Gia đình - nơi hình thành nhân cách
Một mái nhà trong ấm, ngoài êm, con cái ngoan hiền và trở thành những công dân sống có ích luôn là mong muốn của nhiều bậc cha mẹ. Vợ chồng chị Nguyễn Thị Kim Phượng, ngụ ấp Hòa Bình 2, xã Hiệp Hòa, huyện Đức Hòa thật hạnh phúc khi “sở hữu” một mái nhà và những đứa con như thế!
Kết hôn từ ngày còn là kế toán công ty lương thực ở Đức Hòa, những năm sau đó, 3 cô “công chúa” nhỏ lần lượt chào đời nên chị Phượng xin nghỉ việc ở nhà chăm sóc các con. Còn anh Năng - chồng chị Phượng, sau một thời gian công tác ở UBND huyện Đức Hòa, năm 1992, chuyển về tỉnh Tây Ninh công tác. Suốt thời gian chồng làm việc xa nhà, bao nhiêu lo toan trong cuộc sống gia đình nặng oằn trên đôi vai chị. Thấy vợ vất vả, năm 1993, anh Năng xin nghỉ việc, về cùng gánh vác với chị. Kể từ đó, 2 vợ chồng vừa làm ruộng, vừa nuôi dạy các con nên người.
Không phụ lòng mong mỏi, công ơn dạy dỗ của mẹ cha, từ bé đến lớn, 3 cô con gái của anh chị đều chăm ngoan, học giỏi. 2 cô con gái lớn bây giờ có việc làm ổn định và gia đình riêng hạnh phúc. Người con đầu làm việc văn phòng tại Công ty Phân bón hóa sinh, người con gái kế làm tại Công ty Bảo hiểm Dầu khí. Cô con gái út hiện làm việc tại Ngân hàng Á Châu và tiếp tục theo học cao học. Cả 3 đều làm việc xa nhà, xa cha mẹ nhưng cuối tuần vẫn về thăm gia đình, tâm sự cùng mẹ biết bao điều trong cuộc sống.
Những hoạt động ngoại khóa giúp con người hình thành các kỹ năng tốt ngay từ lúc còn ngồi trên ghế nhà trường
Riêng chị Phượng từng được biểu dương là người con hiếu thảo. Suốt thời gian về làm dâu nhà anh Năng, chị lo lắng chu đáo cho cha mẹ chồng. Nói về bà xã, anh Năng vui vẻ: “Bà xã tôi xứng đáng là vợ hiền, dâu thảo. Vì vậy, tôi luôn động viên và cố gắng giúp đỡ, chia sẻ cùng vợ những vất vả trong cuộc sống”.
Những người mẹ, người cha giàu tình yêu, biết dạy dỗ con cái như vợ chồng chị Phượng góp phần hình thành đức tính tốt cho các con ngay từ khi còn bé. Và, những người con hiếu thảo, sống tốt như con chị Phượng là con người mới trong thời đại ngày nay.
Phải tự ý thức
Toàn tỉnh hiện có hơn 96% gia đình văn hóa (GĐVH). Những GĐVH này chính là chiếc nôi nuôi dưỡng tâm hồn, nhân cách con người, là nơi ươm những “hạt mầm” mùa xuân. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra, GĐVH được công nhận với tỷ lệ khá cao trong khi đạo đức ở không ít gia đình lại xuống cấp. Trong cuộc sống, chẳng có cha mẹ nào dạy con mình làm những điều có lỗi, nhưng rồi, việc con ruồng rẫy mẹ cha, chồng giết vợ, con giết cha,... vẫn còn xảy ra. Phải chăng, việc bình xét GĐVH chưa thực sự đúng chất? Theo một người dân ở xã Mỹ Hạnh Nam, huyện Đức Hòa: “Những tiêu chuẩn GĐVH cần đúng thực chất, cụ thể để nhân rộng, lan tỏa trong cuộc sống chứ đừng chạy theo số lượng. Bởi, GĐVH đúng chất mới là tế bào lành mạnh cho xã hội, là nơi rèn nhân cách con người tốt nhất”.
Ngoài gia đình, nhà trường chính là môi trường thứ 2 hình thành nhân cách con người. Để có những con người mới với phẩm chất tốt, ngay những ngày ngồi trên ghế nhà trường, mỗi “hạt mầm” ấy phải được cung cấp, bồi đắp nhiều “dưỡng chất”. Bí thư Đoàn trường THPT Đức Hòa - Đỗ Thị Liêm Chính từng chia sẻ: “Ngoài việc dạy kiến thức văn hóa, nhà trường chú trọng giáo dục kỹ năng sống cho học sinh thông qua các buổi sinh hoạt ngoại khóa. Trường còn giáo dục tâm lý, sức khỏe sinh sản, đạo đức học sinh,... qua các câu lạc bộ, đội, nhóm và phong trào Đoàn. Đây là hành trang để mai này các em bước vào đời có đủ sự tự tin, kỹ năng ứng xử với môi trường sống”.
Xã hội bây giờ có quá nhiều cái xấu từ phim ảnh, trò chơi bạo lực, tệ nạn xã hội,... tác động nên mỗi người cần phải tự nhận thức để tránh xa thói hư, tật xấu. Các lớp dạy Học làm người con hiếu thảo, Học làm người có ích, Học kỳ trong quân đội,... và các hình thức tuyên truyền về xây dựng GĐVH, xây dựng con người mới và thực hiện phong trào xây dựng đời sống văn hóa được các tổ chức, đoàn thể quan tâm thực hiện. Tuy nhiên, đây chỉ là “điều kiện cần”, muốn là con người văn hóa thực sự, mỗi cá nhân phải tự ý thức xây dựng cho mình mục tiêu phấn đấu, lý tưởng sống cao đẹp, hướng đến những giá trị chân, thiện, mỹ trong cuộc sống.
Để xây dựng con người mới trong thời đại ngày nay, phải tiếp tục đẩy mạnh thực hiện phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa mang tính thực chất gắn phong trào thi đua yêu nước trên các lĩnh vực. Đồng thời, kịp thời biểu dương, khen thưởng, tuyên truyền những gương người tốt, việc tốt, nhân rộng những nhân tố điển hình đi đôi với phê phán, đẩy lùi những thói hư, tật xấu. Mặt khác, các đoàn thể cùng các phương tiện thông tin đại chúng đẩy mạnh tuyên truyền, đưa Nghị quyết 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” vào cuộc sống.
Con người mới - những “hạt mầm” mùa xuân, những nhân tố thúc đẩy sự tiến bộ, phát triển của xã hội sẽ đâm chồi, nảy lộc, phát triển lành mạnh về thể chất lẫn tâm hồn nếu có sự phối hợp đồng bộ giữa 3 môi trường từ gia đình, nhà trường đến ngoài xã hội trong việc giáo dục, nuôi dưỡng, hình thành nhân cách.
Con người mới - những “hạt mầm” mùa xuân, những nhân tố thúc đẩy sự tiến bộ, phát triển của xã hội sẽ đâm chồi, nảy lộc, phát triển lành mạnh về thể chất lẫn tâm hồn nếu có sự phối hợp đồng bộ giữa 3 môi trường từ gia đình, nhà trường đến ngoài xã hội trong việc giáo dục, nuôi dưỡng, hình thành nhân cách. |
Nguyễn Ngọc