Tiếng Việt | English

15/09/2017 - 03:20

Kỷ niệm 50 năm ngày tỉnh Long An được phong tặng danh hiệu “Trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc”

Từ phong trào “Toàn dân đánh giặc” đến danh hiệu “Dũng sĩ diệt Mỹ”

Trải qua 2 cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, Đảng bộ, dân, quân Long An luôn đoàn kết một lòng, kề vai sát cánh chiến đấu chống kẻ thù xâm lược. Lực lượng vũ trang dựa vào dân, phát huy sức mạnh thế trận chiến tranh nhân dân, lập nên những chiến công oanh liệt, góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Với vị trí chiến lược tiếp giáp trung tâm đô thị lớn nhất của nước Việt Nam Cộng hòa (lúc đất nước chia cắt làm 2 miền) - Sài Gòn, cửa ngõ của Đồng bằng sông Cửu Long, có biên giới giáp Campuchia và nhiều tuyến đường huyết mạch, Long An thật sự là một trong những địa bàn “đầu sóng, ngọn gió”. Nơi đây “không núi, ít rừng, kháng chiến lâu dài chỉ có thể lấy lòng dân làm căn cứ” (Giáo sư Trần Văn Giàu).

Toàn dân đánh giặc

Từ thời thực dân Pháp xâm lược, Long An có nhiều cuộc khởi nghĩa tiêu biểu, huy động được sức mạnh từ lòng dân: Khởi nghĩa của Trương Định, Nguyễn Trung Trực, Phan Văn Đạt, Dương Bình Tâm,... Bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ, mặc dù phải đối mặt với kẻ thù thực dân mới có phương tiện chiến tranh hiện đại, Đảng bộ, dân, quân Long An vẫn đoàn kết một lòng, không sợ hy sinh, giành quyền chủ động đánh địch bằng thế trận chiến tranh nhân dân, tiến công địch bằng cả “hai chân, ba mũi” (đánh địch cả ở thành thị và nông thôn, kết hợp ba mũi đấu tranh: Chính trị - quân sự - binh vận).

Trận Đức Lập được tái hiện, trưng bày tại Công viên Tượng đài Long An “Trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc”

Ngày 06/01/1960, Tỉnh ủy họp ở giồng Ông Tường, nghiên cứu Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 15 và Nghị quyết của Khu ủy Khu 8. Trên cơ sở đó, Tỉnh ủy quyết định phát động phong trào quần chúng, tiến lên cao trào khởi nghĩa vũ trang trên khắp các địa bàn nông thôn, đập tan bộ máy kìm kẹp của địch, giành quyền làm chủ ở xã, ấp bằng cách dùng lực lượng vũ trang làm đòn xeo cho cuộc nổi dậy của quần chúng. Quận Đức Hòa được chọn làm nơi châm ngòi cho cuộc khởi nghĩa. Cuộc khởi nghĩa cũng sẽ đồng loạt nổ ra ở phía Bắc và phía Nam Quốc lộ 4 (QL 1 hiện nay, đoạn qua Long An) nhằm hỗ trợ lẫn nhau, chia cắt lực lượng địch.

Đêm 25/01/1960, quân ta thực hiện thành công trận đánh đồn Đức Lập (Đức Hòa), mở màn cho phong trào đồng khởi trên toàn tỉnh. Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, nguyên Bí thư Tỉnh ủy - Nguyễn Văn Chiểu - người trực tiếp chỉ huy Trung đội 15 thuộc Tiểu đoàn 506 đánh đồn Đức Lập, cho biết: “Lúc này, khí thế nổi dậy ở Đức Hòa lên rất cao. Vừa nghe tin chiến thắng Đức Lập, nhân dân ở hầu hết các xã được bộ đội địa phương huyện và du kích xã hỗ trợ lập tức nổi lên tiến công quân địch. Chỉ sau một tuần lễ, rất nhiều vùng nông thôn của Đức Hòa được giải phóng. Nhân dân rất phấn khởi vì vừa đòi được ruộng đất, vừa thoát khỏi sự kìm kẹp của bọn ác ôn, địa chủ”.

