Bảng tuyên truyền về bảo vệ đường biên, mốc giới gắn trước cổng UBND xã Thạnh Trị
Quê nghèo vươn lên
Vào những ngày cuối năm 2016, về xã biên giới Thạnh Trị, người dân nơi đây đang tất bật chăm sóc vụ lúa Đông Xuân. Vụ này, toàn xã gieo sạ được gần 2.400ha, có khoảng 1.000ha thu hoạch trước Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017. Ước tính, năng suất bình quân khoảng 7 tấn/ha.
Ngoài cây lúa, vài năm trở lại đây, nông dân Thạnh Trị còn chuyển đổi cây trồng, vật nuôi mang lại hiệu quả như nuôi heo, trâu, bò, thủy sản. Tuy nhiên, phát triển mạnh nhất là nuôi bò, theo thống kê, hiện toàn xã có 1.700 con bò. Một trong những nguyên nhân số lượng đàn bò phát triển nhanh chóng là do lợi nhuận mang lại khá cao. Ông Nguyễn Thanh Bình - Chủ tịch Hội Nông dân xã cho biết: “Cũng từ phát triển chăn nuôi mà đời sống người dân ở xã được nâng cao. Hiện, xã chỉ còn 55/1.000 hộ là hộ nghèo”.
Với nội lực của địa phương, sự ủng hộ của người dân và nguồn vốn từ huyện, tỉnh đầu tư, xã đạt một số kết quả trong xây dựng nông thôn mới. Hiện, xã có 3 tuyến đường dài 7km được trải nhựa; các tuyến còn lại đều được trải đá, sỏi đỏ. Đầu tháng 12/2016, xã được đầu tư xây dựng cầu bắc qua sông Thạnh Trị có chiều dài 54m với kinh phí 4 tỉ đồng. Theo dự kiến, công trình hoàn thành trong năm 2017, tạo thuận lợi trong lưu thông, vận chuyển hàng hóa.
Trụ sở UBND xã, trung tâm học tập cộng đồng, trường tiểu học, THCS được đầu tư xây dựng khang trang. “Hiện xã hoàn thành 15/19 tiêu chí nông thôn mới, dự kiến đến cuối 2018, Thạnh Trị được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới” - Phó Chủ tịch UBND xã Thạnh Trị - Trương Văn Y cho biết.
Người dân tích cực bảo vệ đường biên, mốc giới
Xã Thạnh Trị có 14,2km đường biên tiếp giáp với xã Kh Sết và xã Nhô, huyện Kong Pong Rồ, tỉnh Svay Rieng, Vương quốc Campuchia với 5 vị trí mốc giới.Theo đánh giá, tình hình an ninh, trật tự trên địa bàn xã ổn định.
Xã có 210ha sản xuất giáp với nước bạn Campuchia, trong đó tập trung ở ấp 1 là chính. Những hộ dân có đất sản xuất giáp ranh và tất cả người dân ở xã đều tích cực tham gia các phong trào, mô hình bảo vệ đường biên, mốc giới và giữ gìn bình yên biên giới.
Đặc biệt, từ năm 2013 đến nay, thực hiện kết nghĩa với 2 xã giáp ranh của Campuchia, mối quan hệ giữa nhân dân, chính quyền càng trở nên thân thiết. Cũng từ đó, công tác phối hợp giữa nhân dân, chính quyền 2 bên biên giới về giữ gìn đường biên, mốc giới càng chặt chẽ hơn. Thượng tá Đoàn Văn An - Phó Chủ nhiệm Chính trị Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đánh giá, Thạnh Trị là một trong những địa phương làm tốt công tác bảo vệ đường biên, mốc giới.
Theo Trưởng ấp 1 - Lâm Văn Lâm, từ hoạt động tuyên truyền của Bộ đội Biên phòng cũng như chính quyền địa phương, người dân hiểu rõ hơn về trách nhiệm, nghĩa vụ của bản thân và gia đình trong việc bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới. Nếu phát hiện có điều gì ảnh hưởng đến lãnh thổ quốc gia, mất trật tự ở biên giới, người dân báo ngay với chính quyền để có hướng xử lý; đồng thời trao đổi, vận động người dân Campuchia giáp ranh cùng tham gia bảo vệ đường biên, mốc giới.
Cũng từ mối quan hệ thân thiết nên từ xưa đến nay, người dân xã Thạnh trị và người dân các xã giáp ranh sống hòa thuận, một nhát cuốc phạm vào đất của nhau cũng không hề xảy ra. Đặc biệt, người dân 2 bên còn cùng nhau phối hợp giữ gìn, bảo vệ đường biên, mốc giới và giữ gìn an ninh, trật tự trên tuyến biên giới.
"Dù cách nhau đường biên giới, khác nhau quốc gia nhưng người dân luôn sống tình cảm như anh em ruột thịt, hàng xóm tốt của nhau. Chúng tôi cũng có nhiều người bạn thân bên phía nước bạn Campuchia và có số điện thoại để liên lạc. Hàng ngày, người dân 2 bên vẫn qua lại, trao đổi, mua bán; dân bên mình cũng sẵn sàng chia sẻ với nông dân bạn về kỹ thuật sản xuất" - ông Nguyễn Văn Học, ngụ ấp 1 chia sẻ thêm./.
Lê Đức