1. Hồi còn nhỏ, chị hay được mọi người tấm tắc khen đẹp. Nghe khen, chị cười chúm chím, bởi con gái ai chẳng thích được khen. Nhưng nghe người ta khen, mẹ lặng lẽ thở dài. Mẹ lo con gái đẹp trắc trở tình duyên, mà con gái mẹ sinh nhằm năm Thân, mẹ bị ám ảnh bởi câu nói từ bao đời: Người ta tuổi Ngọ, tuổi Mùi/Em đây luống những ngậm ngùi tuổi Thân...
Càng lớn, chị càng xinh đẹp. Chị đẹp từ vóc dáng kiêu sa đến khuôn mặt sáng như trăng rằm. Nhưng đôi mắt đẹp thẳm sâu, hun hút của chị lại mênh mang nét buồn làm mẹ càng lo, giữ chị như báu vật. Là con gái út duy nhất trong bốn anh em trai, gia đình khá giả nên chị được cả nhà cưng chiều. Mẹ nói, con gái phải cố gắng học, sau này không phụ thuộc người ta. Chị thông minh, học giỏi nên mẹ cũng yên lòng.
Nhưng đến khi đậu đại học, phải đi học xa nhà, mẹ lại chẳng yên tâm. Chị thương mẹ, ở nhà học trường tỉnh. Học xong, mới đi làm được vài tháng, mẹ nói tuổi này có chồng là vừa, để vài năm nữa lại thêm lo. Lúc đó, có thầy giáo trẻ ở xóm bên để ý chị từ lâu, nhờ người mai mối. Mẹ gật gù, vừa ý, bởi anh chàng mặt mày coi sáng sủa, hiền lành, gia cảnh cũng tốt. Mà quan trọng hơn cả, mẹ yên tâm vì anh tuổi Thìn, như người ta vẫn nói “Thân, Tí, Thìn tam hạp”. Mẹ hy vọng có chồng hạp tuổi, biết đâu cuộc đời con gái sẽ bớt truân chuyên.
Từ hồi còn đi học, nhiều kẻ si tình theo đuổi nhưng chị chưa từng yêu ai bởi mẹ dặn, vướng vào đường tình duyên sớm dễ trắc trở. Thấy mẹ lo lắng cho mình, thôi thì trước sau cũng phải có chồng, ba mẹ vừa ý thì cứ theo lời. Tìm hiểu nhau được vài tháng, chị thấy anh cũng hiền, cư xử lễ nghĩa, có trên có dưới, có trước có sau nên chịu cho cưới.
Đám cưới chị rỡ ràng, cô dâu, chú rể đẹp đôi, ai cũng xuýt xoa, khen ngợi. Tiễn con gái về nhà chồng, đôi mắt mẹ bớt ưu tư và ánh lên niềm hy vọng. Mẹ dặn dò, nhắc nhở chị đủ thứ để làm sao có được tình cảm của mọi người. Chị cười, nói mẹ cứ hay lo. Con gái của mẹ dù gì cũng khéo nội trợ, bếp núc. Lại học được nhiều món ngon từ mẹ, chắc cũng không đến nỗi. Mẹ cũng cười, con gái mẹ vừa đẹp, vừa khéo léo thế này, ai mà không thương!
2. Chị làm dâu với một “hành trang” đủ để tự tin so với nhiều người con gái khác. Chồng chỉ có một cậu em trai cũng tuổi Thân như chị, công tác xa nhà, vì bận việc đột xuất nên về đến nhà, đám cưới đã xong.
- Ủa... Quyên! Quyên phải không? - Người đầu tiên cậu em trai chồng bước vào cổng, nhìn thấy là chị. Ánh mắt cậu bất ngờ xen lẫn ngỡ ngàng. Chị đang quét sân, nhìn lên cũng giật mình bối rối. Người trước mặt chị chính là Huy, cậu bạn trai học rất giỏi ngồi chung bàn với chị suốt năm học lớp 12.
- Huy! Huy... là em anh Văn sao? - Chị thốt lên ngạc nhiên.
Vừa lúc má chồng ở nhà sau lên tới, nghe được câu chuyện giữa hai người, bà liền hỏi:
- Tụi con biết nhau hả?
- Dạ, tụi con học chung hồi cấp 3... - Cả hai như cùng trả lời một lượt.
- Ừa... Nhưng giờ là chị em rồi đó nha! - Bà nhắc nhẹ nhưng chị vẫn cảm thấy có chút ẩn ý. Có lẽ Huy cũng hiểu ý má, anh vội xách ba lô vô nhà. Huy thi đậu vào trường sĩ quan, học xong, anh được tiếp tục đào tạo, phục vụ lâu dài trong quân đội. Trái ngược hẳn với anh trai - nhẹ nhàng, thư sinh, trông Huy mạnh mẽ, rắn rỏi. Sau nhiều năm không gặp, chị thấy Huy trưởng thành và chững chạc hơn rất nhiều.