Kết hợp đấu tranh vũ trang, phong trào đấu tranh chính trị cũng diễn ra rộng khắp với khí thế sôi nổi chưa từng có. Tiêu biểu là các cuộc biểu tình của 10.000 dân Đức Hòa (3/1961) nhân vụ chị Nguyễn Thị Em bị chúng bắn chết; cuộc đấu tranh đòi địch chấm dứt bắn pháo bừa bãi của 2.000 người kéo vào thị trấn Mộc Hóa (5/1961); cuộc xuống đường chống càn quét, bắt bớ trái phép, đòi yên ổn làm ăn,... của 10.000 quần chúng thuộc các huyện: Cần Đước, Cần Giuộc, Bến Lức (8/1961).

Sớm ý thức dùng đòn xeo quân sự, phát triển mạnh đảng viên, tổ chức lực lượng chặt chẽ, Đảng bộ Long An thể hiện bản lĩnh lãnh đạo toàn dân, đánh địch toàn diện, tiến lên đồng khởi, thành lập Mặt trận Dân tộc Giải phóng. Từ đó quy tụ, tập hợp mọi giai cấp, tầng lớp đồng bào yêu nước, xây dựng xã chiến đấu liên hoàn, đào kênh, đắp cản, đánh địch về mọi phương diện. Ca ngợi kỳ công của quân, dân Long An trong giai đoạn này, nhà văn Giang Nam viết: “Người già anh hùng, trẻ em anh hùng, chiến sĩ anh hùng, đâu đâu cũng có, đông lắm! Sự thật toàn dân là anh hùng... Nam bộ có câu “chơi hết mình” đúng là đồng bào Long An, đồng bào miền Nam đã “chơi hết mình”, đã bỏ vào cuộc kháng chiến tất cả tim, óc, máu, thịt của mình mà không mảy may băn khoăn suy tính...” (Long An 21 năm đánh Mỹ).

Ngã tư Rạch Kiến xưa

Năm 1965, đế quốc Mỹ thi hành “Chiến tranh cục bộ”, đổ dồn hàng chục tỉ đô la, hàng trăm ngàn quân viễn chinh ồ ạt vào miền Nam, kết hợp quân chủ lực ngụy được trang bị phương tiện chiến tranh hiện đại. Mỹ phong tỏa vịnh Bắc Bộ, ném bom miền Bắc với tham vọng áp đặt sức mạnh Mỹ, “đưa Bắc Việt Nam trở về thời kỳ đồ đá”. Trước đỉnh cao của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Bác Hồ ra lời kêu gọi đồng bào cả nước: “Dù Mỹ trực tiếp đưa vào miền Nam bao nhiêu vạn quân, dù phải chiến đấu 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa, nhân dân Việt Nam quyết chiến đấu đến thắng lợi hoàn toàn!”. Hưởng ứng lời kêu gọi của Người và phong trào thi đua “Quyết thắng giặc Mỹ” của Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, Đảng bộ tỉnh phát động phong trào toàn dân đánh giặc, biến chiến trường Long An trở thành “thiên la địa võng” với thế trận chiến tranh nhân dân.

Thi đua diệt Mỹ

Tháng 12/1965, Mỹ đổ quân xuống Long An, lập tức bị lực lượng vũ trang Long An và Khu 8 chặn đánh. Quân, dân Long An trước đó loại khỏi vòng chiến đấu hàng ngàn quân chủ lực ngụy, tạo đà cho toàn dân tiến lên thực hiện quyết tâm đánh Mỹ. Tháng 5/1966, bộ đội địa phương Đức Hòa diệt gọn 1 đại đội thuộc Lữ đoàn Dù 173 Mỹ ở Bàu Sen (Đức Lập), mở ra khả năng hoàn toàn có thể thắng Mỹ. Phong trào toàn dân đánh Mỹ được phát triển lên đỉnh cao với khẩu hiệu “nắm thắt lưng địch mà đánh”, “tìm ngụy mà đánh, tìm Mỹ mà diệt”. Theo đó, nhiều nơi, bộ đội, du kích, nhân dân thi đua đạt các danh hiệu: “Dũng sĩ diệt Mỹ”, “Dũng sĩ diệt xe cơ giới”,... Hai người được công nhận danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ đầu tiên ở Đức Hòa và cũng là của Long An là đồng chí Hai Ngọt (ngụ xã An Ninh) và đồng chí Ba Mỏi (ngụ xã Lộc Giang), mỗi người diệt được 3 xe bọc thép Mỹ bằng mìn.

