Trường học tại Thanh Phú được xây dựng khang trang
Thanh Phú thay “áo mới”
Về nơi đầu tiên của tỉnh được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới, chúng tôi nhận thấy, huyện Bến Lức có nhiều thay đổi, nhất là xã Thanh Phú. Thanh Phú được công nhận xã văn hóa - nông thôn mới (NTM) và là 1 trong 2 xã đạt 19/19 tiêu chí NTM theo bộ tiêu chí mới của tỉnh.
Thanh Phú từng là trọng điểm của chiến trường phía Nam Sài Gòn, nơi đặt các cơ quan đầu não của đội quân xâm lược và chính quyền tay sai. Những hình ảnh ngày nay như nơi đặt căn cứ của Trung đoàn quyết tử Chợ Lớn - tiền thân của Chi đội 14 (ấp 1B), cầu cảng Thanh Phú (nơi địch lập bót Thanh Hà trong 2 cuộc chiến), miếu Bà Cố (nơi diễn ra nhiều trận đánh của quân và dân Thanh Phú),... là những chứng tích một thời khói lửa. Với thành tích đặc biệt xuất sắc, năm 1998, Thanh Phú được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.
42 năm, sau ngày miền Nam giải phóng, thống nhất đất nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Thanh Phú tập trung phát triển KT-XH, từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân. Nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại - dịch vụ có bước phát triển đáng kể. Nhiều công ty, xí nghiệp đi vào hoạt động, góp phần tạo việc làm cho người dân địa phương.
Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Học tập cộng đồng xã Thanh Phú
Chủ tịch UBND xã Thanh Phú - Đặng Cửu Long cho biết, nhờ được chọn là xã điểm Về nguồn của tỉnh cùng sự hỗ trợ của huyện, Thanh Phú tập trung xây dựng các công trình giao thông, thủy lợi, văn hóa, y tế, giáo dục,... Đến nay, các tuyến đường giao thông trên địa bàn xã được xây dựng hoàn chỉnh; hầu hết các đường trục xã, liên xã, đường trục ấp được nhựa hóa, cứng hóa đạt chuẩn NTM. Hệ thống kênh, mương nội đồng được nạo vét thường xuyên, thông thoáng, bảo đảm phục vụ sản xuất nông nghiệp. Thu nhập bình quân đầu người 40 triệu đồng/năm.
Hoạt động thông tin, văn hóa - văn nghệ có nhiều tiến bộ, góp phần tích cực trong tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước, phục vụ nhiệm vụ chính trị ở địa phương. Toàn xã hiện có 96% gia đình được công nhận gia đình văn hóa, 100% đơn vị đạt tiêu chuẩn nếp sống văn minh; tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 2,9%. Thanh Phú hiện có 240 gia đình chính sách, 4 Mẹ Việt Nam Anh hùng còn sống. Công tác chăm lo cho các đối tượng này được thực hiện chi trả các chế độ kịp thời.
Ông Nguyễn Lưu Truyền, ngụ ấp Tấn Long, là con liệt sĩ Nguyễn Hồng Tiên, được địa phương xây tặng nhà tình nghĩa, chia sẻ: “Tôi có 6 người con, đều lập gia đình. Hai vợ chồng tôi sinh sống trong căn nhà tạm. Hàng ngày, dù lớn tuổi, tôi vẫn đi làm mướn, vợ ở nhà chăn nuôi. Kinh tế khó khăn nên tôi không nghĩ đến việc xây nhà. Được hỗ trợ xây dựng căn nhà tình nghĩa, vợ chồng tôi mừng lắm!”.
Hiện Thanh Phú tiếp tục hoàn thiện và nâng chất các tiêu chí NTM. Hy vọng với những bước đi đúng đắn, sự hỗ trợ của trên cùng nỗ lực của địa phương, Thanh Phú ngày càng phát triển hơn.
Long Định ngày mới
Giống như Thanh Phú, sau chiến tranh, xã Long Định, huyện Cần Đước ra sức phát huy truyền thống anh hùng. Nếu như trước đây, Long Định được biết đến là xã thuần nông, người dân chủ yếu sống bằng nghề trồng lúa và dệt chiếu, thì nay, địa phương dần chuyển đổi theo hướng phát triển công nghiệp - dịch vụ. Toàn xã có 400ha đất quy hoạch phát triển công nghiệp. Ngoài Cụm công nghiệp Long Định - Long Cang, Khu công nghiệp Thuận Đạo mở rộng đi vào hoạt động, giải quyết việc làm cho lao động địa phương và các nơi khác. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm còn 1,86%.
Đường dẫn vào Khu công nghiệp Thuận Đạo mở rộng, xã Long Định
Thực hiện công trình trọng điểm theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X, người dân Long Định đồng thuận hiến 2,2ha đất xây dựng Đường tỉnh 830, đoạn qua xã với chiều dài 3,8km. Song song đó, cầu Long Kim được xây dựng, góp phần làm khởi sắc bộ mặt nông thôn. Từ đầu năm đến nay, với phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, xã bêtông và nhựa hóa 3 tuyến đường nông thôn với tổng kinh phí 1 tỉ đồng; hạ thế 3 đường dây điện, kinh phí 200 triệu đồng. Điểm nổi bật của xã là 6 cổng chào trên địa bàn 4 ấp được xây dựng khá đẹp mắt từ tiền đóng góp của dân (mỗi cổng chào 70 triệu đồng).
Phó Chủ tịch UBND xã Long Định - Lê Ngọc Danh thông tin, thực hiện chỉ đạo của huyện Cần Đước về lập thành tích đợt kỷ niệm 50 năm Long An được phong tặng danh hiệu “Trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc”, Đảng bộ, chính quyền và người dân Long Định ra sức thi đua. Qua hơn 1 năm phát động, kinh tế, văn hóa, xã hội, cải cách hành chính, toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, y tế, giáo dục cũng như hoạt động của MTTQ Việt Nam xã và các hội, đoàn thể đều phát triển vượt bậc. Mỗi đơn vị tùy vào nhiệm vụ, chức năng của mình mà vận động hội viên, đoàn viên, người dân trong xã cùng chung sức cho đợt thi đua này. Hiện, xã đạt chuẩn văn hóa vào năm 2015, phấn đấu đạt chuẩn NTM vào năm 2021.
Một trong những cổng chào được xã Long Định vận động người dân đóng góp
Đây chỉ là 2 trong rất nhiều địa phương trong tỉnh có sự đổi thay rõ nét. Theo Ban Thi đua - Khen thưởng tỉnh, đợt thi đua này có ý nghĩa đặc biệt khi tròn 50 năm Long An được Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam phong tặng tám chữ vàng. Dự kiến tại buổi lễ, ngoài một số nội dung quan trọng, có 26 tập thể được nhận bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh vì có thành tích xuất sắc.
Theo đó, về cụm thi đua cấp huyện, có 4 tập thể được khen tặng (bao gồm cụm 1 và cụm 2); 7 đơn vị thuộc 7 khối thi đua gồm khối Đảng, khối đoàn thể, khối cơ quan tổng hợp, khối các cơ quan kinh tế - kỹ thuật, khối các cơ quan văn hóa - xã hội, khối các cơ quan nội chính trực thuộc Trung ương và khối các cơ quan quản lý kinh tế trực thuộc Trung ương; về thi đua cấp xã, có 15 xã, phường, thị trấn trong tỉnh được nhận bằng khen./.
Thanh Nga