Tiếng Việt | English

10/06/2021 - 09:42

Vun bồi tình yêu đất nước qua đờn ca tài tử

Đờn ca tài tử (ĐCTT) có một sức sống bền bỉ trong người dân. Tất cả huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh Long An đều có câu lạc bộ (CLB) ĐCTT sinh hoạt đều đặn. Người học ĐCTT cũng đầu tư bài bản hơn so với trước đây. Để có được sức sống mãnh liệt đó, nghệ thuật ĐCTT phải thay đổi, thích nghi với từng giai đoạn lịch sử nhất định, đáp ứng nhu cầu về văn nghệ, giãi bày tâm tư, tình cảm của người chơi.

Ở vị trí là người truyền nghề đờn ca tài tử, Nghệ nhân Ưu tú Hồng Cúc thường ưu tiên lựa chọn các bài bản mới, ca ngợi quê hương dạy cho học trò của mình

Những bài bản đờn ca tài tử tồn tại hàng thế kỷ 

Buổi sinh hoạt của CLB ĐCTT ấp Bình Xuyên, xã Bình Quới, huyện Châu Thành bắt đầu bằng một bài bản ca ngợi Bác Hồ. CLB ĐCTT ấp Bình Xuyên được thành lập khoảng 15 năm với gần 20 thành viên. Tuy nhiên, trong giai đoạn dịch bệnh, CLB chỉ tập hợp dưới 10 thành viên trong các buổi sinh hoạt. Trong các buổi đờn ca, thành viên CLB thường chọn hát các bài bản tài tử, vọng cổ theo chủ đề: Ngày 30/4, ngày Thương binh Liệt sĩ 27/7, mừng Đảng, mừng Xuân,… Chủ nhiệm CLB ĐCTT ấp Bình Xuyên - Phạm Thị Kỳ Vân cho biết: “CLB được thành lập để thỏa đam mê ĐCTT của các thành viên và phục vụ văn nghệ cho các hoạt động tại địa phương nên đề tài các bài hát cũng được chọn lọc kỹ hơn”.

Các thành viên CLB mỗi người đều có cho riêng mình vài bài “tủ”, trong đó, có nhiều bài ca ngợi quê hương, đất nước, truyền thống lịch sử của dân tộc. Ông Nguyễn Văn Tây - thành viên CLB, chia sẻ: “Từ khi còn trẻ, tôi đã biết nhiều bài bản tài tử, vọng cổ: Vị cha già của dân tộc, Tấm ảnh ngày xưa, Bước em đi, Nguyễn Văn Trỗi,... Hát những bài bản, vọng cổ đó, tôi cảm thấy tình yêu quê hương, đất nước được vun bồi”. Có những bài ca mà nội dung đã đi vào lịch sử hàng thế kỷ, đến nay vẫn còn được giới ĐCTT sử dụng: Bài Ái tử kê, một bài ca mượn chuyện tiếc thương con gà chết ngụ ý nói việc Mẹ Việt Nam Anh hùng bị giặc bắt đi, hạ sát, bỏ lại bầy con mất mẹ; bài Vui kháng chiến; bài Mẹ nhắn con trong đồn;...

Nhà nghiên cứu Văn nghệ dân gian - Võ Trường Kỳ nhận định trong tác phẩm ĐCTT Nam bộ: “Một tác phẩm ĐCTT có giá trị cả về nội dung, tư tưởng nghệ thuật, cả về ngôn ngữ âm nhạc và ngôn ngữ văn chương bao giờ cũng mang lại hiệu quả thẩm mỹ làm say lòng người, khách mộ điệu. Nó không chỉ thỏa mãn nhu cầu sáng tạo và thưởng thức nghệ thuật của công chúng mà còn mang lại hiệu quả giáo dục sâu sắc, tự nhiên cảm hóa về lý tưởng, đạo đức, lối sống con người, chí ít cũng giáo dục con người hướng thiện”.

Chính vì những giá trị đó mà nghệ thuật ĐCTT có thể tồn tại bền bỉ trong đời sống người dân. Các CLB ĐCTT thì hầu như địa phương nào cũng có. Có nơi lớn mạnh, tham gia giao lưu tại nhiều hội thi trong và ngoài tỉnh, có nơi chỉ là hoạt động giải trí, sinh hoạt của những người cùng đam mê. Khắp các miền quê, đâu đâu cũng có những người say mê ĐCTT và ngâm nga những bài ca ca ngợi Bác Hồ, quê hương, đất nước. Từ đó, tình yêu quê hương, đất nước ăn sâu vào lòng dân như cách ĐCTT sống trong dân.