Nét đặc sắc khác trong phong trào toàn dân đánh giặc là sự xuất hiện của đội nữ pháo binh. Tháng 8/1966, đội nữ pháo binh đầu tiên của Long An được thành lập ở khu vực biên giới Ba Thu, do đồng chí Hồng Hoa làm đội trưởng. Từ hạt nhân này, bước sang năm 1967, nhiều đội khác ra đời và hoạt động ở hầu hết các nơi. Chỉ trong 2 năm 1968-1969, các đội nữ pháo binh đánh 220 trận, bắn cháy và làm hư hại 18 máy bay, 48 xe quân sự, 24 khẩu pháo, bắn cháy 1 kho xăng, 1 kho đạn, tiêu diệt hàng trăm tên địch.

Di tích lịch sử Ngã tư Rạch Kiến - một trong những địa chỉ đỏ góp phần giáo dục lịch sử, truyền thống, phục vụ tham quan, du lịch cho các tầng lớp nhân dân trong và ngoài tỉnh, nhất là thế hệ trẻ

Bằng thế trận chiến tranh nhân dân, xây dựng làng xã chiến đấu và các vành đai diệt Mỹ, tiến công địch bằng nhiều mũi giáp công, linh hoạt và biến hóa, quân và dân Long An kiên cường bám trụ, bảo đảm nhiệm vụ chiến trường và hành lang chiến lược. Bà Phan Thị Minh (SN 1938), ngụ ấp 1B, xã Long Hòa, huyện Cần Đước - người từng trực tiếp tham gia chiến đấu tại vành đai Rạch Kiến, nhớ lại: “Hầu như tất cả người dân ở vành đai, từ già đến trẻ đều tham gia đánh giặc. Cuộc chiến đấu đi vào đời sống của người dân như những công việc đồng áng hàng ngày. Trong đó, có nhiều người dân bình thường đi gài mìn, phá lộ, đánh xe tăng Mỹ như “cơm bữa”. Hay những tập thể du kích vừa sản xuất, vừa rào làng chiến đấu, đánh địch bằng muôn ngàn kiểu cách, kể cả bằng ong vò vẽ, bàn chông đinh, trận địa giả,...”.

Khó có thể kể hết những câu chuyện chiến đấu tại Long An nhưng điều đáng nói là vì sao người dân lại đánh giặc một cách tự nguyện và hăng say như thế? Đó chính là lòng yêu nước, yêu quê hương, truyền thống cách mạng cùng lòng căm thù cao độ giặc Mỹ xâm lược của nhân dân. Với thành tích đặc biệt xuất sắc ấy, ngày 17/9/1967, tại Đại hội Anh hùng và Chiến sĩ thi đua toàn miền Nam lần thứ 2, Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam quyết định phong tặng cho Long An danh hiệu và lá cờ vẻ vang ghi tám chữ vàng: “Trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc”.

Ngã tư Rạch Kiến ngày nay

Phát huy thành tích vẻ vang đó và thực hiện lời dạy của Bác Hồ “đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”, Đảng bộ, dân, quân Long An cùng cả nước tiếp tục ra sức chiến đấu, đánh thắng đế quốc Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, góp phần xứng đáng vào những trang sử vàng chói lọi, vẻ vang nhất của dân tộc./. 

Hồng Anh

Chia sẻ bài viết