến nay, Trường ĐH Kinh tế Công nghiệp Long An (DLA) tuyển sinh, đào tạo 3 chuyên ngành trình độ cao học (Tài chính - Ngân hàng, Kỹ thuật xây dựng, Quản trị Kinh doanh), 23 chuyên ngành trình độ ĐH, cao đẳng, 7 ngành đào tạo TCCN chính quy thuộc các lĩnh vực kinh tế, kỹ thuật. Ngoài ra, trường còn đào tạo các ngành liên thông, văn bằng 2, đào tạo thường xuyên và liên kết đào tạo.
Tính đến cuối năm 2016, trường đào tạo và cung ứng cho thị trường lao động trên 8.534 cử nhân, kỹ sư, kỹ thuật viên, trong đó, không ít người có việc làm ổn định. Kết quả trên góp phần quan trọng vào việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, phục vụ công cuộc phát triển KT-XH của Long An và nhiều địa phương khác trong tiến trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Trao cờ truyền thống trong lễ khai giảng năm học mới
Cùng với hoạt động đào tạo, công tác nghiên cứu khoa học luôn được chú trọng. Trường có 1 công trình nghiên cứu đoạt giải nhì Hội thi Sáng tạo khoa học - kỹ thuật toàn quốc, 4 đề tài cấp tỉnh, 27 đề tài cấp cơ sở cùng hơn 100 bài báo khoa học đăng trên tạp chí khoa học của trường và các tạp chí khác. Trường đồng chủ trì tổ chức nhiều hội thảo khoa học lớn của tỉnh như “Hội thảo khoa học - công nghệ và sự phát triển kinh tế sáng tạo”, “Hội thảo về thương mại điện tử”,...
Thực hiện các chương trình, dự án hợp tác nghiên cứu và đào tạo với các trường ĐH trong và ngoài nước, trường tiến hành ký kết hợp tác giảng dạy và nghiên cứu khoa học với nhiều trường ĐH lớn ở nước ngoài: Trường ĐH California (CaIU), Trường ĐH Evergreen Hoa Kỳ, ĐH Nam California (California Southern University), Viện Đào tạo quốc tế ERC - Singapore, Trường ĐH Ishou - Đài Loan, một số trường ĐH khác ở Nhật bản, Hàn Quốc, Philippines; liên kết với các trường ĐH: Vinh, Cần Thơ, Đà Lạt, Duy Tân đào tạo trình độ ĐH và sau ĐH các ngành học thuộc các lĩnh vực: Luật học, Chính trị, Giáo dục, Kinh tế, Khoa học nông nghiệp,...
Để có được kết quả trên, nhiều năm qua, trường quan tâm phát triển đội ngũ giảng viên từ nguồn đào tạo trong và ngoài nước, từ các trường ĐH danh tiếng, các nhà quản lý doanh nghiệp giỏi và các sinh viên có thành tích học tập xuất sắc được cử đi đào tạo. Hiện nay, đội ngũ giảng viên của trường có hơn 300 người có trình độ cao, kinh nghiệm lâu năm và tâm huyết với nghề với 80% từ thạc sĩ trở lên gồm: 1 giáo sư và 3 phó giáo sư; 61 tiến sĩ và tiến sĩ khoa học, 137 thạc sĩ.
Với những nỗ lực vượt bậc nêu trên, những năm qua, Trường ĐH Kinh tế Công nghiệp Long An nhận được nhiều phần thưởng cao quý của nhiều cấp, nhiều ngành:
- Năm 2008, Trường nhận Cúp Vàng Thương hiệu nhãn hiệu do Phó Chủ tịch nước trao tặng.
- Năm 2009, Liên hiệp các hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam trao giải Doanh nghiệp tri thức ưu tú thời kỳ hội nhập.
- Năm 2010, trường vinh dự nhận được Cúp Vàng ISO lần thứ V do Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, Liên hiệp các hội UNESCO Việt Nam trao tặng.
- Viện Tiêu chuẩn Anh (British Standards Institution - BSI) cấp giấy chứng nhận Hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001:2008.
- Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng bằng khen, UBND tỉnh Long An cấp giấy chứng nhận 41 lượt tập thể LĐXS, tặng 57 bằng khen cho 17 lượt tập thể và 37 cá nhân về thành tích hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm học của trường trong nhiều năm liền.
- TS. Lê Đình Viên - Hiệu trưởng trường được trao tặng Cúp Vàng “Doanh nhân - Tâm tài” năm 2008, “Nhà lãnh đạo xuất sắc” tại Hội nghị Doanh nhân toàn quốc năm 2012. Năm 2016 đoạt giải Sao Vàng Doanh nhân Đất Việt - Thương hiệu Sao Vàng.
