Tiếng Việt | English

14/05/2025 - 09:34

Vệt nắng xuyên Việt: Đây Đống Đa, Chi Lăng, Bạch Đằng (Bài 3)

Những ngày tháng 4 lịch sử, nhà báo Nguyễn Phấn Đấu - nguyên Trưởng Văn phòng Đại diện Báo Lao Động tại Đồng bằng sông Cửu Long, Trưởng ban Biên tập Tạp chí Văn Nghệ Long An, đã thực hiện chuyến đi xuyên Việt bằng ôtô. Chuyến đi cũng là dịp nhà báo được đến tất cả gần 50 tỉnh, thành (từ TP.HCM trở ra) trước khi thực hiện sáp nhập các tỉnh, thành phố trên cả nước. Báo và Đài Phát thanh Truyền hình Long An xin giới thiệu loạt bài Vệt nắng xuyên Việt của nhà báo.

Bài 3: Đây Đống Đa, Chi Lăng, Bạch Đằng

Trong lịch sử dựng nước và giữ nước hàng ngàn năm của dân tộc, có nhiều mốc son chói lọi gắn với tên tuổi của các vị anh hùng dân tộc. Trong chuyến hành trình xuyên Việt, chúng tôi cố gắng tìm đến các di tích, danh thắng gắn với tên tuổi các vị anh hùng, các trận đánh vang dội trong suốt chiều dài lịch sử, càng nhiều càng tốt.

26_100_ky-3-2-.jpg

Cố đô Hoa Lư

Từ quê Bác đến Cố đô Hoa Lư

Rời TP.Vinh đi về hướng Tây khoảng 15km, chúng tôi đến quê Bác ở làng Hoàng Trù, xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Đây là quê hương thân mẫu Bác Hồ - bà Hoàng Thị Loan, cũng là nơi ông Nguyễn Sinh Sắc được ông bà ngoại của Bác nhận nuôi dưỡng, giúp học hành. Cũng chính tại nơi này, ông Sắc và bà Loan nên duyên vợ chồng và sinh ra 3 người con ưu tú, trong đó có Bác Hồ kính yêu của chúng ta.

Trong khu di tích, hàng dâm bụt vẫn xanh mướt, được cắt tỉa gọn gàng, dẫn vào nơi Bác từng sống thời trẻ thơ ở quê ngoại. Trong khu di tích có 2 ngôi nhà chính. Ngôi nhà lớn là nhà của ông bà ngoại Bác. Ngôi nhà thứ 2 là nhà của cha mẹ Bác, do cụ Hoàng Xuân Đường cất cho vợ chồng đứa con gái ra ở riêng, cũng là nơi cậu bé Nguyễn Sinh Cung ra đời.

Vẫn còn đó tấm vải màn thưa nhuộm nâu che chiếc giường tre nhỏ, nơi bà Loan đã sinh ra 3 người con, trong đó có Chủ tịch Hồ Chí Minh. Kề bên là chiếc khung cửi bà Loan dùng dệt vải, dệt lụa và chiếc võng gai đơn sơ nơi Bác Hồ từng chìm trong giấc trưa hè trong lời ru êm đềm của mẹ... Xin cảm ơn căn nhà đơn sơ, cảm ơn khung cửi, chiếc võng gai đã sản sinh, nuôi dưỡng một con người kiệt xuất làm rạng rỡ non sông Việt Nam!

26_456_ky-3-1-.jpg

Thăm quê Bác

Rời huyện Nam Đàn, chúng tôi tiếp tục cuộc hành trình, ghé thăm TP.Thanh Hóa và dùng cơm trưa. Bữa cơm có nhiều món hải sản từ biển Sầm Sơn mang về. Chợt nhớ, tôi gọi món rau má xào nhưng không có, người chủ quán cho biết ở Thanh Hóa giờ ít người ăn rau má và cũng chẳng còn ai rảnh rang đi “phá đường tàu” khi mà các khu công nghiệp, các nhà máy mọc lên khắp nơi mời gọi mọi người vào làm việc.

Tiếp tục theo Quốc lộ 1 về hướng Bắc, chúng tôi ghé thăm đền Bà Triệu (huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa), “cưỡi ngựa xem hoa” thị xã Bỉm Sơn và kết thúc ngày thứ 5 chuyến đi tại cố đô Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình.

Cố đô Hoa Lư là nơi chứng kiến sự nghiệp dựng nước và giữ nước oai hùng của 12 năm triều Đinh (968-980), 29 năm triều Tiền Lê (980-1009) và đầu nhà Lý (1009-1010).

