
Nhờ ứng dụng máy móc vào sản xuất mà sản phẩm rèn của anh Bùi Văn Khang (xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa) tăng chất lượng và số lượng
Lò rèn của anh Bùi Văn Khang tồn tại gần 100 năm, cha truyền con nối, anh là đời thứ 3. Anh Khang kể, hơn 10 tuổi đã tập làm nghề, đến nay gần 40 năm kinh nghiệm. Ai khởi thủy nghề này thì anh không biết, các cụ cao niên cũng chẳng rành nhưng hễ làm nghề thì ai cũng nhớ ơn tiền nhân - những người khơi nguồn để họ có "cơm ăn, áo mặc".
Công cuộc khai hoang mở cõi của các bậc tiền hiền, đa phần dùng sức người. Công cụ lao động chủ yếu là phảng, cuốc, liềm, vá xắn đất,... Có thể thấy, những lò rèn được hình thành xuất phát từ nhu cầu chinh phục tự nhiên của ông cha ta. Đến khi công cuộc khai hoang vùng Đồng Tháp Mười được đẩy mạnh thì thợ rèn làm ăn phát đạt. Anh Khang nói: “Khoảng 30-40 năm trước, các lò rèn làm cả ngày lẫn đêm. Xóm này đi đâu cũng nghe tiếng búa đập”.
Anh Khang ở gần Cầu Bông (ấp 4), người dân cất nhà sát nhau, quây quần thành một xóm đông đúc cạnh rạch Cây Gáo. Xưa không có điện, không có máy quạt, thợ rèn thường dậy từ sớm, đến trưa thì nghỉ để tránh cái nóng. Nguyên liệu, sản phẩm được vận chuyển bằng đường sông vì lúc đó giao thông bộ rất hạn chế. Giờ đường vào nhà anh Khang đã được đổ bêtông giúp việc giao thương được nhanh gọn, tiện lợi hơn.
Cha mẹ anh sinh 13 người con, có 7 người theo nghề. Con gái lấy chồng, cha anh bắt rể và truyền nghề, nhờ đó mà kinh tế gia đình các con dần ổn định. Ngày nay, nông dân ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất nên ít dùng nông cụ. Đó là một trong những lý do khiến nhiều lò rèn chuyên về liềm, cuốc, búa, vá,... ít khách và dần đóng cửa. Hiện tại, toàn xã Nhị Thành chỉ còn khoảng 25 hộ theo nghề, chủ yếu ở các ấp: 3, 4, 5.
Lò rèn của anh Khang làm dao bào - dụng cụ rất thường thấy trong nhà bếp. Theo anh Khang, sản phẩm này vẫn bị thị trường đào thải nếu người thợ cẩu thả, chạy theo lợi nhuận mà quên đi chất lượng. Chất lượng sản phẩm thấp rất khó cạnh tranh với hàng công nghiệp và khó tăng giá theo giá sắt thép. “Một cái dao bào nhìn nhỏ vậy nhưng phải trải qua gần 20 công đoạn mới cho thành phẩm. Có những bước cần kỹ thuật, chú tâm, nếu sơ sẩy là sản phẩm lỗi” - anh Khang nói. Nhờ chỉn chu từng bước, tỉ mỉ từng khâu mà sản phẩm của lò rèn Út Bé (tên thường gọi của anh Khang) có mặt khắp các tỉnh, thành Tây Nam Bộ. Những ngày giáp tết, anh phải tăng ca liên tục mới đủ hàng giao.

Công việc của người thợ rèn rất nhọc nhằn nhưng họ vẫn tâm huyết dù nghề này đang dần mai một
Cũng theo anh Khang, người theo nghề rèn đòi hỏi sức khỏe dẻo dai nên thường chỉ phù hợp với đàn ông. Đối với thợ rèn, chuyện đứt tay, chảy máu là bình thường; ngoài ra, họ hay bị khô mắt do tiếp xúc nhiệt độ cao, bị bệnh xương khớp vì ngồi lâu và lao động nặng. Vất vả là thế nhưng anh Khang vẫn rất yêu nghề. Đối với anh, nghề rèn là nghề ân nghĩa, nhờ nó mà cha mẹ anh nuôi cả gia đình. Nghề rèn còn là niềm tự hào của gia đình anh nói riêng và địa phương nói chung.
Anh Khang cho biết thêm, hiện tại, nhờ áp dụng máy móc hiện đại nên chất lượng và số lượng sản phẩm đều tăng, người thợ cũng đỡ vất vả hơn. Trong quá trình làm việc, anh không ngừng tìm tòi, cải tiến để sản phẩm ngày càng tốt, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của khách hàng. Năm 2024, anh được Hội Nông dân tỉnh trao chứng nhận Sáng tạo kỹ thuật của nhà nông với sáng kiến Nâng cao tính năng máy dập khuôn sản phẩm rèn.
Nhờ mối lái mấy chục năm nên đầu ra sản phẩm của anh ổn định. Mỗi ngày, anh cho ra lò hàng trăm sản phẩm, tạo việc làm cho một số lao động địa phương. Hiện tại, người con trai của anh đã biết nghề và mong muốn nối nghiệp cha. Bản thân anh Khang được UBND tỉnh công nhận thợ giỏi.
Chúng tôi hỏi những người thợ rèn tâm trạng khi nhìn thấy nghề truyền thống dần mai một. Họ cười, có chút tiếc nuối nhưng không quá buồn bởi họ hiểu lẽ thịnh suy của cuộc đời, chẳng có gì là tồn tại mãi. Đối với họ, còn quai búa nổi thì cứ nhiệt tâm, nhiệt thành, thời cuộc đổi thay thì linh hoạt ứng biến. Tiếng búa đập thưa dần nhưng tình yêu nghề vẫn cháy bỏng bởi những hình ảnh, âm thanh ấy vẫn còn đọng mãi trong tâm khảm những người con xóm lò rèn./.
C.Thanh