Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh - Nguyễn Văn Được (thứ tư, phải qua) và các thành viên trong đoàn tặng quà cho cán bộ, chiến sĩ trên đảo Sinh Tồn Đông trong hành trình “Vì Trường Sa thân yêu - Vì tuyến đầu Tổ quốc” năm 2019. (Ảnh TL: Kiên Định)
Bồi đắp tình yêu biển, đảo
Thời gian qua, các cấp, các ngành, địa phương trong tỉnh tích cực tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về biển, đảo; những cơ sở, chứng cứ lịch sử và pháp lý khẳng định chủ quyền của Việt Nam với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; phát triển bền vững vùng biển, đảo, các ngành kinh tế biển nhằm thu hút nguồn lực đầu tư, tăng cường tiềm lực kinh tế quốc gia và bảo vệ chủ quyền biển, đảo; tổ chức các hoạt động văn hóa - văn nghệ hướng về biển, đảo quê hương,... Qua đó, góp phần bồi đắp thêm tình yêu quê hương, đất nước, nâng cao nhận thức, trách nhiệm, cùng nhau hành động bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc trong các tầng lớp nhân dân.
Nhà giàn DK1 - cột mốc chủ quyền trên vùng biển phía Nam
Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy - Hoàng Đình Cán cho biết: “Thời gian qua, cùng với đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục kiến thức về chủ quyền biển, đảo, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tham mưu tổ chức đoàn cán bộ tỉnh thăm quân, dân huyện đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1; động viên, giúp đỡ về vật chất, tinh thần cán bộ, chiến sĩ và nhân dân hải đảo vượt qua khó khăn, yên tâm lao động, sản xuất, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa của Tổ quốc; phối hợp các cơ quan liên quan tổ chức triển lãm bản đồ và trưng bày tư liệu “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử pháp lý”;...
Góp phần nâng cao hiểu biết, bồi đắp tình yêu, trách nhiệm về chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc, thời gian qua, các trường học trên địa bàn tỉnh quan tâm, thực hiện hiệu quả việc tuyên truyền, giáo dục kiến thức cho học sinh (HS). Theo Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mộc Hóa - Phạm Thị Thái Thanh, cùng với việc nâng cao chất lượng dạy và học, các trường trên địa bàn huyện chú trọng tuyên truyền, giáo dục kiến thức về chủ quyền biển, đảo cho HS, thông qua các buổi sinh hoạt ngoại khóa, chào cờ đầu tuần, hội thi tìm hiểu kiến thức, vẽ tranh về biển, đảo quê hương và các tiết học chính khóa môn: Địa lý, Lịch sử, Giáo dục công dân. Qua đó, giúp HS nâng cao hiểu biết, ghi nhớ công ơn của các thế hệ cha ông đã hy sinh bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc; trở thành những “tuyên truyền viên” tích cực mang những kiến thức được học phổ biến đến người thân, gia đình, cộng đồng cùng chung tay bảo vệ chủ quyền biển, đảo quê hương.
Trách nhiệm của tuổi trẻ
Biển, đảo là một phần lãnh thổ trọng yếu của đất nước. Ý thức được tầm quan trọng này, thời gian qua, tuổi trẻ Long An triển khai nhiều hoạt động ý nghĩa, góp phần khơi dậy niềm tự hào và trách nhiệm trong mỗi đảng viên trẻ, đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) về biển, đảo.
“Hàng năm, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn hướng dẫn, chỉ đạo các cấp bộ Đoàn trong tỉnh triển khai, thực hiện cuộc vận động Nghĩa tình biên giới, hải đảo; phong trào Vì biển, đảo quê hương. Theo đó, các cơ sở Đoàn chủ động phối hợp tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa hướng về biên giới, biển, đảo của Tổ quốc: TN với biển, đảo quê hương; cuộc thi viết về biên giới và bộ đội biên phòng; hội thi văn hóa - văn nghệ Em yêu biển, đảo quê hương; Tổ quốc trong trái tim tuổi trẻ;... Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm và niềm tự hào của mỗi ĐVTN về biên giới, biển, đảo quê hương” - Bí thư Tỉnh đoàn - Võ Trần Tuấn Thanh thông tin.
Ngư dân luôn vươn khơi bám biển đánh bắt hải sản, góp phần bảo vệ ngư trường truyền thống, bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc
Cùng với đẩy mạnh truyền thông giáo dục thế hệ trẻ nâng cao hiểu biết, hình thành ý thức và trách nhiệm công dân của mình trong việc xây dựng, bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc, nhiều tổ chức Đoàn, Đội, Hội trường học trên địa bàn còn trang bị cho ĐVTN, thiếu nhi là HS những kiến thức về chủ quyền biển, đảo Việt Nam thông qua mô hình Cột mốc chủ quyền biển, đảo được xây dựng trong khuôn viên trường. Mô hình là không gian lý tưởng để HS trải nghiệm thực tế, có thêm kiến thức về vị trí địa lý, lãnh thổ đất liền, biên giới, biển, đảo Việt Nam.
Cột mốc bản đồ Việt Nam và 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu là không gian lý tưởng để học sinh trải nghiệm thực tế, có thêm kiến thức về vị trí địa lý, lãnh thổ đất liền, biên giới, biển, đảo Việt Nam (Ảnh tư liệu)
Mô hình Cột mốc bản đồ Việt Nam và 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa được Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu (xã Mỹ Lộc, huyện Cần Giuộc) triển khai, thực hiện vào năm học 2017-2018, từ nguồn kinh phí của tập thể giáo viên, phụ huynh, HS của trường. Qua mô hình dạy học trực quan này, nhà trường mong muốn giáo dục, nuôi dưỡng tình yêu quê hương, biển, đảo cho các thế hệ HS; giúp các em nhận thức đúng đắn về biển, đảo quê hương, hun đúc tình yêu, trách nhiệm bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường” - Bí thư Đoàn trường THPT Nguyễn Đình Chiểu - Trương Trần Hoàng Du chia sẻ.
Biển, đảo là một phần lãnh thổ thiêng liêng không thể tách rời của Tổ quốc được cha ông truyền lại. Trách nhiệm của người dân Việt Nam nói chung, tuổi trẻ nói riêng là ra sức gìn giữ toàn vẹn phần lãnh thổ này như lời Bác Hồ năm xưa đã dặn: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ nước./.
Phong Nhã