Ngày 29/8/2016, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An - Lê Tấn Dũng vừa phê duyệt Kế hoạch Tổ chức Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời năm 2016 trên địa bàn tỉnh Long An từ ngày 2 đến 9/10/2016.
Sách được trưng bày tại Thư viện Long An. Ảnh: Lê Thị Ngọc Lệ
Lễ khai mạc được tổ chức vào ngày 2/10/2016; Lễ sơ kết sẽ được tổ chức vào ngày 9/10/2016 nhằm đánh giá, rút kinh nghiệm, tuyên dương, khen thưởng các tập thể và cá nhân tham gia tích cực “Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời năm 2016”.
Đây là hoạt động hàng năm nhằm nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân, cộng đồng dân cư về học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập; nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động, sinh viên, học sinh và nhân dân về vai trò, ý nghĩa và tầm quan trọng của việc đọc sách đối với việc nâng cao kiến thức, kỹ năng, phát triển tư duy, giáo dục và rèn luyện nhân cách con người; hình thành thói quen đọc sách thường xuyên của mỗi người và xây dựng văn hóa đọc trong các cộng đồng; góp phần xây dựng xã hội học tập đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa-hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế;… để cập nhật, bổ sung thông tin, kiến thức phục vụ yêu cầu của công việc và đời sống.
Thư viện cộng đồng ở xã biên giới Mỹ Quý Tây, huyện Đức Huệ, tỉnh Long An. Ảnh: Hồ Phúc-Minh LuậnChủ đề của Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời năm 2016 là “Phát triển văn hóa đọc trong kỷ nguyên số”. UBND tỉnh chỉ đạo trên các đường phố, cổng các cơ quan, đơn vị, trường học treo các băng rôn, khẩu hiệu tuyên truyền: “Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời năm 2016”, “Phát triển văn hóa đọc trong kỷ nguyên số”, “Chung tay xây dựng thư viện, thường xuyên đọc nhiều sách hay”.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Lê Tấn Dũng chỉ đạo thực hiện tuyên truyền, phổ biến rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng; Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động thư viện; Tăng cường các hoạt động tư vấn, tập huấn, hướng dẫn các kỹ năng tìm kiếm, khai thác và sử dụng thông tin trên mạng internet một cách hữu ích, an toàn, cách sử dụng sách điện tử, thư viện điện tử;…
Thư viện Đức Hòa thu hút nhiều bạn đọc. Ảnh: Nhã Phương
Bên cạnh đó, chỉ đạo các trường giới thiệu về sách và các tài liệu điện tử hữu ích trên website của nhà trường nhằm chia sẻ thông tin, tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh tìm đọc. Khuyến khích giáo viên, học sinh tham gia các cộng đồng/câu lạc bộ đọc sách online bằng cách tạo các trang Facebook hay Blogs của thư viện nhà trường để học sinh và giáo viên trao đổi về những cuốn sách hay. Khuyến khích giáo viên mầm non dành thời gian đọc sách, kể chuyện cho trẻ, hướng dẫn các trường tích cực sử dụng phương tiện dạy học kỹ thuật số để giúp trẻ được “nghe sách” thường xuyên hơn. Tuyên truyền, vận động, khuyến khích người dân đến đọc sách tại các thư viện cộng đồng; tổ chức các hoạt đông khuyến đọc đa dạng phù hợp với nhiều đối tượng khác nhau nhằm thu hút và hình thành thói quen tham gia và sử dụng thư viện cho người dân;.../.
Thái Chuyên