Tiếng Việt | English

15/05/2023 - 15:39

'Giữ lửa' nghề rèn

Mới 5 giờ, lò rèn của anh Nguyễn Nhân Thế (ấp 4, xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An) đã đỏ lửa. Hơn 30 năm nay, anh Thế miệt mài bên lò, khói bụi để cho ra đời những sản phẩm thủ công tinh xảo và trở thành một trong những thợ giỏi của làng nghề rèn truyền thống.

Anh Nguyễn Nhân Thế có hơn 30 năm gắn bó với nghề rèn

Chúng tôi đến thăm gia đình anh Thế vào buổi sáng như đã hẹn. Vừa đến cổng, đã nghe âm thanh chan chát của búa với đe nện vào nhau. Trong căn nhà nhỏ, anh Thế ngồi bên bếp lửa đỏ rực, miệt mài với công việc. Vừa thuần thục đưa thanh sắt vào lò nung, thỉnh thoảng lại nâng búa đập liên tục xuống miếng sắt đã nung đỏ đặt trên đe, anh Thế vừa chia sẻ với chúng tôi về nghề rèn truyền thống.

“Trước đây, người dân ở làng nghề rèn sống chung với tiếng búa, kiếm tiền cũng nhờ tiếng búa. Thời cha tôi, nghề rèn là kế sinh nhai của cả gia đình. Vì vậy, tiếng búa chan chát quanh năm với hình ảnh chồng đánh búa, vợ mài dao rất quen thuộc. Sau này, các nhà máy, khu công nghiệp mọc lên ngày càng nhiều, các hộ làm nghề cũng thưa dần. Nhiều gia đình bỏ nghề vì không thể cạnh tranh với thị trường” - anh Thế chia sẻ.

Gắn bó với nghề rèn từ nhỏ, anh Thế tâm niệm phải cố gắng giữ gìn và phát huy nghề rèn truyền thống của gia đình. Trước đây, anh thường làm dao, liềm, do nhu cầu của thị trường nên hiện nay anh chỉ làm dao bào. Anh Thế cho biết: “Để rèn ra một cái dao bào phải trải qua hơn 10 công đoạn như cắt sắt tạo hình, nung lửa, đập cho tới khi định hình được sản phẩm, mài cho sắc và làm chuôi cầm. Hiện trên thị trường có nhiều sản phẩm làm công nghiệp có kiểu dáng, kích thước đa dạng, giá thành rẻ nhưng sử dụng không được bền. Điểm khác biệt của dao bào mà tôi làm là chỉ có khâu dập mới làm bằng máy, tất cả công đoạn còn lại đều làm thủ công nên có độ sắc bén, sử dụng lâu bền, được khách hàng ưa chuộng hơn sản phẩm làm bằng máy”.

Trung bình một ngày, anh Thế cùng 2 người thợ làm được 50-60 cái dao bào. Sản phẩm được bán cho các tiểu thương tại một số chợ ở TP.Tân An với giá từ 20.000-70.000 đồng/cái, tùy theo kích thước. Được biết, mỗi tháng, sau khi trừ các loại chi phí, anh Thế thu được lợi nhuận khoảng 10 triệu đồng từ nghề rèn.

Thực tế cho thấy, nghề rèn rất vất vả nhưng lợi nhuận không nhiều, chủ yếu lấy công làm lời. Thế nhưng, với anh Thế, việc “giữ lửa” nghề truyền thống không bị mai một theo năm tháng vừa là trách nhiệm, vừa là niềm tự hào. Và vinh dự hơn khi anh được Chủ tịch UBND tỉnh tặng danh hiệu Thợ giỏi nghề rèn vào năm 2018. Đây là động lực to lớn giúp anh tiếp tục gắn bó với nghề.

Chia sẻ với chúng tôi những dự định sắp tới, anh Thế mong muốn có thể mở rộng quy mô sản xuất, giới thiệu, quảng bá sản phẩm để nhiều người biết đến sản phẩm của làng nghề rèn truyền thống Nhị Thành. Qua đó, góp phần gìn giữ và phát huy nghề rèn truyền thống của quê hương./.

Huỳnh Hương

Chia sẻ bài viết


Hiểu rõ gen z là gì Hướng dẫn đọc sách online hiệu quả