Huy về nhà chỉ được hai bữa lại đi. Là sĩ quan quân đội, Huy làm gì cũng nhanh nhẹn, nề nếp, dứt khoát. Anh nói, đơn vị chỉ cho nghỉ phép hai ngày, không thể nấn ná dù lâu rồi anh mới về nhà. Trước khi đi, Huy nói với vợ chồng chị:
- Ba má lớn tuổi rồi, ở nhà trăm sự nhờ Quyên... à... nhờ anh hai, chị hai...
- Cái thằng! Mới chưa quen kêu chị hai, mai mốt không được quên nữa nha hông! - Má chồng chị nói vẻ cảm thông rồi nhìn mọi người cũng đang cười xí xóa.
minh họa HP
Cuộc sống mới êm đềm, yên ả. Hết giờ làm việc ở cơ quan, chị về nhà quán xuyến trong ngoài, chăm lo chu đáo cho cả nhà từ những bữa cơm ngon, hợp khẩu vị. Cha mẹ chồng thương chị như con gái trong nhà, Văn tới tháng lãnh lương về đưa hết cho vợ, chỉ chừa lại ít tiền xài vặt.
Mẹ dõi theo cuộc sống của con gái đã nhẹ lòng hơn. Mẹ nói với ba như giải tỏa nỗi lo canh cánh trong lòng theo mỗi bước chân con gái:
- Chắc cũng không đến nỗi, “tuổi Thân thì mặc tuổi Thân...”, có lẽ còn tùy ngày sinh tháng đẻ phải không ông?
- Tui nói rồi, bà cứ tự làm khổ mình. Nếu thực sự ông trời có sắp đặt sự sướng khổ cho con người thì liệu bà có thay đổi được không?
Mẹ lặng im nhìn ba, thầm nghĩ, biết là vậy nhưng có người mẹ nào lại chẳng lo lắng cho con?
3. Nhưng cuộc đời luôn có những bất ngờ, không ai có thể biết trước điều gì sẽ xảy ra. Sóng gió nổi lên khi hai thằng con trai sinh năm một của chị càng lớn càng giống Huy từ tính cách đến hình dáng. Tụi nó khen chú Huy mạnh mẽ, oai phong. Thằng lớn còn bảo mai mốt sẽ đi bộ đội như chú. Mỗi lần chú về, hai thằng nó xúm xít, hỏi han, thắc mắc đủ thứ. Mấy chú cháu chuyện trò, cười giỡn rất thoải mái.
Lúc thường, hai thằng nhỏ ít gần gũi ba, nay thấy ba hay cau có, khó chịu, chúng càng sợ và lẩn tránh. Chị tinh ý nhận ra “sóng gió” trong lòng chồng nên cố tìm cách xoa dịu. Chị cũng cố kéo hai thằng nhỏ gần ba hơn nhưng vô ích. Những cố gắng của chị càng làm Văn khó chịu và suy diễn theo hướng tiêu cực.
Văn dần biến thành một người khác hẳn. Anh say xỉn suốt ngày, đã vậy còn tụ tập bài bạc, bồ bịch, về đánh chửi, xúc phạm vợ con. Ban Giám hiệu trường nhắc nhở anh nhiều lần không được nên chuyển anh làm việc khác, không cho đứng lớp nữa. Văn tự ái, vào trường quậy tưng rồi nghỉ luôn. Gánh nặng trên vai chị lại oằn thêm, nhưng điều làm chị khổ tâm nhất chính là bị Văn kết tội có tình ý với em trai chồng.
Vất vả, lo toan lại chất thêm uất ức làm chị suy sụp, chỉ muốn chết đi. Nhưng rồi, chị vẫn phải gồng mình lên mà sống, vì bao nhiêu người còn cần đến chị. Nhất là ba má chồng luôn thương yêu, tin tưởng chị. Ông bà điện thoại kêu Huy về họp gia đình, hy vọng có thể giải tỏa những khúc mắc trong lòng Văn. Khi hai thằng nhỏ đi học, người lớn ngồi lại với nhau, ông nói với Văn:
- Mấy thằng nhỏ mang dòng máu của ông nội, nó không giống cha mà giống chú thì cũng là lẽ tự nhiên, sao cứ phải suy diễn méo mó, tự làm khổ mình, khổ người?
- Không có gì, nhưng người đàn bà khi mang thai, thương ai, nghĩ đến ai thì con sanh ra sẽ giống người đó. Mà vợ con học chung với em con cả 3 năm, ai biết có... gì không? - Chồng chị nói ngang.
- Có gì là có gì? Tôi với chị hai học chung 3 năm, chỉ có tình bạn trong sáng. Anh suy diễn hồ đồ rồi làm khổ mọi người, anh có đáng mặt đàn ông không? - Huy nổi nóng vặn lại.