Các bài bản tài tử, vọng cổ do tác giả trong tỉnh sáng tác được ưu tiên lựa chọn trong các lớp truyền nghề của Nghệ nhân Ưu tú Hồng Cúc

Gieo tình yêu quê hương, niềm tự hào dân tộc

Nghệ nhân Ưu tú Hồng Cúc chia sẻ, trước đây, các bài bản tài tử về đề tài lịch sử và quê hương, đất nước khá hạn chế do việc viết bài bản tài tử thường rất khó và đòi hỏi cao, chủ yếu là bài cũ dựa vào các điển tích cổ xưa. Tuy nhiên, những năm trở lại đây, khi các tác giả trẻ bắt đầu quan tâm sáng tác ĐCTT thì các bài bản tài tử trở nên phong phú hơn về đề tài.

Các bài ca tài tử nói về tình yêu quê hương, đất nước, lịch sử hào hùng của dân tộc, những sự kiện quan trọng của tỉnh và đất nước được các tác giả quan tâm sáng tác và ngày càng phong phú. Là người truyền dạy ĐCTT, Nghệ nhân Ưu tú Hồng Cúc thường ưu tiên lựa chọn các bài bản mới, ca ngợi quê hương dạy cho học trò. Nghệ nhân Ưu tú Hồng Cúc chia sẻ: “Nếu chỉ dạy các bài bản cũ sẽ rất nhàm chán và không phù hợp với xu thế phát triển chung. Do đó, trong quá trình truyền dạy, tôi ưu tiên chọn các bài bản do tác giả, soạn giả trong tỉnh sáng tác, nói về quê hương, đất nước, nông thôn mới, bầu cử,… để dạy học trò”.

“Nhớ ngày về quê

Em đưa anh qua cầu Kinh Nước Mặn

Là ước mơ bao đời nay có được

Giờ sang sông không phải lụy đò ngang”

Bài bản Nhớ miền hạ, thể loại bát ngữ của tác giả Trần Thịnh được ngân lên với giọng hát vui tươi trong lớp ĐCTT của Nghệ nhân Ưu tú Hồng Cúc. Bài ca có những địa danh quen thuộc và lấy chất liệu từ cuộc sống thường ngày nên được các học viên đánh giá là gần gũi, dễ ca và dễ cảm. Tác giả Trần Thịnh là tác giả trẻ, lại là tài tử ca nên anh có nhiều lợi thế trong quá trình sáng tác nhờ am hiểu giai điệu, niêm luật, âm vần trong thể loại ĐCTT. Ngày nay, giới tài tử, nghệ nhân ca trong tỉnh tham gia sáng tác nhiều hơn. Những sáng tác do nghệ nhân, tài tử ca sáng tác thường được giới tài tử đánh giá là dễ ca, không đòi hỏi quá nhiều kỹ thuật. Đó cũng là một trong những điểm ĐCTT trở nên thu hút hơn trong giai đoạn hiện nay.

Ngoài ra, nhằm làm phong phú thêm đề tài và số lượng bài ca tài tử, góp phần gìn giữ nghệ thuật ĐCTT, các địa phương thường xuyên tổ chức hội thi sáng tác lời mới, sáng tác bài bản ĐCTT theo chủ đề nhất định: Xây dựng nông thôn mới, sáng tác bài bản về quê hương, một vùng đất, địa danh nào đó,… Nhờ vậy, người chơi tài tử có nhiều lựa chọn hơn, nhạc tài tử trở nên gần gũi hơn với đời sống thường nhật của người dân và các tác giả có động lực hơn trong việc tìm tòi, sáng tác bài bản mới. Cùng với sự hỗ trợ của công nghệ, các sáng tác mới được phổ biến dễ dàng thông qua các kênh mạng xã hội hoặc các lớp truyền dạy ĐCTT.

Thông qua các bài bản mới được sáng tác mang hơi thở cuộc sống hiện đại, ĐCTT gieo vào lòng người chơi tình yêu quê hương, đất nước, lòng tự hào dân tộc. Sức sống bền bỉ cho đến ngày nay của nghệ thuật ĐCTT trong lòng người dân Nam bộ chính là nhờ sự gần gũi, bình dị vốn có./.

Quế Lâm

Chia sẻ bài viết