Tiếng Việt | English

13/11/2024 - 08:54

Vững 'tay chèo', thoát nghèo bền vững

Nhà nghèo, đông anh em, lúc ra riêng, gia tài của vợ chồng anh Phan Văn Dũng (ấp Hựu Lộc, xã Long Hựu Tây, huyện Cần Đước, tỉnh Long An) chỉ có 3 cái lu để trữ nước ngọt, 3 cái nồi và 5 cái chén.

Không được học hành nhiều, anh chị chỉ có thể làm mướn để kiếm tiền nuôi con, lúc thì anh theo ghe lênh đênh trên sông Vàm Cỏ Tây, lúc thì đi xứ khác phụ hồ. Chị ở nhà vừa chăm con, vừa tảo tần bán buôn lặt vặt. Anh chị làm quần quật quanh năm nhưng vẫn không có dư bởi công việc không ổn định. Căn nhà lúc đó chật hẹp, ọp ẹp, nền thấp. Tháng 8, tháng 9 nước dâng, mỗi ngày 2 bận lớn ròng là đôi lần bì bõm.

Nhờ nỗ lực vươn lên, Anh Phan Văn Dũng (ấp Hựu Lộc, xã Long Hựu Tây, huyện Cần Đước) thoát nghèo, xây nhà khang trang

Bỗng một ngày anh Dũng đổ bệnh. Bác sĩ chẩn đoán anh bị viêm gan B (đến giờ vẫn uống thuốc đều đặn mỗi ngày). Cảnh nhà đã khó, nay lại càng túng hơn. Nhưng anh luôn tự động viên mình, bởi 2 đứa con đang đi học, bởi anh là lao động chính trong nhà, mình chị không thể gồng gánh nổi. Sau thời gian chạy chữa thuốc thang, sức khỏe anh cũng tương đối ổn, có thể đi làm lại nhưng việc không may lại đến.

Đứa con trai lớn của anh đang đi bắt cá thì đau bụng quằn quại vì viêm ruột thừa cấp, phải mổ gấp. Vết thương chưa kịp lành thì em lại bị ung thư xương. Những việc không may kéo đến trong thời gian ngắn khiến anh chị muốn ngã quỵ. Không có tiền đã buồn, nghĩ đến cảnh đứa con trai có nguy cơ mất một chân lại càng buồn hơn. Biết hoàn cảnh anh chị, chính quyền địa phương, người dân trong vùng chung tay “của ít lòng nhiều” giúp đỡ anh.

Gần 9 tháng, mỗi tháng 10 ngày, anh chị chở con đến Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình (TP.HCM) để vô thuốc. Đường sá xa xôi, một chân của con bó nẹp nhưng anh chị không có tiền thuê ôtô, phải chở bằng xe máy. Những ngày ở viện, anh chị xin cơm từ thiện qua bữa. Nhờ các bác sĩ tận tình cứu chữa nên chân em giữ được nhưng phải cặp inox và không thể co duỗi như bình thường.

Hoàn cảnh anh chị làm ai cũng thương. Với tinh thần “không để ai bị bỏ lại phía sau”, chính quyền địa phương hỗ trợ 50 triệu đồng để xây tặng anh chị ngôi nhà Đại đoàn kết. Nội, ngoại 2 bên, người dân trong vùng mỗi người cho mượn thêm một ít; thầu xây dựng hỗ trợ tiền công trả chậm;...

Anh chị cũng không đầu hàng số phận, tìm mọi cách nỗ lực vươn lên thoát nghèo. Sẵn có nghề sông nước, anh Dũng đi học bằng lái rồi xin làm tài công lái phà tại bến phà Hựu Lộc gần nhà. Khi được nhận, anh rất mừng. Biết đây là cơ sở vững chắc để thoát nghèo, anh luôn cẩn thận, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho khách sang sông. Chị cũng phụ chồng, bán bánh, trái cây cho khách lúc chờ phà. Thấy anh chị chí thú làm ăn, chính quyền lại tiếp tục hỗ trợ 10 triệu đồng để chị có vốn mở quán cháo ngay bến phà (chỉ hoàn trả lại 3 triệu đồng), sau đó hỗ trợ thêm 1 con trâu. Gia đình anh chị cũng thường được tặng quà như gạo, đường, mắm, muối,…

Con trai anh chị năm nay 24 tuổi. Thương cha mẹ, em quyết tâm vực dậy tinh thần sau biến cố. Em học hớt tóc, ra nghề gần 1 năm nay, nhờ đó có tiền phụ cha mẹ trả nợ và sửa sang ngôi nhà khang trang, tươm tất. Con gái anh chị 20 tuổi, cũng đang học nghề làm tóc.

Anh Phan Văn Dũng (ấp Hựu Lộc, xã Long Hựu Tây, huyện Cần Đước) hiện là tài công bến đò Hựu Lộc

Ngày trước, mỗi lần nhắc tới con là chị Điệp (vợ anh Dũng) lại khóc, nghĩ rằng con số khổ. Nhưng nay chị mừng hơn bởi con đã vượt qua nỗi đau, mạnh mẽ đứng lên xây dựng cuộc đời. Chị cũng rất vui khi gia đình đã thoát nghèo gần 2 năm nay; vui vì được chính quyền quan tâm, người dân thương mến. Chị nói từ bến phà Hựu Lộc tới chợ Kinh (xã Long Hựu Đông), chị mắc nợ rất nhiều. Số tiền không là bao, có người chỉ vài trăm ngàn đồng nhưng nghĩa tình thì nặng.

Khi nhắc đến gia đình anh Dũng, chị Điệp, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Long Hựu Tây - Lê Văn Tuấn bày tỏ sự đồng cảm và khâm phục. Theo ông Tuấn, việc chính quyền quan tâm, lo lắng, hỗ trợ người dân vươn lên thoát nghèo là việc làm thường xuyên nhưng cốt yếu là nỗ lực tự thân của họ.

Bến phà Hựu Lộc xưa chỉ có một chiếc ghe qua lại, bản thân anh Dũng từng vất vả chống chèo vì những con sóng cả. Nay Long Hựu Tây đang đi lên, ghe đã được thay bằng phà lớn. Trên chiếc phà ấy, anh Dũng vững “tay chèo”, hướng đến tương lai tươi sáng./.

Châu Thanh

Chia sẻ bài viết