Tiếng Việt | English

02/12/2016 - 20:05

Visa điện tử: Bước đi đột phá hay chỉ là chuyển đổi công nghệ?

Visa điện tử được nhiều nước áp dụng. (Ảnh có tính minh họa/ Nguồn: AFP)

Nhà nước đã đầu tư 200 tỷ đồng vào hệ thống thiết bị để Bộ Công an thực hiện đề án visa điện tử và sẽ bắt đầu triển khai từ ngày 1/1/2017.

Quốc hội ​đã thông qua Nghị quyết về việc thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam. Việc làm này được các chuyên gia ngành du lịch đánh giá là bước đi đột phá, là một trong những giải pháp thể hiện sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, nhằm tạo điều kiện cho du lịch phát triển…

Tuy nhiên, đây mới chỉ là đề án thí điểm trong hai năm trong khi thực tế trên thế giới, các nước đã áp dụng phổ biến phương thức này từ lâu. Vậy các chuyên gia đầu ngành nói gì trước câu chuyện đổi mới này?

Khi du lịch bớt đi những “rào cản”

Theo Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn, Việt Nam bây giờ mới triển khai visa điện tử thì cũng không thể cạnh tranh với những nước đã “mở toang” với việc đã miễn visa cho khách du lịch quốc tế trước rồi, ví dụ như Thái Lan miễn visa cho 58 nước, Malaysia 158 nước, Philippines 168 nước, Indonesia 169 nước…

Các quốc gia đó đang sử dụng visa, tạo điều kiện cho visa như một công cụ, một phương thức, một chính sách quan trọng đầu tiên để thu hút và tăng trưởng số lượng khách quốc tế.

“Những thị trường chủ yếu ở khu vực châu Á không còn ‘rào cản’ nào đối với du khách. Do đó, visa điện tử là một bước tiến, nhưng bước tiến đó cũng chưa thể cạnh tranh với các nước trong khu vực như Nhật Bản và Hàn Quốc. Chúng ta đã chứng kiến sức tăng trưởng ngoạn mục của các nước này khi chính sách visa của họ được nới lỏng như thế nào,” Tổng Cục trưởng bày tỏ.

Vậy thực tế khi triển khai, visa điện tử có ưu thế gì so với loại hình visa cũ? Theo Bộ Công an đề xuất: visa điện tử ấn định sẽ có câu trả lời trong ba ngày về việc xin cấp visa, hiệu lực visa 30 ngày thay vì 15 ngày như trước, không giới hạn thị trường; phí visa trả trực tiếp qua hệ thống tài khoản ngân hàng sẽ giúp tránh được những khoản phí trung gian không cần thiết; cơ quan thực hiện sẽ là cơ quan Xuất nhập cảnh của Bộ Công an; đặc biệt, đơn xin cấp visa không cần phải thư bảo lãnh hay thư mời. 

(Ảnh có tính minh họa/ Nguồn: wheninmanila.com)

Thời gian thí điểm chỉ hai năm, trong khi thông báo quyết định đưa ra lại gấp gáp, trước ngày bắt đầu thực hiện có vài tháng. Liệu với chừng đó thời gian khách quốc tế có kịp “làm quen” với chính sách mới này?

“Chúng tôi sẽ có những cách thức nhằm tận dụng mọi phương tiện và mọi cơ hội để truyền thông trên diện rộng cũng như làm cho các thị trường du lịch biết được chính sách mới, ví du như: đưa lên trang web, facebook, làm việc và thông báo với các đại sứ quán các nước; đặc biệt, chúng tôi đã có một hệ thống dữ liệu về các công ty lữ hành quốc tế đưa khách đến Việt Nam, do đó việc gửi những thông tin mới rất dễ dàng…,” ông Nguyễn Văn Tuấn cho hay.

Trong thời đại công nghệ hiện nay, vị “nhạc trưởng” ngành du lịch rất tự tin khi khẳng định những thông tin mới sẽ được lan tỏa, phổ biến nhanh chóng và đi ngay vào cuộc sống.

Phép thử “thí điểm” 2 năm

Hiện tổng lượng khách từ các nước được miễn visa chiếm hơn 50% lượng khách quốc tế vào Việt Nam. Như thế có nghĩa, việc miễn visa mới thực sự cần thiết cho sự tăng trưởng của ngành du lịch. Còn việc triển khai visa điện tử sẽ tạo lợi thế cho những người có điều kiện và thích đi du lịch Việt Nam.

Về vấn đề này, ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho rằng: “Việc cấp visa điện tử chỉ là công cụ giúp du khách dễ dàng tiếp cận hơn với công việc thôi, chứ không phải là cuộc cách mạng. Tôi nghĩ, nhiều người đang ngộ nhận, khi Việt Nam triển khai cấp visa điện tử là có thể giải quyết xong các vấn đề liên quan đến thủ tục một cách dễ dàng. Không hoàn toàn như vậy, mà vẫn phải cùng làm nhiều việc một lúc. Công cụ visa điện tử chỉ giúp cho quá trình ‘mở cửa’ nhanh và tiện lợi hơn chứ không thay thế cho việc tiếp tục miễn visa cho những nước là thị trường trọng điểm.”

Nhiều nước trên thế giới đã miễn thị thực cho hàng trăm quốc gia. Do đó, các chuyên gia ngành du lịch mong muốn Chính phủ sẽ tiếp tục kế hoạch mà trước đây Chính phủ đã công bố vào tháng 5/2015 về việc tiếp tục nới rộng, miễn visa cho các nước là thị trường trọng điểm của du lịch Việt Nam.

Du khách quốc tế ghé thăm một triển lãm ảnh tại Việt Nam. (Ảnh: Nguyễn Thanh/TTXVN)

Tuy nhiên, trước khi “đường thông hè thoáng,” đơn giản được thủ tục nào cũng là đáng quý và có lợi cho du khách. Việc áp dụng quy chế mới sẽ giúp khách du lịch có thể làm visa trực tiếp mà không phải thông qua các công ty lữ hành bảo lãnh, không cần thư mời... Mặc dù vậy, cách làm này cũng không cản trở các công ty hay cơ quan Việt Nam bảo lãnh người, bởi trên mạng có cả ba loại hình cho các đối tượng khách tự do, đi theo công vụ và đi theo lời mời.

“Có một người bạn nói với tôi rằng, việc làm visa điện tử này giống như việc chúng ta đang đánh máy chữ chuyển lên gõ máy tính. Như vậy, đây chỉ là thay đổi công cụ, sự tiến bộ của công nghệ chứ không thay đổi quan điểm phát triển của một đất nước. Chúng tôi cũng băn khoăn rằng, đây chỉ là quy chế thí điểm trong hai năm. Khi chúng ta đã thay máy đánh chữ bằng máy tính rồi sau đó hai năm không lẽ lại vứt hết máy tính đi dùng lại máy đánh chữ?” ông Vũ Thế Bình thắc mắc./.

Mai Mai/Vietnam+

Chia sẻ bài viết