Tại vùng đất này, năm 968, Đinh Bộ Lĩnh đã dẹp loạn 12 sứ quân, lên ngôi Hoàng đế, lập ra nước Đại Cồ Việt, Hoa Lư trở thành đế đô đầu tiên của nước ta. Đến thời vua Lý Thái Tổ đã đưa ra quyết định dời đô từ Hoa Lư về Thăng Long. Quyết định lịch sử này đã kết thúc những tháng ngày huy hoàng của Hoa Lư.

Sau khi dâng hương đền vua Đinh Tiên Hoàng, đền vua Lê Đại Hành, chúng tôi có ý tìm viếng đền thờ “Hoàng hậu 2 vua” Dương Vân Nga, người đã chấp nhận mang tiếng oan để cứu nguy nước Đại Việt nhưng những người có trách nhiệm cho biết không có nơi thờ riêng bà Thái hậu, bà được thờ chung với vua Đinh Tiên Hoàng (chồng trước) và vua Lê Đại Hành (chồng sau của bà).

Đây Thăng Long - Đống Đa

Chia tay cố đô Hoa Lư, ghé viếng chùa Bái Đính, xong chúng tôi trực chỉ Hà Nội trên đường cao tốc, mất khoảng 2 giờ chạy xe. Thủ đô đón chúng tôi bằng 2 ngày mưa không ngớt. Nhờ vậy mà chúng tôi cảm nhận hết cái ngon của rượu nếp tám thơm ngâm đòng non nhậu với lòng lợn bên đê sông Hồng do những người bạn Hà Nội đãi khách phương Nam. Đã có một thời trên đê sông Hồng san sát quán thịt cầy nhưng giờ đã biến mất hoàn toàn.

Dự định sáng sớm lúc 6 giờ đến Lăng Bác để xem Lễ Thượng cờ hàng ngày nhưng cái lạnh đầu mùa của Thủ đô làm chúng tôi dậy trễ, khi đến nơi lá cờ Tổ quốc đã tung bay trước lăng. Quảng trường Ba Đình uy nghiêm, trầm mặc trong làn mưa nhẹ hạt.

Hồ Hoàn Kiếm cách Lăng Bác chỉ vài ba kilômét nhưng chúng tôi phải mất hàng giờ mới đến được do khu vực chung quanh hồ giờ cấm xe các loại. Mất nhiều thời gian để tìm chỗ gửi xe, xong chúng tôi đi bộ quãng đường dài để vào “Bờ Hồ”.

Buổi sáng mưa lất phất nên mặt Hồ Gươm không “lung linh mây trời” nhưng Tháp Rùa vẫn in bóng nước, cầu Thê Húc và đền Ngọc Sơn vẫn đông người. Trong tôi vang lên lời hát “Hà Nội đó niềm tin yêu hy vọng... Ơi Thăng Long, ngày nay chiến công rạng danh non sông...” (bài hát Hà Nội niềm tin và hy vọng - Phan Nhân).

Sau Lăng Bác, Hồ Gươm, Hồ Tây, đường Thanh Niên, cầu Long Biên, điểm cuối cùng chúng tôi chọn đến là Gò Đống Đa trước khi rời Thủ đô. Gò Đống Đa gắn với chiến tích Ngọc Hồi - Đống Đa quét sạch 29 vạn quân Thanh xâm lược. Hiện trên gò có đền thờ lớn thờ những anh hùng đã có công chống giặc ngoại xâm như Nguyễn Tri Phương, Hoàng Diệu, Lê Lai,...

Đặc biệt, nơi đây có tượng đài vua Quang Trung cùng 2 bức phù điêu ghi lại diễn biến chiến thắng Gò Đống Đa. Vào đêm mùng 4 rạng sáng mùng 5 tháng Giêng năm Kỷ Dậu (1789), trận đánh oanh liệt của nghĩa quân Tây Sơn đã khiến tướng nhà Thanh - Sầm Nghi Đống phải thắt cổ tự vẫn, đại quân của vua Quang Trung từ Ngọc Hồi tiến vào Thăng Long.

Tương truyền, do xác giặc quá nhiều, chôn thành những gò cao, về sau trên những gò này cây đa mọc um tùm nên người dân gọi là Gò Đống Đa. Năm 1989, TP.Hà Nội xây dựng Công viên Gò Đống Đa với tổng diện tích hơn 21.000m2.

Sừng sững núi Mã Yên

Chia tay Thủ đô ngàn năm văn hiến, chúng tôi lên đường đi thăm các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang trước khi nghỉ lại tỉnh biên giới Lạng Sơn. Đồng Đăng - Kỳ Lừa - Nàng Tô Thị - chùa Tam Thanh, những nơi đầu tiên đón bước chân chúng tôi.

