Đổi mới toàn diện
Tân Phước Tây là xã vùng hạ của huyện Tân Trụ, tỉnh Long An. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, từ ruộng đồng với gậy tầm vông, giáo mác, nhân dân Tân Phước Tây đã sớm có mặt trong buổi đầu kháng chiến khi thực dân Pháp trở lại xâm lược nước ta lần thứ 2 và liên tục cùng các tầng lớp nhân dân vượt qua mọi gian nan, thử thách, góp phần vào thắng lợi chung của cách mạng.
Tân Phước Tây đón nhận danh hiệu xã đạt chuẩn nông thôn mới
Trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ, nhân dân nơi đây vùng lên đồng khởi, lập xã chiến đấu, xây dựng Tân Phước Tây thành khu căn cứ du kích an toàn, là “đốt xương sống” của tuyến hành lang vận chuyển từ Nam lên Bắc lộ 4 của tỉnh, là địa bàn đứng chân để lực lượng của trên triển khai tấn công nơi khác. Với lối đánh dũng cảm, mưu trí, du kích Tân Phước Tây luôn gây cho quân địch nhiều tổn thất và bất ngờ.
Trải qua 2 cuộc kháng chiến trường kỳ, ruộng, vườn, nhà cửa bị tàn phá nặng nề, đường sá đi lại khó khăn, đời sống người dân rất khổ cực. Ấy vậy mà nay, rất nhiều công trình hạ tầng thiết yếu được đầu tư xây dựng làm thay đổi hoàn toàn bộ mặt nông thôn. Xã anh hùng đã thật sự “chuyển mình”, dấu vết chiến tranh gần như không còn nữa. Toàn xã hiện chỉ còn 47 hộ nghèo và 70 hộ cận nghèo. Thu nhập bình quân đầu người cuối năm 2021 đạt gần 52 triệu đồng.
Thông tin từ UBND xã, để nâng cao đời sống người dân, những năm qua, xã tập trung triển khai, thực hiện, đẩy nhanh tiến độ các công trình xây dựng cơ bản. Đồng thời, xã tích cực vận động chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp; tạo điều kiện để người dân tiếp cận các nguồn vốn vay với lãi suất ưu đãi; mở nhiều lớp chuyển giao khoa học - kỹ thuật sản xuất. Hàng năm, xã rà soát những hộ nghèo, gia đình gặp khó khăn và có biện pháp giúp đỡ, hỗ trợ kịp thời.
Một góc nông thôn xã Tân Phước Tây nhìn từ trên cao
Hưởng ứng phong trào xây dựng nông thôn mới, người dân không chỉ hiến đất mà còn đóng góp tiền của, ngày công lao động, chung tay cùng chính quyền địa phương “biến” những con đường lầy lội thành những con đường nhựa, bêtông, tạo thuận lợi cho việc đi lại, vận chuyển nông sản, vật tư xây dựng. Ven những tuyến đường là hàng cây xanh và hoa xen giữa những cột điện bêtông kết hợp hệ thống đèn thắp sáng làng quê. Bộ mặt nông thôn ngày càng khang trang, xanh, sạch hơn.
Hồi tưởng những ngày tháng gian khó, cựu chiến binh Võ Văn Hoàng (ấp 4, xã Tân Phước Tây) phấn khởi: “So với những năm đầu sau giải phóng, đời sống người dân đã thay đổi nhiều. Tân Phước Tây hôm nay không chỉ thoát khỏi đói nghèo mà đời sống của người dân được cải thiện toàn diện. Kết cấu hạ tầng được xây dựng, nâng cấp đạt chuẩn nông thôn mới, nhất là việc nâng cấp hệ thống cung cấp nước, đáp ứng nhu cầu sản xuất, sinh hoạt của người dân”.
Vượt khó vươn lên
Vùng đất Tuyên Thạnh xưa, nay là xã Tuyên Thạnh của thị xã Kiến Tường giữ vị trí quan trọng, nằm ở cửa ngõ biên giới Việt Nam - Campuchia, trên hành lang chiến lược của lực lượng cách mạng trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược. Nơi đây còn là căn cứ địa của lực lượng yêu nước và lực lượng cách mạng qua các thời kỳ. Với vị trí quan trọng như vậy, Tuyên Thạnh luôn là địa bàn đấu tranh quyết liệt giữa ta và địch.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân Tuyên Thạnh đã mưu trí, dũng cảm, bền bỉ chiến đấu chống lại kẻ thù, quyết tâm bảo vệ quê hương cho đến ngày toàn thắng. Dù phải chịu biết bao mất mát, hy sinh, người dân nơi đây vẫn một lòng một dạ đi theo con đường mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta lựa chọn, đó là giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng chủ nghĩa xã hội vì mục tiêu Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất lúa giúp nông dân Tuyên Thạnh giảm chi phí đầu tư, tăng lợi nhuận
Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, phát huy truyền thống cách mạng của cha ông, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Tuyên Thạnh cùng ra sức hàn gắn vết thương chiến tranh. Hệ thống thủy lợi, kênh, mương nội đồng được nạo vét, khơi thông thường xuyên, đê bao được xây dựng khép kín, tạo thuận lợi cho việc sản xuất nông nghiệp. Tỷ lệ hộ khá, giàu không ngừng tăng lên. Toàn xã hiện chỉ còn 17 hộ nghèo, chiếm 0,92% và 98 hộ cận nghèo, chiếm 5,33%.
Năm 2016, Tuyên Thạnh được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, diện mạo của xã đổi thay vượt bậc. “Trái ngọt” này nhờ sức mạnh ý Đảng - lòng dân cùng chung sức, đồng lòng thực hiện. Ông Đinh Văn Ri (ấp Gò Ớt, xã Tuyên Thạnh) bày tỏ sự vui mừng: “Trước đây, người dân trong xã muốn đi đâu đều phải dùng ghe, xuồng. Nay thì xe máy, ôtô có thể chạy đến tận nhà dân. Hệ thống trường, trạm được đầu tư đồng bộ. Nước sạch, điện sinh hoạt cũng bảo đảm”.
Chủ tịch UBND xã Tuyên Thạnh - Huỳnh Thanh Vinh cho biết: “Được sự quan tâm đầu tư của cấp trên, xã ưu tiên tập trung đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng nông thôn với phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm". Đường giao thông từ xã xuống ấp được mở rộng, bêtông hóa. Các trường học được xây dựng khang trang hơn, bảo đảm việc học hành của con em trong xã. Trạm y tế cũng được xây dựng kiên cố, góp phần chăm sóc tốt sức khỏe ban đầu cho người dân”.
Vượt qua những mất mát, đau thương của chiến tranh, vùng đất bom cày, đạn xới ngày nào nay là xã nông thôn mới. Niềm vui no ấm đang hiện hữu ở những vùng kháng chiến cũ./.
Kỳ Nam