Minh họa: Internet
Trước khi ngủ, mẹ thường đọc ca dao, kể chuyện dân gian cho anh em tôi nghe. Mấy chục năm trôi qua, tôi vẫn nhớ hình ảnh ba anh em nằm xếp lớp như cá mòi trên chiếc giường tre. Thằng Út được nằm sát mẹ, kế đến là nhỏ em giữa. Tôi là con đầu lòng, bị cho ra rìa, nằm xa mẹ nhất. Còn mẹ nằm sát mép giường, một tay làm gối để cho thằng Út gối đầu, tay kia mẹ cầm quạt mo cau phe phẩy theo từng câu chuyện cho đỡ nực và đỡ muỗi.
Tôi nhớ nhất là chuyện: Ngày xưa, có hai vợ chồng nghèo sống với đứa con trai nhỏ và người cha già bệnh tật. Một hôm, người vợ nói với chồng: “Nhà mình nghèo quá, làm lụng vất vả quanh năm suốt tháng mà không đủ ăn. Cha đã già rồi, lại thêm nhiều bệnh tật, thật là một gánh nặng cho mình. Anh hãy đóng một chiếc xe gỗ đẩy cha bỏ vào rừng để gia đình mình bớt đi một gánh nặng. Dù sao thì cha cũng già yếu rồi, không còn sống được bao lâu”. Người chồng nghe vợ nói vậy, liền đi tìm gỗ đóng xe.
Thấy cha đang loay hoay với đống gỗ vừa tìm được, đứa con trai nhỏ thắc mắc: “Cha chặt cây để làm gì mà nhiều quá vậy, cha?”. Người cha trả lời: “Cha sẽ đóng một chiếc xe gỗ để đẩy ông nội con lên rừng, nhà mình đang nghèo khổ quá, ông nội con cũng già yếu rồi, không sống được bao lâu nữa”. Đứa con liền nói: “Vậy, đẩy ông nội lên rừng rồi, cha nhớ đem chiếc xe gỗ về cho con với nghen!”. Người cha hỏi: “Con muốn giữ lại chiếc xe để làm gì?”. Đứa con trả lời: “Thì để mai mốt cha già, con cũng đẩy cha lên rừng như cha đẩy ông nội”. Người cha giật mình trước câu trả lời hồn nhiên của con trẻ và cũng bỏ luôn ý định của mình.
Trong lúc ba anh em tôi ôm nhau cười trước nỗi sợ của người cha trong câu chuyện thì mẹ nói: "Anh chị là tấm gương cho em út nhìn vô đó mà sống theo. Cho nên mình phải sống tốt thì người thân của mình mới sống tốt theo mình, tụi con có hiểu không?". Hồi đó, tụi tui nhỏ xíu, nghe thì nghe vậy thôi chứ đâu để ý nhiều đến mấy câu mẹ cắt nghĩa. Giờ nhìn lại, tôi thấy qua cách sống, mẹ đã để lại cho anh em tôi nhiều bài học quý giá.
Ba tôi câu được con cá, ếch nào lớn, mẹ đều dành phần ngon trong mâm cơm cho ông bà nội. Thật tình mà nói, hồi đó, ba anh em tôi không đứa nào thích gần gũi bà nội. Vì bà hay la rầy tụi tui và cả mẹ nữa. Thậm chí thằng Út có lần trách: “Ai biểu mẹ đẻ bà nội ra chi cho bà nội chửi tụi con suốt ngày vậy mẹ?” (Trong suy nghĩ ngô nghê của thằng Út thì mọi người trong nhà đều do mẹ đẻ ra, như mẹ đẻ nó ra vậy). Mẹ cắt nghĩa cặn kẽ: Con đừng nói vậy mà mang tội, bà nội sinh ra ba, ba sinh ra anh hai, chị ba và con. Ông bà nội lớn tuổi rồi, nhà mình phải yêu thương và lo lắng cho ông bà nội. Bà nội có la rầy gì là do bà nội yêu thương mình thôi, chứ không ghét gì mình hết, tụi con biết không?