Phố đi bộ Kỳ Lừa chưa thật sự ấn tượng xứng với tầm vóc lịch sử của nó; còn “Nàng Tô Thị” sau khi bị gió mưa làm sụp đổ, giờ có “Nàng Tô Thị” bằng xi măng được dựng lên thay thế; chỉ có chùa Tam Thanh là uy nghiêm, trầm mặc đúng như trong tâm tưởng của tôi.

Chia tay TP.Lạng Sơn, chúng tôi qua cầu Kỳ Cùng (bắc qua sông Kỳ Cùng) để đến di tích - danh thắng mà mọi người dân Việt đều muốn đến, đó là Ải Chi Lăng, nơi nghĩa quân Lam Sơn chém rơi đầu tướng Liễu Thăng, đánh tan tành quân Minh xâm lược.

Tôi đã từng mường tượng Ải Chi Lăng ở đâu đó sát biên giới nhưng thực tế, nơi tướng Liễu Thăng bị chém bay đầu ở sâu trong nội địa, cách biên giới khoảng 50km, thuộc huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn. Có thể ngày ấy, sau khi vượt qua biên giới khá dễ, không có sự kháng cự đáng kể nào, Liễu Thăng nghênh ngang tự đắc tiến về Thăng Long và đã bỏ mạng tại Chi Lăng.

Đứng tại Chi Lăng, nhìn các quả núi đắp nối với nhau thành chiến lũy, tôi khâm phục Lê Lợi và nghĩa quân đã quá “độc” chọn nơi mai phục, chặn đánh giặc xâm lược, để lại trận chiến Chi Lăng ngày 10 tháng 10 năm Đinh Mùi (1427) vang dội đi vào lịch sử. Núi Mã Yên có hình chiếc yên ngựa, nơi Liễu Thăng bị giết và quân giặc “mười phần chết chín”, sau gần 600 năm vẫn đứng sừng sững, hiên ngang.

Trên sông Bạch Đằng

26_253_ky-3-6-.jpg

Qua Ải Chi Lăng

Rời Ải Chi Lăng, chúng tôi xuôi về biển, tranh thủ ăn trưa trên tàu tham quan vịnh Hạ Long thuộc tỉnh “nhà giàu” Quảng Ninh. Xế chiều, dừng chân trên bờ một con sông mà khi nghe đến tên người dân Việt nào cũng tự hào, rạo rực. Đó là sông Bạch Đằng, thuộc huyện Thủy Nguyên, TP.Hải Phòng, dòng sông nổi tiếng với 3 trận thủy chiến chống quân xâm lược trong lịch sử nước ta, gắn với tên tuổi các bậc hào kiệt: Vua Lê Đại Hành, Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn và Đức Vương Ngô Quyền.

Tôi đã đi nhiều nơi trên đất nước nhưng chưa thấy khu di tích nào quy mô, bề thế như Khu di tích Bạch Đằng giang, thật xứng với tầm vóc lịch sử của nó. Nơi đây, từ thế kỷ X đến thế kỷ XIII diễn ra 3 trận quyết chiến chiến lược, cả 3 lần đều dùng trận địa cọc tiêu diệt quân thù, làm quân xâm lược Nam Hán, Đại Tống, Nguyên Mông bạt vía kinh hồn.

26_608_ky-3-4-.jpg

Sông Bạch Đằng nhìn từ Khu di tích Bạch Đằng giang

Quần thể di tích gồm nhiều đền đài lớn: Đền Bạch Đằng giang thờ Đức Ngô Quyền Vương, người khai sinh trận địa cọc Bạch Đằng, đánh thắng quân Nam Hán năm 938, chấm dứt 1.117 năm Bắc thuộc; Đền Tràng Kênh Vọng Đế thờ Đức vua Lê Đại Hành, năm 981, ngài đã tái tạo địa cọc của Ngô Quyền chặn đánh giặc Tống; Linh từ Tràng Kênh thờ Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn, người có công 3 lần đánh bại quân Nguyên Mông, đỉnh điểm là chiến thắng Bạch Đằng (năm 1288); Khu nhà bảo tàng trưng bày hiện vật cọc Bạch Đằng được bảo tồn nguyên trạng - chứng tích của chiến thắng Bạch Đằng;...

Đứng trên khu di tích cao rộng, nhìn sông Bạch Đằng mênh mông chảy xuôi ra biển lớn, tôi nghiệm ra rằng, với bề dày truyền thống yêu nước của dân tộc, việc đất nước ta vươn mình sánh vai các cường quốc chỉ là vấn đề thời gian và kỷ nguyên ấy đang đến!./.

(còn tiếp)

Nguyễn Phấn Đấu

 

Bài 4: Từ đất Tổ Vua Hùng đến cột cờ Lũng Cú - Hà Giang

Chia sẻ bài viết