Về Đức Hòa tìm “Cô gái tưới đậu”
Nổi tiếng là “thủ phủ” của cây đậu phộng, mảnh đất Đức Hòa gợi cảm hứng cho nhiều tác giả từ đặc sản này. Trên những cánh đồng đậu phộng, hình ảnh “cô gái tưới đậu” đi vào bài vọng cổ cùng tên của tác giả Trần Nam Dân vừa đẹp người, đẹp nết lại giỏi giang.
“Cô gái tưới đậu” từ lần xuất hiện đầu tiên trên sóng phát thanh cho đến hôm nay vẫn còn sức sống, trở thành một trong những bài vọng cổ vang bóng mà qua đó, người nghe hiểu thêm về cuộc sống của một vùng quê ở Long An.
Đậu phộng đã "chín" đang chờ nhổ - Ảnh: Trân Duy/tuoitre.vnMở đầu bài vọng cổ là điệu lý: Nghe gió đồng bềnh bồng thênh thênh. Len đất giồng là mầm đậu lên. Ѕáng naу, nắng ấm trời êm. Đồng xanh, xanh sắc lá. Mắt em haу sắc trời. Tang tình tang tính tình tang... Tang, tang tình là tình tính tang. Ở đâu, anh đến một mình. Ϲhẳng quen mà không biết, sao nhìn sao nhìn người ta?...
Đó cũng là lời đối thoại của nhân vật nam và nữ, trong đó, anh chàng từ Sài Gòn lặn lội về vùng Mỹ Hạnh (nay là xã Mỹ Hạnh Bắc, Mỹ Hạnh Nam) của huyện Đức Hòa tìm hiểu về nông thôn và sản xuất.
Bài ca vì thế trở thành lời cổ vũ sản xuất, xây dựng quê hương ngày càng đổi mới. Từng lời hát rất tự nhiên, không có câu nào tuyên truyền nhưng vẫn thấy được sự trân trọng, yêu mến đối với nông dân.
Từ thành thị xa xôi, chàng trai tìm gặp cô gái sản xuất giỏi và thêm yêu nét duyên dáng cùng tính cởi mở, vui tươi nhưng chân chất qua lời hát: Anh ba ơi! Ϲon gái làng em thiệt thà như đếm, anh ba gieo làm chi tiếng oán cho thêm buồn...
Hay những ca từ: Đánh xong Mỹ cút, ngụу nhào. Vàng mơ ruộng lúa, hoa màu vượt lên. Mầm hạnh phúc mọc quê em. Thaу trời, đổi đất cho trọn niềm ước mơ và Tuổi trẻ chúng em là phải làm cho quê hương ngàу đổi mới. Làng xóm уên vui no ấm mãi muôn đời... cũng là lời khái quát đức tính của “Cô gái tưới đậu”, của người Long An ngoan cường trong chiến đấu và đảm đang trong thời bình, luôn yêu và ra sức xây dựng để quê hương ngày càng đổi mới.
Một góc miền hạ với chiếu Long Cang
Từ vùng thượng xuôi về miền hạ Cần Đước - nơi có làng nghề dệt chiếu truyền thống tồn tại mấy chục năm qua. Với những người con Cần Đước, trong đó có tác giả Việt Sơn, dù đi đâu, làm gì cũng nhớ về đôi chiếu Long Cang cũng như nhớ nghĩa tình nơi chôn nhau, cắt rốn.
Nghĩa tình với quê hương, mà cụ thể là với người con gái thôn quê, được tác giả Việt Sơn khéo léo gửi vào “Đôi chiếu Long Cang” qua điệu hò: Hò ơ... Chiếu Long Cang nhịp nhàng em dệt. Bấy nhiêu tình em gởi hết vào đây. Chiếu hoa em dệt thật dầy. Mong đây với đó... hò ơ... xuân này nên duyên... (bài vọng cổ Đôi chiếu Long Cang).
Sinh ra, lớn lên ở làng nghề dệt chiếu truyền thống nên “Chiếu Long Cang” được sáng tác vào năm 1979 là một lẽ tự nhiên của người con miền hạ gắn bó quãng đời ấu thơ bên từng sợi trân, cọng lác.
Nhưng, bài vọng cổ “Chiếu Long Cang” khi ấy còn “non” về nghệ thuật. Người nghe chủ yếu cảm nhận một làng nghề truyền thống tồn tại mấy chục năm ở Cần Đước qua từng câu hát. Mãi hơn 15 năm sau, “Đôi chiếu Long Cang” được sáng tác hoàn chỉnh và đong đầy xúc cảm nhớ thương về người con gái khéo tay dệt chiếu nơi làng quê.
Với phương pháp tự sự, các chi tiết văn học là hiện thực của đời thường sẵn có ở làng chiếu cùng ngôn từ không trau chuốt nhưng mượt mà, cái tình của người miền hạ đi vào “Đôi chiếu Long Cang” thật sâu sắc và chân thật.
Dường như, tác giả Việt Sơn “ưu ái” cho mảnh đất miền hạ nên ngoài “Đôi chiếu Long Cang”, một “Khung trời miền hạ” hiện ra với những địa danh: Đây Phước Tân Hưng, đây làng Thuận Mỹ, đây Thanh Vĩnh Đông kỷ niệm êm đềm... Đây mái đình xưa nghiêng giọt nắng bên thềm.
