Có thể khẳng định rằng, văn hóa của người Long An là một phần trong văn hóa dân tộc Việt Nam với những điểm nổi bật trở thành bản sắc, để khi nhắc đến Long An là nhớ ngay đến điều ấy. Thông qua văn học dân gian, văn học viết, các loại hình nghệ thuật, Long An hiện lên là vùng sông nước trù phú nhưng cũng gánh chịu sự khắc nghiệt của thiên nhiên. Nơi đây, bao đời nay con người sống nghĩa tình, “trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc”.
Quê hương Qua từng tác phẩm
Nói về đặc sản tỉnh nhà, mảng văn học dân gian đề cập khá nhiều. Long An có gạo Nàng Thơm Chợ Đào (xã Mỹ Lệ, huyện Cần Đước) ngon nổi tiếng, có câu Gạo Cần Đước, nước Đồng Nai để tôn vinh đặc sản này.
Ngoài ra, ở huyện Cần Đước còn nổi tiếng với nghề đóng ghe, xuồng. Có câu ca dao Ghe ai đỏ mũi xanh lườn/ Phải ghe Gia Định xuống vườn thăm em? (Cần Đước ngày xưa là huyện thuộc tỉnh Gia Định). Long An còn có rượu đế Gò Đen nức tiếng xa gần, có câu Ăn nem Thủ Đức, uống rượu Gò Đen. Nhạc sĩ Nguyễn Thanh Hải trong bài Hương Vàm Cỏ viết câu “Gò Đen ngất ngây men nồng say” làm xuyến xao người nghe lẫn người trình diễn.
.jpg)
Tác phẩm niềm vui của cô, tác giả Nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Lành đoạt Giải thưởng Văn học Nghệ thuật Nguyễn Thông lần 1, năm 2001
Đồng Tháp Mười hiện lên thật trù phú qua lời kể của học giả Nguyễn Hiến Lê. Nói về cá linh, ông viết: “Tháng mười là mùa của nó, nó theo nước trên đàng Thổ (Cao Miên) xuống, nhiều vô số kể. Tại phía trong miền Hồng Ngự nó lội đầy rạch, chỉ lấy thùng thiếc mà xúc. Hồi lúa rẻ, mỗi thùng chỉ bán có một cắc. Ăn không hết, làm nước mắm và mắm cũng không hết, có khi người ta phải đổ đi, hoặc dùng làm phân bón”. Trong phim Cánh đồng hoang của đạo diễn Nguyễn Hồng Sến, thiên nhiên Đồng Tháp Mười hiện lên thật giàu có và cũng đầy khắc nghiệt bởi vậy có câu Tháp Mười vô dễ khó về/ Mỹ vô bỏ xác ngụy về bỏ thây.
Thiên nhiên ưu đãi, thời tiết thuận lợi góp phần làm nên tính cách trọng nghĩa, hào sảng, phóng khoáng của người Long An. Trong Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc, cụ Đồ Chiểu viết: “Mười năm công vỡ ruộng, chưa chắc còn danh nổi tợ phao. Một trận nghĩa đánh Tây, tuy là mất tiếng vang như mõ”.
Tính cách ấy còn được nhà văn Nguyễn Hội thể hiện đậm nét trong tập tản văn Làm rể miền Tây: “Gia cảnh tuy nghèo mà ấm tình làng, nghĩa xóm. Nhà đông con, những sáu cô con gái và hai cậu con trai. Từ nhỏ cha mẹ đã uốn nắn, dạy bảo các con vào trong khuôn phép. Chị em nhường nhịn, yêu thương nhau, lễ phép với người trên kẻ dưới. Mỗi khi có anh em trên Đồn ghé nhà, câu đầu tiên, người phụ nữ lớn nhất trong gia đình vồn vã, cất tiếng vọng từ nhà trên xuống tới sau hè: “Mấy đứa nhỏ đâu rồi, đi mần cá, nấu cơm cho các anh ăn nha””.

Việc giữ gìn bản sắc văn hóa Long An có sự tham gia nhiệt tình của các bạn trẻ (Trong ảnh: Ban Tổ chức trao giải cho thí sinh đoạt giải trong cuộc vận động Sáng tác văn học thiếu nhi tỉnh năm 2023)
Qua những cuộc đấu tranh chống ngoại xâm, tính cách của người Long An lại càng được thể hiện đậm nét. Dân ta sẵn sàng vì nghĩa quên mình, dù chết vẫn không lùi bước. “Thác mà trả nước non rồi nợ, danh thơm đồn sáu tỉnh chúng đều khen. Thác mà ưng đình miếu để thờ, tiếng ngay trải muôn đời ai cũng mộ” (Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc).