Vườn nhà rộng có nhiều cây ăn trái, nhiều nhất là xoài. Đến mùa xoài, ba thường chặt cây trúc, đan một chiếc lồng để hái xoài. Anh em tôi phụ mẹ hái và đem xoài ra sân phơi dưới nắng nhẹ cho ráo mủ. Sau đó, mẹ dùng một tấm vải khô lau lại từng trái xoài, để vào những cái ky đất và phủ lên một lớp rơm khô. Vài ba hôm sau, xoài chín đều, thơm nức cả một gian buồng. Cũng có mùa xoài, mấy mẹ con bị “tổ trác”, xoài bị thúi nhiều hơn phân nửa. Tuy vậy, mẹ vẫn lựa mấy trái xoài ngon, biểu anh em tôi đem qua cho mấy người hàng xóm. Mẹ nói: Mình cho ai cái gì đó thì phải cho cái ngon, cái mình còn ăn được, không thì mang tội và mang tiếng suốt đời.
Thỉnh thoảng, có một cô mua ve chai nói giọng người miền ngoài ghé nhà vào những buổi trưa. Mẹ hay nói cô ngồi nghỉ mệt một chút, rồi mẹ gom dép đứt, mủ bể, lông gà, lông vịt,... ra bán. Trong lúc cô ve chai ngồi nghỉ, mẹ đi múc ca nước mưa mát lạnh hay lấy bánh trái gì có sẵn trong nhà mời cô ăn lấy thảo. Mẹ nói, người ta đi làm ăn xa xứ, gặp người đối xử tử tế, người ta sẽ vui trong bụng và nhớ hoài.
Gần nhà có cô Thanh lớn tuổi bị bệnh phong xù, tinh thần không ổn định. Người ta gọi cô là Thanh khùng. Tụi con nít trong xóm hay chọc ghẹo cô. Mỗi bận cô Thanh khùng ghé nhà xin củi tre, mẹ đều đối xử với cô như một người bình thường. Có khi mẹ cho cô ăn cơm, khi thì pha cho cô ly cà phê đá (dù lúc đó ở xứ tôi, cà phê còn hiếm và mắc tiền hơn bây giờ nhiều). Mẹ nói, mỗi người sinh ra trong cuộc đời đều mang một số mệnh nào đó. Tụi con đừng chọc ghẹo người ta mà mang tội...
Ba anh em tôi lớn lên bên mẹ từng ngày. Phần thể xác thì được mẹ chăm chút qua những bữa cơm với rau, củ vườn nhà và cá, ếch ba câu. Còn phần tâm hồn thì được những câu chuyện kể và cách sống của mẹ bồi đắp ngày một đầy đặn, xanh tươi. Có lẽ nhờ vậy mà ba anh em, đứa nào cũng biết dòm trước ngó sau, kính trên nhường dưới và nặng lòng trắc ẩn với những cảnh đời nghèo khó, khổ đau.
Năm tháng cuốn đi, xa dần tay mẹ. Những câu chuyện ngày xưa vẫn nằm ở đó, như một miền ký ức thiêng liêng. Cuộc sống bây giờ tiện nghi nhưng để nuôi được, dù chỉ một đứa con, phần lớn những người làm cha làm mẹ phải “đầu tắt mặt tối”, vất vả, áp lực rất nhiều. Nhiều người “cày ngày cày đêm” chỉ để lo cho con đủ đầy phần thể xác. Còn phần tâm hồn thì phó mặc cho người giúp việc, điện thoại thông minh, trò chơi trực tuyến,... Đừng hỏi tại sao bây giờ có nhiều người dễ nổi nóng, gây gổ, hành hung người khác, ẩu đả lẫn nhau. Trong những cái ác bị phanh phui mỗi ngày mà ta thấy được qua các phương tiện thông tin đại chúng, chắc hẳn phần lớn xuất phát từ những mảnh hồn rách nát, không được người thân, cha mẹ gần gũi để vỗ về, dạy dỗ cho những điều hay lẽ phải từ thuở ấu thơ.
Ba anh em tôi lớn lên bên mẹ từng ngày. Phần thể xác thì được mẹ chăm chút qua những bữa cơm với rau, củ vườn nhà và cá, ếch ba câu. Còn phần tâm hồn thì được những câu chuyện kể và cách sống của mẹ bồi đắp ngày một đầy đặn, xanh tươi. Có lẽ nhờ vậy mà ba anh em, đứa nào cũng biết dòm trước ngó sau, kính trên nhường dưới và nặng lòng trắc ẩn với những cảnh đời nghèo khó, khổ đau. |
Minh Tú