Tiếng Việt | English

09/05/2016 - 10:39

Về một bài thơ khuyến học của Tản Đà

Trên văn đàn và làng báo Việt Nam ở thế kỷ XX, chẳng mấy ai còn xa lạ với tên tuổi Tản Đà-Nguyễn Khắc Hiếu. Ông sinh năm 1888 và mất năm 1939.

Nhà thơ núi Tản sông Đà của quê hương Sơn Tây mà nhà văn Nguyễn Tuân đã đánh giá: “Trong chốn Tao Đàn, Tản Đà xứng đáng ngôi chủ súy; trong Hội tài tình, Tản Đà xứng đáng ngôi Hội chủ; mà làng văn làng báo xứ này dám ngồi chung chiếu với Tản Đà?”. Riêng với thơ, con người tài hoa ấy đã dành nhiều ưu ái cho giới nhà nghèo, nhất là nhà nghèo mà biết lo cho con ăn học.

Tôi nhớ hôm ấy, trong cuộc họp mặt của một dòng họ ở huyện Châu Thành (Long An) về động viên tinh thần học tập của con em trong họ tộc, một thành viên trong họ là cựu giáo chức - từng làm lãnh đạo cấp tỉnh trước khi nghỉ hưu - phát biểu kể lại quãng đời học trò nghèo của cô; rồi cô đọc mấy câu thơ của Tản Đà: “Con nhà khó nhiều bề vất vả/ Ngoài học đường thư thả được đâu/ Khi thời quẩy nước tưới rau/ Chợ tan đón gánh theo sau mẹ già”…

Đọc chưa hết câu thơ cô đã bật khóc. Có lẽ, đó là lúc hình ảnh người mẹ tuyệt vời tần tảo nuôi con ăn học của cô hiện lên trong tâm trí ràn rụa xúc động mà cô không kiềm nén được.

Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

Rồi cô kể, lúc cô sinh ra thì không có cha. Lớn lên cô mới được mẹ cho biết cha đi kháng chiến chống Pháp, rồi chống Mỹ. Để sự học của con không bị ảnh hưởng vì có cha “làm Việt cộng” trong khi cô có ước mơ làm nghề dạy học, mà hồi đó gia đình có dính líu đến “Việt cộng”, muốn vào trường sư phạm, nhất là Đại học Sư phạm Sài Gòn như cô, thật khó trăm bề, má cô đã phải chạy đôn chạy đáo để có cách “lách lý lịch” đặng cho cô được thi vào học trường này.

Những năm theo học Đại học Sư phạm Sài Gòn, má cô, như người mẹ đơn thân chịu đựng đủ mọi bề cực nhọc để lo cho cô được học tới nơi tới chốn đặng ra làm nghề dạy học. Mấy câu thơ trên của Tản Đà mà cô ngẫu nhiên bóc ra từ bài thơ “Cảnh vui của nhà nghèo”.

Bài thơ ra đời cách đây hơn 100 năm vẫn còn mang ý nghĩa nguyên vẹn ở thì hiện tại. Ở đây, cảnh nhà nghèo, con đông (con đi học, con bồng con dắt; lớn chưa khôn lắt nhắt thơ ngây). Vậy mà vợ chồng nghèo biết sống yêu nhau, hòa thuận, tảo tần vun đắp tương lai cho con cái. Sau một ngày lao động vất vả, chồng về nhà tắm rửa, nằm võng nghỉ ngơi một chút, trong lúc vợ đã nấu nướng xong, ngồi tựa cửa nhìn ra ngõ trước để dõi bóng từng đứa con đi học về. Khi các con về đủ, mâm cơm được dọn ra; cả nhà cùng quây quần bên mâm cơm muối dưa đạm bạc mà mọi người đồng điệu ăn thật ngon miệng. Hạnh phúc là “khi vui câu chuyện thêm giòn; chồng chồng vợ vợ con con một nhà”.

Ngày nay, chúng ta thường hay nói đến“bữa cơm gia đình”, coi đây là lúc để cả nhà sum hợp sau một ngày mỗi người theo một việc, ở một nơi. Tuy nhiên, ngày nay có không ít bữa cơm gia đình dọn lên thì không vắng mặt chồng cũng vắng mặt vợ, vắng mặt con…

Đọc báo hằng ngày, ta thấy nhiều mục nói về bữa cơm gia đình ông nọ bà kia giàu có thế, địa vị cao sang thế, mà chồng thì chạy theo danh lợi, vợ thì lao vào việc làm giàu, mỗi người ném cho con cái một mớ tiền để đi ăn tiệm hay tiêu xài gì tùy thích, còn mình thì vào nhà hàng, vào cuộc tiệc vui riêng… Rồi bi kịch xảy ra, biến cái tổ ấm thành địa ngục lạnh lẽo, vô cảm…

Có bữa cơm thịnh soạn mà thừa đũa thừa chén, vợ ngóng chồng, hoặc chồng ngóng vợ, hoặc vợ chồng cùng chống đũa chờ các con về mà chẳng thấy đâu, thì cũng chẳng vui gì. Vậy làm sao sánh được bữa cơm đạm bạc mà cả nhà đông đủ, có không khí ấm cúng, vui vầy. Sau bữa cơm, các con “ăn rồi học tối qua lại sáng”- đây đúng là những đứa con ngoan, thương yêu cha mẹ nên cố công học hành; lại siêng năng: Ngoài giờ học còn quảy nước tưới rau, còn đón gánh cho mẹ nhẹ vai sau buổi chợ tan...

Nhà thơ núi Tản sông Đà cũng nhắn nhủ người làm mẹ: “Mẹ thương con thì cố công nuôi”, và làm con: “Những con nhà khó kia ơi, có thương cha mẹ thì vui học hành”. Vui học hành, để mỗi ngày đi học là một ngày vui! Và, theo nhà thơ: “Ví chăng có chí có tài, khi nên trời cũng cho người làm nên”- Có chí thì nên. Cố công học tập, có ngày làm nên./.

Quế Hương

Chia sẻ bài viết