Nói về sông Vàm Cỏ Đông, nhà thơ Hoài Vũ viết: “Đây con sông như dòng lịch sử/ Sáng ngời tên từ thuở cha ông/ Đã bao phen đoàn quân cảm tử/ Vùi đáy sông xác giặc tanh nồng”. Dòng sông Vàm Cỏ Đông từng diễn ra nhiều trận đánh của ta và giặc, nổi tiếng nhất là chiến công của Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực đốt tàu Pháp tại vàm Nhựt Tảo. Nhờ những câu thơ trên mà khi nhắc đến Vàm Cỏ Đông, thế hệ sau càng yêu mến, tự hào.
Các tác phẩm văn học, nghệ thuật trở thành "cầu nối" quan trọng trong việc truyền tải các giá trị văn hóa, lịch sử, giúp người dân trong tỉnh và cả nước hiểu rõ hơn về quê hương, quá trình đấu tranh, giành độc lập, tự do và xây dựng đất nước. |
Tự hào tiếp nối dòng chảy
Nhiều năm qua, thế hệ văn nghệ sĩ tỉnh nhà không ngừng sáng tác, quảng bá hình ảnh quê hương Long An. Theo Phó Chủ tịch Thường trực Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật tỉnh - nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Lành, cuộc thi ảnh Long An quê hương tôi được duy trì đến nay là lần thứ 36. Những nghệ sĩ sáng tác hàng ngàn bức ảnh để quảng bá quê hương, đất nước, con người Long An. Các tác phẩm này mang tính nghệ thuật cao, ý nghĩa lớn, tạo hiệu ứng cộng đồng mạnh mẽ.
Một số sự kiện văn học, nghệ thuật được quan tâm, đầu tư như Giải thưởng Văn học Nghệ thuật Nguyễn Thông 5 năm/lần. Tỉnh có 2 tác phẩm thơ và nhiếp ảnh được tôn vinh cấp quốc gia giai đoạn thế kỷ XX. Ngoài ra, các tác phẩm tham gia các hoạt động sáng tác, hội thi, hội diễn liên hoan, triển lãm cấp khu vực và toàn quốc đạt nhiều kết quả cao.
Đặc biệt, các bạn trẻ rất thiết tha với văn hóa tỉnh nhà. Trong cuộc vận động Sáng tác văn học thiếu nhi, em Đỗ Thị Ngọc Châu (Trường THPT Chuyên Trần Văn Giàu) đoạt giải Nhất thể loại văn xuôi với tác phẩm Cốt cách con người Châu Thành.

Đờn ca tài tử, cải lương là niềm tự hào của người dân Long An, góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa tỉnh nhà (Trong ảnh: Các nghệ sĩ thuộc Đoàn Nghệ thuật Cải lương Long An biểu diễn tại Vùng 5 Hải quân)
Một số bài hát hay về Long An được sáng tác như nhạc sĩ Lê Long Phiên với Long An khúc ca ân tình và Hát vang Long An trung dũng kiên cường; nhạc sĩ Nguyễn Thanh Hải với bài Hương Vàm Cỏ;...
Lĩnh vực đờn ca tài tử xưa nay vốn là niềm tự hào của người Long An. Nhạc sư Nguyễn Quang Đại lập Nhóm nhạc miền Đông tại xã Mỹ Lệ, huyện Cần Đước, đào tạo nên nhiều bậc thầy nổi danh (Nhóm nhạc miền Tây ở Bạc Liêu do nhạc sư Lê Tài Khị đứng đầu). Hiện nay, tại nhiều huyện trong tỉnh, các nhóm nhạc tài tử được thành lập bởi những nghệ sĩ yêu nghề. Họ tập trung người biết đờn, ca, tổ chức giao lưu định kỳ và đào tạo học trò nhằm gìn giữ nét văn hóa cao đẹp này.
Có thể thấy, bằng tài năng và những cảm nhận tinh tế, các nghệ sĩ đã giữ lại một phần ký ức quê hương qua tác phẩm. Cũng theo nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Lành, các tác phẩm văn học, nghệ thuật trở thành "cầu nối" quan trọng trong việc truyền tải các giá trị văn hóa, lịch sử, giúp người dân trong tỉnh và cả nước hiểu rõ hơn về quê hương, quá trình đấu tranh, giành độc lập, tự do và xây dựng đất nước./.
Châu Thanh