Huy trở lại đơn vị, lòng không yên vì chuyện nhà. Anh ở xa, không ngờ Văn tệ đến vậy. Huy thấy tội cho chị hai đẹp người, đẹp nết, phải vất vả quán xuyến mọi chuyện nhà chồng mà chẳng được yên thân. Anh tự nhủ, nhất định phải tìm cách thay đổi những suy nghĩ tăm tối trong đầu anh mình mới được!
4. Nghe tin Huy sẽ đưa người yêu về thăm gia đình để tính chuyện đám cưới, cả nhà vui như hội. Lúc trước, mỗi lần ba má nhắc chuyện vợ con là Huy lảng tránh, nói từ từ tính. Má nói với ba, ai đời, đàn ông tuổi này còn ở không một mình, phải chi nó nói sớm, biết đâu thằng Văn đã chẳng suy diễn bậy bạ...
Chị là người vui nhất, trong lòng thanh bạch nhưng cái kiểu kết tội vô lý của chồng vẫn làm chị thấy nặng nề như mang một “bản án” oan khó gột rửa. Chị chỉ mong cả nhà vui vẻ, thương yêu nhau. Chị không muốn vì mình mà anh em bất hòa, mọi người đau khổ, dù chị không hề có lỗi. Văn nghe tin không nói gì nhưng gương mặt lầm lì thường ngày đã dịu lại. Chị tinh ý nhận ra trên mặt chồng thoáng có chút bối rối, sượng sùng. Có lẽ, trong lòng Văn lúc không có rượu trở nên tĩnh tâm, yên ổn hơn rất nhiều.
Người yêu Huy là cô giáo, dáng người cân đối, khỏe mạnh, có duyên. Cô vui vẻ, thân tình nên được mọi người yêu quý. Cô xuống bếp cùng chị làm cơm, hai chị em chuyện trò ríu rít. Lâu lắm rồi cả nhà mới vui như thế, tiếng cười, tiếng nói rộn ràng, làm xôn xao cả một chiều quê yên tĩnh. Văn có vẻ ít nói hơn bình thường, anh lặng lẽ như đang mải suy nghĩ điều gì đó. Chị sắp xếp mọi việc trong nhà nhưng thỉnh thoảng vẫn liếc nhanh sang chồng, ánh mắt đã bớt lo lắng.
Lúc tiễn Huy cùng người yêu đi, Văn khẽ vỗ vai em trai rồi nói nhỏ gì đó. Huy nghe cười rất tươi bảo: “Anh hiểu là em mừng. Nhưng anh phải giữ sức khỏe, ráng mập lên chút nữa, còn lo đám cưới cho tụi em”. Văn cười, lâu lắm rồi chị mới lại thấy khuôn mặt chồng rạng rỡ như thế...
Mười mấy năm trôi qua, vật đổi sao dời, lòng Văn cũng “sóng yên biển lặng” từ lâu. Con trai lớn của anh chị theo chú Huy vào quân đội, thằng nhỏ đi làm gần nhà để cận kề cha mẹ. Tết năm nào Huy cũng đưa vợ cùng hai con gái về thăm quê nội. Ông bà nội lớn tuổi nhưng còn cứng cáp, minh mẫn vui vầy bên con cháu. Những ngày cuối năm này, người ta hay gặp anh chị chở nhau đi sắm tết, đi chợ hoa ngắm kiểng, trông hạnh phúc lắm! Chị trẻ đẹp ra, ánh mắt rạng ngời, không còn thăm thẳm... Nét đẹp chị giờ không lộng lẫy nhưng mặn mà, chín đủ như một thứ rượu được ủ men đủ tháng, đủ ngày, dễ làm say lòng người.
Chị thấy mãn nguyện, an yên sau những giông bão đi qua. “Sau cơn mưa, trời lại sáng”, đôi lúc ngồi một mình, chị nghĩ đến câu nói đó và lấy làm tâm đắc vô cùng. Nó không chỉ là quy luật của tự nhiên mà còn là quy luật của cuộc sống, con người. Hiểu như thế, người ta sẽ bớt đi được những khổ đau, dằn vặt trong lòng.
Xuân Bính Thân đến gần, “năm tuổi” của chị cũng đang đến, trong chị chất đầy những cảm xúc đan xen. Đàn bà tuổi Thân như chị từng hồi hộp, lo lắng, bởi sợ câu nói nhân gian vận vào đời mình. Nhưng đến bây giờ nhìn lại, chị yên tâm bước tới với tất cả những gì mình đang có - tuổi Thân đâu có khổ!
Ba mẹ chị già lắm, giờ các cụ thực sự được yên tâm về con gái mình. Bà cụ nói, tuổi gì thì tuổi, chẳng ai sướng, cũng chẳng ai khổ cả đời. Sướng, khổ phần nhiều cũng là do con người đối đãi với nhau cả thôi...
Đàn bà tuổi Thân như chị từng hồi hộp, lo lắng, bởi sợ câu nói nhân gian vận vào đời mình. Nhưng đến bây giờ nhìn lại, chị yên tâm bước tới với tất cả những gì mình đang có - tuổi Thân đâu có khổ! |
Hoài Thu