Nhân dân chung tay tham gia xây dựng nền quốc phòng vững mạnh, toàn diện
Xây dựng thế trận lòng dân
Thời điểm này, tiết trời trở nên se lạnh, báo hiệu Xuân Canh Tý 2020 đang đến với mọi người, mọi nhà. Chạy dọc theo đường tuần tra biên giới, đoạn từ Cửa khẩu Quốc tế Bình Hiệp (xã Bình Hiệp, thị xã Kiến Tường, tỉnh Long An) đến Đồn Biên phòng Long Khốt (xã Thái Bình Trung, huyện Vĩnh Hưng), nông dân hai bên đường đang tất bật chăm sóc rau màu, dưa hấu phục vụ Tết Nguyên đán. Ông Nguyễn Minh Sơn, quê ở Đồng Tháp đến xã Bình Tân (thị xã Kiến Tường) thuê 2ha đất sản xuất, chia sẻ: “Năm nay là năm thứ 4, gia đình tôi đến khu vực biên giới này thuê đất trồng dưa hấu giống An Tiêm, Rồng Xanh phục vụ người dân vào dịp tết. Trước giờ, sản xuất ở đây, chúng tôi rất yên tâm, chưa từng xảy ra mất trộm dưa.Tình cảm người dân 2 bên khu vực biên giới luôn được giữ vững. Nhiều lần, tranh thủ lúc nghỉ ngơi, mấy bạn người Campuchia cũng qua trò chuyện, tìm hiểu kỹ thuật trồng dưa, trồng lúa sao cho đạt năng suất cao.Chúng tôi cùng nhau uống trà, thi thoảng cũng làm vài ly rượu đế với khô cá đồng được làm trong mùa nước nổi”.
Từ cánh đồng dưa hấu ngút ngàn, men theo đường tuần tra biên giới, đi thêm quãng đường chưa đầy 15km, chúng tôi khá ngạc nhiên khi nhìn thấy 5 căn nhà cấp 4, tọa lạc ấp Trung Môn, xã Thái Bình Trung, huyện Vĩnh Hưng vừa được xây dựng còn thơm mùi sơn, gạch mới. Hỏi người dân xung quanh, chúng tôi được biết, đây là điểm dân cư liền kề chốt dân quân biên giới, được xây dựng từ nguồn kinh phí hỗ trợ của Quân khu 7 và địa phương. Việc thi công, xây dựng nhà ở đây còn có sự hỗ trợ đắc lực về ngày công lao động của cán bộ, chiến sĩ bộ đội thường trực và dân quân tự vệ.
Chị Nguyễn Thị Ngọc là người đầu tiên dọn nhà về đây sinh sống, tâm sự: “2 tháng trước, gia đình tôi ở bên kia sông, cách đây khoảng 5km. Hưởng ứng chủ trương vận động của Đảng ủy, chính quyền địa phương, chúng tôi quyết định lên sát đường tuần tra này sinh sống bằng nghề kinh doanh tạp hóa và phục vụ các món điểm tâm sáng như cháo lòng, hủ tiếu, bánh canh bò, thịt heo. So với nơi sống cũ, việc buôn bán ở đây diễn ra không thuận lợi bằng, chủ yếu dựa vào khách vãng lai là nông dân đi làm lúa, dưa hấu theo mùa vụ,…Tuy vậy, chúng tôi vẫn quyết tâm bám trụ chờ ngày khởi sắc hơn”.
Cán bộ, chiến sĩ bộ đội thường trực và dân quân tự vệ thường xuyên đến thăm hỏi, động viên, hướng dẫn kỹ thuật canh tác cho người dân ở khu vực biên giới
“Lúc đầu, khi mới dọn về đây sinh sống, chúng tôi cảm thấy hơi buồn vì khá trống vắng. Cũng nhờ có lãnh đạo địa phương, cán bộ, chiến sĩ bộ đội thường trực và dân quân tự vệ thường xuyên tới lui động viên, an ủi, chúng tôi an tâm sinh sống. Bây giờ, cùng với hoạt động chăm lo phát triển kinh tế, chúng tôi luôn quyết tâm bảo vệ đường biên, cột mốc; phát hiện những đối tượng có dấu hiệu khả nghi, kịp thời báo cho lực lượng chức năng có biện pháp xử lý kịp thời, góp phần gìn giữ cho quê hương mãi được thanh bình” - ông Lê Ngọc Đẹp bộc bạch.