Tác giả giới thiệu đến nhiều người một miền hạ thủy chung, yên bình với mắm còng, bần chua, xuồng ba lá, dừa nước và những mùa tôm no ấm,... qua bài vọng cổ “Khung trời miền hạ”.
Nhớ hương tràm, thương dòng Vàm Cỏ Tây
Đất và người Long An đi vào âm nhạc với những hình ảnh đặc trưng từ vùng thượng đến miền hạ như thế! Nhưng, sẽ thiếu sót nếu không nhắc đến vùng Đồng Tháp Mười “nửa mùa nắng cháy, nửa mùa nước dâng” cũng là nơi gieo nguồn cảm hứng cho nhiều tác giả, nhạc sĩ.
Vùng Đồng Tháp Mười của Long An với sông nước hữu tình, hương tràm thoảng đưa trong gió gieo cảm hứng cho nhiều tác giả. Từ đó, nhiều người biết đến Long An qua một số ca khúc như thế!
Ở Đồng Tháp Mười có một loại hương hoa “níu hồn” nhà thơ Hoài Vũ. Em gửi gì trong gió trong mây/ Ðể sáng nay anh lên Vàm Cỏ Tây/ Hoa tràm e ấp trong vòm lá/ Mà khắp trời mây hương tỏa bay! Hoài Vũ sáng tác bài thơ “Đi trong hương tràm” này trong một lần trở lại chiến trường xưa, chợt nhớ hình ảnh nữ chiến sĩ giao liên hy sinh ở vùng Đồng Tháp Mười, giữa rừng tràm mênh mông bên dòng sông Vàm Cỏ Tây.
Tháng 5/1982, trong một lần đi thực tế sáng tác ở Quân khu 2, nhạc sĩ Thuận Yến đọc được bài thơ này của nhà thơ Hoài Vũ và xúc động, ghi chép cẩn thận vào sổ tay.
Hơn 1 tháng sau, trong lúc đi công tác tại Thác Bà, tỉnh Yên Bái, nhìn không gian hồ nước mênh mông xanh biếc, nhà thơ lại nhớ đến Đồng Tháp Mười và bài thơ của Hoài Vũ nên viết bài ca “Đi trong hương tràm” phổ thơ của Hoài Vũ. “Hò ơ... Gió Tháp Mười đã thổi, thổi rất sâu. Có nỗi thương đau, có niềm hy vọng. Bầu trời thì cao, mà cánh đồng thì rộng. Hương tràm bên anh mà em đi đâu”, nhạc sĩ Thuận Yến bắt đầu “Đi trong hương tràm” bằng giọng hò Đồng Tháp để miêu tả khái quát vùng Đồng Tháp Mười đồng rộng với bát ngát hương tràm.
Và hôm nay, những vạt rừng tràm ở miền quê sông nước của Long An vẫn còn như “Đi trong hương tràm” của cố nhạc sĩ Thuận Yến, vẫn “sống” cùng thời gian.
Còn với tác giả Diệp Vàm Cỏ - người con của quê hương Đồng Tháp Mười, cũng mang những hình ảnh về đất và người Long An vào âm nhạc qua một số bài vọng cổ: Ông già Đồng Tháp, Mùa trâm gối, Tôi yêu màu nắng quê nhà,...
Tác giả Diệp Vàm Cỏ chia sẻ: “Những bài ca ấy khắc họa mảnh đất Long An là mảnh đất giàu truyền thống thực sự hồi sinh sau cuộc chiến tranh. Mảnh đất ấy ngày càng trù phú nhờ bàn tay, khối óc của những con người giàu nghĩa nhân và lòng yêu nước; một mảnh đất có những đặc sản, đặc thù để người ta dễ dàng nhận ra với hình ảnh chân quê, mộc mạc như đồng lúa, ruộng khoai, những cây trâm gối vững chải trong mưa bom, bão đạn,... Ngoài ra, các bài ca còn cho thấy, con người Long An ngoan cường trong chiến đấu, bền bỉ, chịu thương, chịu khó trong lao động, sản xuất, góp phần dựng xây quê hương ngày thêm giàu đẹp”.
Đó là những con người “Tóc bạc rồi da rám, tay chai. Vậy mà việc ruộng vườn tôi nào kém chi trai. Ngày lao động, tối về không thấy mệt” (Ông già Đồng Tháp). Và, “Đồng Tháp, tên gọi con người cũng là tên gọi của quê hương, cùng cả nước đang trong tầm cao mới. Mộc Hóa, Vĩnh Hưng người ơi hãy tới, chan chứa tình đời với câu hát bông sen” (Ông già Đồng Tháp) như lời mời gọi ân tình về với Đồng Tháp Mười, về với Long An. Về để ngắm “... Vàm Cỏ Tây in bóng trời mây. Con nước rong đầy, năm tháng dạn dày. Chiều về trên sóng, xuồng trôi bềnh bồng. Mà nghe hương tràm bao tháng ngày chờ mong. Mà thơm hương tràm... là hương của dòng sông”, về để được “Trở lại Bến Kè giữa mùa khoai mỡ, hương vị nồng nàn tím ngát tình ai” (Tôi yêu màu nắng quê tôi),...
Long An đi vào thơ ca, âm nhạc thật đẹp nhưng bình dị với những hình ảnh quê hương như thế! Để rồi, ai đã hoặc chưa đến đều hiểu và thêm yêu con người cùng mảnh đất Long An trung dũng, kiên cường!
Lê Ngọc