Trụ sở UBND xã Tân Thành, huyện Mộc Hóa được quan tâm xây mới, tạo điều kiện thuận lợi trong công tác hành chính của Đảng bộ và nhân dân xã
Nông thôn đổi mới
Năm 1989, xã Tân Thành, huyện Mộc Hóa chính thức hình thành từ phần đất chia tách của xã Tân Lập. Trong kháng chiến, nơi đây diễn ra nhiều trận đánh lớn giữa quân, dân ta với thực dân Pháp. Trong đó, tiêu biểu là trận đánh vào đầu năm 1946 do đồng chí Trần Văn Trà chỉ đạo Chi đội 14 tổ chức đánh địch tại vàm rạch Cả Nổ (nay thuộc ấp Cả Nổ, xã Tân Thành) làm thất bại âm mưu tiến đánh Mộc Hóa của thực dân Pháp.
Chủ tịch UBND xã Tân Thành - Võ Văn Hiền cho biết: “Kế thừa và phát huy truyền thống cách mạng của các thế hệ đi trước, thời gian qua, trong điều kiện KT-XH còn nhiều khó khăn, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong xã phát huy sức mạnh tổng hợp, tập trung chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi, tạo động lực đẩy mạnh phát triển kinh tế nông nghiệp, nâng cao đời sống người dân, góp phần làm cho bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc”.
Đảng ủy và chính quyền địa phương đẩy mạnh chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật, ứng dụng vào sản xuất. Hàng năm, xã duy trì diện tích gieo trồng lúa trên 5.300ha, năng suất bình quân trên 6 tấn/ha; đồng thời, xây dựng mô hình cánh đồng lớn, mô hình ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất ven sông Vàm Cỏ Tây với diện tích trên 155ha. Bên cạnh đó, xã cũng quan tâm công tác giảm nghèo, giúp các hộ nghèo, cận nghèo tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất từ nguồn vốn Chương trình 135, nguồn vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội. Qua đó, góp phần giảm hộ nghèo còn 1,28%.
Đặc biệt, thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới (XDNTM), xã quan tâm đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, đến nay, hầu hết các tuyến đường trục xã đều được nhựa hóa, bêtông hóa; các tuyến đường liên ấp đều được cứng hóa, góp phần giúp xã đạt 12/19 tiêu chí NTM. Theo lộ trình, đến cuối năm 2022, xã Tân Thành sẽ về đích NTM.
Hệ thống giao thông nông thôn xã Tân Thành được quan tâm nâng cấp
Vui mừng trước diện mạo mới của địa phương, ông Nguyễn Văn Thạch (ấp Cả Đá, xã Tân Thành) bộc bạch: “Trước đây, điện, đường, trường, trạm,... chưa được đầu tư nhiều nhưng được sự quan tâm của các cấp, các ngành, xã đã vươn lên mạnh mẽ, đường giao thông nông thôn được nâng cấp, mở rộng; trường học, trạm y tế được xây dựng khang trang, đáp ứng nhu cầu của người dân”.
Nâng cao mức sống của người dân
Trải qua 2 cuộc kháng chiến, xã Tân Ninh, huyện Tân Thạnh là nơi ghi dấu nhiều chiến công của quân và dân ta, như chiến thắng trận Kinh Bùi năm 1953. Tiểu đoàn 309 phối hợp du kích xã Tân Ninh, Nhơn Ninh và địa phương quân Cai Lậy (Tiền Giang) tiêu diệt và bắt sống nhiều tên địch, thu nhiều súng và quân trang, quân dụng tại Kinh Bùi. Trận đánh này đã làm thất bại hoàn toàn cuộc càn quét có quy mô lớn của địch vào vùng căn cứ Đồng Tháp Mười; đồng thời, giành quyền chủ động tiến công về quân ta.
Sau ngày hòa bình, đời sống của người dân xã Tân Ninh còn nhiều khó khăn, đất hoang hóa, nhiễm phèn nặng với loang lổ những hố bom, mìn còn sót lại,... Trước khó khăn đó, cùng với sự hỗ trợ của tỉnh, huyện, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương tập trung khai hoang, mở rộng diện tích trồng lúa, khuyến khích nông dân thâm canh, tăng vụ,...
Xã Tân Ninh đầu tư xây dựng nhiều công trình thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp
Chủ tịch UBND xã Tân Ninh - Đoàn Văn Liệt cho biết: “Trong chiến tranh, xã được xem là vùng căn cứ địa cách mạng, người dân một lòng sắt son với sự nghiệp cách mạng. Sau ngày hòa bình, tuy đời sống còn nhiều khó khăn nhưng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân luôn đồng lòng xây dựng quê hương ngày càng phát triển”.
Nhằm nâng cao đời sống người dân, Tân Ninh quyết tâm xây dựng thành công xã NTM. Tuy xuất phát điểm thấp, hạ tầng chưa được đầu tư đồng bộ nhưng nhờ sự đồng lòng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương, Tân Ninh đã về đích NTM vào cuối năm 2015. “Thừa thắng xông lên”, xã tiếp tục củng cố, nâng chất các tiêu chí NTM, hướng đến XDNTM nâng cao. Đến nay, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt trên 59 triệu đồng/năm, 80% đường giao thông nông thôn được cứng hóa, 3 điểm trường trên địa bàn xã đều đạt chuẩn, 99,3% hộ dân có điện sử dụng, hộ nghèo giảm còn 2,07%.
Nhiều mô hình phát triển kinh tế mang lại hiệu quả, nâng cao mức sống cho người dân
Ông Trần Văn Út (ấp Kênh Tè, xã Tân Ninh) là nông dân sản xuất giỏi của địa phương. Ông cũng là người đi đầu trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên địa bàn xã. Hiện ông có hơn 3ha chanh không hạt và 1ha vú sữa hoàng kim trồng xen sầu riêng, cho thu nhập từ 400-700 triệu đồng/năm. Từ thành công của bản thân, ông Út sẵn lòng chia sẻ và giúp đỡ người dân xung quanh để cuộc sống ngày càng sung túc, ấm no.
Chiến tranh đã lùi xa, vùng kháng chiến cũ đang chuyển mình đổi mới. Tin tưởng rằng, thời gian tới, với những thành tựu đã đạt về KT-XH, các cấp ủy, chính quyền và nhân dân các địa phương tiếp tục đoàn kết, chung sức xây dựng quê hương./.
Bùi Tùng