Anh Nguyễn Nhựt Linh (thứ 2, phải qua) đại diện Khoa Kiểm dịch y tế nhận quà của Công đoàn ngành Y tế để động viên cán bộ, y, bác sĩ hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao
Không ngại gian khổ, vất vả
Trong cái nắng gay gắt của biên giới, chúng tôi gặp anh Nguyễn Nhựt Linh (Phó Trưởng khoa Kiểm dịch y tế, Bệnh viện Đa khoa Long An) tại Cửa khẩu Quốc tế Bình Hiệp (xã Bình Hiệp, thị xã Kiến Tường). Anh Linh mặc bộ đồ bảo hộ y tế kín mít từ đầu đến chân. Nhìn chúng tôi, anh yêu cầu ngồi nói chuyện cách xa ít nhất 2m. Anh Linh kể về công việc của cán bộ, y, BS nơi tuyến đầu phòng, chống dịch Covid-19 bằng niềm tin sẽ chiến thắng đại dịch trong thời gian không xa. Anh nói: “Hơn 1 năm qua, hàng ngày, chúng tôi phải khoác lên mình bộ đồ bảo hộ và tiếp xúc với rất nhiều đối tượng. Ban đầu, khi mặc đồ bảo hộ cảm giác không quen, nóng dữ lắm! Khi chưa đóng cửa khẩu, hàng ngày có khoảng 800 người qua lại, chúng tôi phải đo thân nhiệt, khai báo y tế, trong đó có nhiều người không hợp tác thì cần sự hỗ trợ của lực lượng chức năng”.
Trong cuộc trò chuyện, anh còn kể về các tình huống “dở khóc, dở cười” của những ngày đầu làm nhiệm vụ nơi tuyến đầu phòng, chống dịch Covid-19. Khi hàng xóm nghe được tin anh tiếp xúc với nhiều người, họ đã xa lánh, thậm chí xem anh là nơi tập trung của mầm bệnh, còn gia đình thì thấp thỏm, sợ anh không may nhiễm bệnh. 1 năm qua, công việc gia đình từ chăm sóc con đến hai bên cha mẹ, anh đều giao cho vợ, chỉ tập trung thực hiện nhiệm vụ.
Nhìn vợ vất vả một mình chăm sóc hai con nhỏ, anh chạnh lòng nhưng biết làm sao được khi nhiều đồng nghiệp của anh vẫn đang căng mình phòng, chống dịch, chẳng lẽ bản thân mình lại sống thiếu trách nhiệm. Và trong câu chuyện anh kể, chúng tôi cũng biết anh buồn. Làm sao không buồn được khi anh Linh nói riêng, đội ngũ y, BS nơi tuyến đầu phòng, chống dịch nói chung cũng là những con người bằng xương, bằng thịt, họ cũng có người thân, gia đình cần chăm sóc, trong khi “cuộc chiến” với dịch bệnh Covid-19 vẫn chưa đến hồi kết.
Anh Linh cho biết thêm: “Giờ đây, chúng tôi chỉ hy vọng người dân muốn về nước hãy đi bằng đường chính ngạch, khai báo y tế rõ ràng, chấp hành cách ly theo quy định thay vì nhập cảnh trái phép. Có như vậy, dịch bệnh Covid-19 sẽ được kiểm soát tốt, đội ngũ y, BS nơi tuyến đầu phòng, chống dịch cũng đỡ vất vả, nhất là sức khỏe của người dân được bảo đảm, kinh tế đất nước sẽ được phục hồi”.
Hy sinh niềm vui riêng
Rời Cửa khẩu Quốc tế Bình Hiệp, chia tay anh Linh, chúng tôi quay về Trung tâm Y tế huyện Thạnh Hóa xin số điện thoại BS Huỳnh Thanh Hùng đang làm việc trong Khu cách ly Lâm viên Thanh niên (xã Tân Tây, huyện Thạnh Hóa).
Bác sĩ Huỳnh Thanh Hùng đo thân nhiệt cho các đối tượng trong Khu cách ly Lâm viên Thanh niên
Theo quy tắc nghề nghiệp, chúng tôi phải gặp trực tiếp BS Hùng để trao đổi, phỏng vấn thay vì điện thoại. Tuy nhiên, trong khu cách ly có 12 trường hợp tiếp xúc gần với một bệnh nhân dương tính với Covid-19, vì sự an toàn, chúng tôi chỉ có thể trao đổi qua điện thoại.
Sau khi xin được số điện thoại từ Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Thạnh Hóa, chúng tôi gọi đến 3 cuộc nhưng không ai bắt máy. Thầm hiểu được sự vất vả của BS Hùng cũng như cán bộ, chiến sĩ trong khu cách ly, chúng tôi chỉ nhắn tin:
“Em ở Báo Long An được phân công viết bài về các chiến sĩ áo trắng nơi tuyến đầu phòng, chống dịch bệnh Covid-19, khi nào BS không bận việc, vui lòng điện thoại lại, xin chân thành cảm ơn”. 21 giờ, tôi nhận được cuộc gọi từ BS Hùng. Vừa bắt máy, tôi đã nghe đầu dây bên kia nói lời xin lỗi. Qua trò chuyện, BS Hùng cho biết: “Tết Tân Sửu 2021 là cái tết đầu tiên tôi không đón tết cùng gia đình vì phải làm nhiệm vụ trong khu cách ly. Dù rằng đêm đó, gia đình gọi điện thoại video nhưng tôi cũng cảm thấy chạnh lòng, nhất là khi đứa con trai vừa 3 tuổi hỏi khi nào cha về ăn tết. Lúc đó, tôi chỉ cố gắng cười và hứa chừng nào xong nhiệm vụ sẽ về. Trong khu cách ly, chúng tôi được lãnh đạo quan tâm, tạo điều kiện đón tết vui tươi, lành mạnh nhưng vẫn thực hiện đúng khuyến cáo của ngành Y tế. Nhờ sự động viên của các cấp, các ngành, các chiến sĩ và y, BS trong khu cách ly vẫn có cái tết thật đặc biệt và ý nghĩa, nhất là luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao”.
Các "chiến sĩ" blouse trắng nơi tuyến đầu phòng, chống dịch bệnh Covid-19 có nguy cơ nhiễm bệnh cao nhưng họ không hề chùn bước, cố gắng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao
Được biết, công việc thường ngày của BS Hùng là đo nhiệt độ, tìm hiểu các bệnh lý của các đối tượng trong khu cách ly. Vì vậy, BS Hùng là đối tượng có nguy cơ lây nhiễm Covid-19 rất cao trong trường hợp tiếp xúc với bệnh nhân Covid-19. Cụ thể, BS Hùng được xem là đối tượng F2 khi tiếp xúc với 12 đối tượng đi chung chuyến bay với người dương tính Covid-19 từ Nhật Bản về Việt Nam đã được cách ly ngay.
Mỗi ngày làm việc trong môi trường có nguy cơ lây bệnh cao, khối lượng công việc nhiều nhưng không vì thế mà các chiến sĩ áo blouse trắng nơi tuyến đầu phòng, chống dịch bệnh Covid-19 chùn bước. Ngược lại, họ không sợ nguy hiểm, làm việc hết mình chỉ với mục đích bảo vệ sức khỏe của người dân. Chúng ta rất tự hào về các chiến sĩ áo blouse trắng nơi tuyến đầu phòng, chống dịch. Họ thật sự xứng đáng với câu nói “Lương y như từ mẫu”./.
Kim Ngọc