Theo Bí thư Đảng ủy đồng thời là Chủ tịch UBND xã Thái Bình Trung - Trần Thị Yến, 5 căn nhà ở đây được bố trí xây dựng cách đường tuần tra biên giới từ 150 - 900m, mỗi căn từ 80 - 100m2, kinh phí 140 triệu đồng; trong đó, Quân khu 7 hỗ trợ 100 triệu đồng, địa phương 40 triệu đồng. Ngoài ra, địa phương còn đầu tư gần 800 triệu đồng đưa điện và nước sạch đến từng hộ dân.Việc xây dựng điểm dân cư liền kề chốt dân quân biên giới nhằm hình thành lực lượng tại chỗ và chỗ dựa vững chắc hỗ trợ cho các lực lượng làm nhiệm vụ trên tuyến biên giới.
Được biết, điểm dân cư liền kề chốt dân quân biên giới Thái Bình Trung là 1 trong 4 điểm dân cư liền kề chốt dân quân biên giới được UBND tỉnh triển khai, thực hiện trong giai đoạn 1 năm 2019. Qua đây, góp phần thực hiện chính sách “An dân giữ đất biên cương” nâng cao sức mạnh tổng hợp của thế trận lòng dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, biên phòng toàn dân; đồng thời, tăng cường tiềm lực kinh tế, quốc phòng - an ninh trên biên giới, tăng cường sức mạnh phòng thủ bảo vệ Tổ quốc.
Vì bình yên biên giới
Góp phần giữ gìn an ninh vùng biên giới, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị và phát triển, thời gian qua, chiến sĩ bộ đội thường trực và dân quân tự vệ trong tỉnh phối hợp chặt chẽ lực lượng công an nhân dân, bộ đội biên phòng thực hiện hiệu quả nhiều mô hình: Biên giới bình yên, nội biên vững mạnh, Tiếng kẻng an ninh, Tiếng mõ tre chống cướp,... Qua đó, tình hình an ninh, trật tự ở khu vực biên giới trong tỉnh luôn được giữ vững; hoạt động trộm cắp, cướp, tệ nạn xã hội như đá gà ăn tiền, cờ bạc,... gây tâm lý hoang mang trong quần chúng nhân dân, gây mất ổn định khu vực biên giới từng bước được kéo giảm đáng kể.
Mô hình Tiếng kẻng vùng biên góp phần đẩy mạnh phong trào toàn dân phòng, chống tội phạm, bảo vệ an ninh biên giới
Là 1 trong 20 xã biên giới, thời gian qua, xã Thạnh Trị, thị xã Kiến Tường triển khai hiệu quả mô hình Tiếng kẻng vùng biên. Trưởng ban Chỉ huy Quân sự xã Thạnh Trị - Nguyễn Văn Khánh cho hay: “Địa phương có đường biên giới dài hơn 14km, tiếp giáp với huyện Kampong Rou, tỉnh Svay Rieng, Vương quốc Campuchia, mô hình Tiếng kẻng vùng biên đã góp phần rất lớn trong việc đẩy mạnh phong trào Toàn dân phòng, chống tội phạm, bảo vệ an ninh biên giới và đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của nhân dân. Quá trình tổ chức mô hình đã thực hiện tốt quy chế phối hợp giữa các lực lượng trên biên giới, tạo được sự đoàn kết, thống nhất, cùng hỗ trợ nhau bảo vệ biên giới.
Bà Trần Thị Bé Bảy, ngụ ấp 2, xã Thạnh Trị, bày tỏ: “Khi phát hiện đối tượng gây rối an ninh, trật tự hoặc vận chuyển hàng hóa trái phép, tôi chỉ cần đánh kẻng thì cả xóm cùng đánh kẻng, hưởng ứng truy bắt kẻ xấu. Nhờ vậy, các đối tượng xấu gần như không dám hoạt động ở nơi đây, người dân không còn phải thấp thỏm lo lắng về tệ nạn trộm cắp như trước”. “Bên cạnh chủ động phối hợp các lực lượng chức năng bảo vệ đường biên cột mốc, người dân nơi đây còn đoàn kết, vận động cùng nhau chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; giúp nhau giảm nghèo, nâng cao đời sống” - bà Nguyễn Thị Thùy Trang, ngụ cùng ấp, thông tin.
Xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng, cấp thiết nhưng lại có tính chất lâu dài, đòi hỏi phải có sự nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân trong quá trình triển khai, thực hiện. Với truyền thống kiên cường, bất khuất của dân tộc ta, nhất là sự đồng tâm, hiệp lực của toàn dân, chắc chắn sự nghiệp xây dựng nền quốc phòng toàn dân tiếp tục giữ vững những thành tựu to lớn, tạo tiền đề căn bản bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa./.
Phong Nhã