Những kết quả ấy chính là mốc son, thể hiện sự phấn đấu bền bỉ của tập thể cán bộ, giảng viên, nhân viên và sinh viên trong thực hiện tầm nhìn, chiến lược và phương châm đào tạo “Tri hành - Đạt nhân” của trường.
Định hướng phát triển đến năm 2020 và những năm tiếp theo
Xây dựng trường theo định hướng trường ĐH ứng dụng, đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực từ cao đẳng, ĐH đến sau ĐH với nhiều hình thức đào tạo: Chính quy, liên thông, đào tạo thường xuyên, liên kết đào tạo. Phát triển mạnh đào tạo sau ĐH với các hình thức trực tiếp đào tạo và hợp tác, liên kết đào tạo với các trường ĐH, học viện trong và ngoài nước để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, xem đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của trường.
Đề tài nghiên cứu khoa học “Ứng dụng mạng cảm biến không dây phục vụ nông nghiệp chính xác” đoạt giải nhì Hội thi Sáng tạo khoa học - kỹ thuật toàn quốc năm 2013 (không có giải nhất)
Rà soát, điều chỉnh, xây dựng chương trình đào tạo bảo đảm thống nhất, liên thông theo từng ngành, nhóm ngành đào tạo, đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; nghiên cứu tiếp nhận chương trình đào tạo từ các nước tiên tiến. Đổi mới mạnh mẽ phương pháp dạy học, kiểm tra, thi, đánh giá kết quả đào tạo theo hướng phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất của người học, áp dụng các phương pháp dạy học tích cực, chú trọng rèn luyện phương pháp tự học; tăng cường các hoạt động xã hội, nghiên cứu khoa học và vận dụng kiến thức vào thực tế; phát huy tính năng động, sáng tạo, chú trọng giáo dục kỹ năng mềm, trình độ ngoại ngữ, tin học cho sinh viên.
Tăng cường công tác nghiên cứu khoa học và ứng dụng các thành tựu khoa học - công nghệ trong dạy học và quản lý giáo dục. Tạo bước chuyển biến rõ rệt về hiệu quả hoạt động phối hợp nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ với các địa phương, nhất là tại tỉnh Long An. Gắn nghiên cứu khoa học với việc giải quyết các vấn đề khoa học - công nghệ mà thực tiễn đặt ra trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Chủ trì nghiên cứu và tham gia nghiên cứu, giải quyết những nhiệm vụ, đề tài khoa học và công nghệ cấp tỉnh, cấp khu vực, phấn đấu có đề tài nghiên cứu được công nhận cấp quốc gia. Tham mưu để tỉnh có cơ chế đặt hàng nghiên cứu khoa học với trường về lĩnh vực KT-XH.
Đẩy mạnh việc hợp tác và hội nhập quốc tế, tiếp cận và khai thác nguồn lực, khoa học - công nghệ, kỹ thuật, các chương trình đào tạo tiên tiến của nước ngoài nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, tìm kiếm các dự án tài trợ quốc tế và nâng cao vai trò, uy tín của nhà trường. Phối hợp Trung tâm Dự báo nguồn nhân lực và hỗ trợ việc làm của tỉnh, huyện (thị xã, thành phố) để làm tốt công tác hỗ trợ, giới thiệu việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp,.../.
"Kết quả bước đầu trong 10 năm qua là nền tảng quan trọng để Trường Đại học Kinh tế Công nghiệp Long An hoạch định những bước đi dài trong thời gian tới. Chúng ta có cơ sở để tin rằng, trong 10 năm tới, Trường Đại học Kinh tế Công nghiệp Long An thực sự là trung tâm đào tạo tri thức, khoa học-công nghệ ở địa phương, góp phần cung cấp cán bộ khoa học, lãnh đạo, quản lý, doanh nhân và người lao động có trình độ cao cho tỉnh nhà và các địa phương khác trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long nhằm đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng".
Ông Dương Quốc Xuân - nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Long An, Phó Trưởng ban Chỉ đạo Tây Nam bộ, nguyên Chủ tịch Hội đồng Sáng lập Trường Đại học Kinh tế Công nghiệp Long An |
"Đến thời điểm này, có thể nói rằng, Trường Đại học Kinh tế Công nghiệp Long An góp phần hoàn thành bước đầu nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực cho tỉnh nhà. 10 năm xây dựng và phát triển, trường vừa cung cấp cán bộ, công chức, viên chức cho một số cơ quan, đơn vị các cấp trong tỉnh, vừa cung ứng nhân lực cho các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Cũng không ít người sau khi tốt nghiệp đã tự kinh doanh khởi nghiệp, góp phần vào việc tăng số lượng doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh ở tỉnh nhà". Ông Trần Chiến Thắng - nguyên Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Long An, Thành viên Hội đồng Sáng lập Trường Đại học Kinh tế Công nghiệp Long An |
GS.TS. Lê Đình Viên