Tiếng Việt | English

15/06/2023 - 09:34

Vượt qua khó khăn, khẳng định giá trị bản thân

Mang khiếm khuyết trên cơ thể nhưng anh Nguyễn Ngọc Tân (SN 1984, ngụ ấp Xoài Đôi, xã Long Trạch, huyện Cần Đước, tỉnh Long An) luôn nỗ lực, phấn đấu trở thành người sống có ích cho gia đình và xã hội.

Anh Nguyễn Ngọc Tân luôn nỗ lực vượt qua khó khăn, trở thành người sống có ích cho gia đình và xã hội

Vượt qua nghịch cảnh

Chúng tôi về xã Long Trạch, huyện Cần Đước, được nghe câu chuyện về anh Nguyễn Ngọc Tân - người khuyết tật vượt khó. Lãnh đạo UBND xã Long Trạch cử cán bộ đưa chúng tôi đến gara ôtô Tân. Vừa đến nơi, chúng tôi nhìn thấy người đàn ông trạc 40 tuổi, nước da ngăm, tay chân lấm lem nhớt đang tỉ mỉ ráp từng bộ phận cho chiếc xe 45 chỗ ngồi. Nhìn cách anh làm việc, ít ai nhận ra đây là người khuyết tật.

Thấy có khách ghé cơ sở, anh Tân vui vẻ chào hỏi và mời vào nhà. Tại đây, câu chuyện về nghị lực vượt khó của anh hiện dần qua từng lời kể. Anh Tân nói: “5 tháng tuổi, tôi bị sốt bại liệt nhưng may mắn được cứu chữa kịp thời nên chỉ có tật một chân. Học hết lớp 7, vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, tôi phải nghỉ học và lên TP.HCM học nghề sửa xe ôtô.

Trước đây, nghề này chủ yếu dùng sức, chưa có máy móc, thiết bị hỗ trợ nên cực lắm! Học được 4 năm, tôi xin vào làm việc ở một gara ôtô để có thu nhập và tích lũy kinh nghiệm. 2 năm sau, tôi về lại Long An bắt đầu đi sửa xe dạo. Thời điểm đó, chỉ cần ai điện thoại thì bất kể ngày, đêm, tôi đều đến hỗ trợ”.

Mang khiếm khuyết trên cơ thể nên khi bắt đầu làm nghề sửa ôtô, anh Tân nhận nhiều ánh mắt e ngại của khách hàng. Song, nhờ sự chân thành, chịu khó, anh Tân dần có được lòng tin của khách hàng. Từ đó, anh có điều kiện mua máy móc, dụng cụ và thuê đất mở gara ôtô. Bình quân, hàng tháng, anh có thu nhập trên 25 triệu đồng và giải quyết việc làm thường xuyên cho 5 lao động.

Lan tỏa những điều tử tế

Sau khi mở được gara ôtô, anh Tân nghĩ ngay đến việc tạo điều kiện cho nhiều người có việc làm, thu nhập ổn định. Theo đó, bất cứ ai đến xin học nghề, anh đều nhận dạy miễn phí, nhất là hỗ trợ chi phí ăn, ở và trả lương 3 triệu đồng/tháng.

Anh Tân cho biết thêm: “Học nghề mà không có thu nhập thì lấy gì chi tiêu, sinh hoạt hàng ngày. Do đó, người mới vào học nghề, tôi cũng trả lương, bao ăn, ở, còn người nào làm lâu năm, lành nghề, tôi sẽ trả lương cao hơn. Từ khi mở gara ôtô đến nay, tôi dạy nghề miễn phí cho trên 10 người, trong đó, một số người đã tự mở gara ôtô ở các tỉnh miền Tây với thu nhập ổn định”.

Xin vào Cơ sở gara ôtô Tân làm việc được 6 tháng, anh Nguyễn Tường Duy (tỉnh Tiền Giang) học được rất nhiều điều bổ ích. Anh Duy cho biết: “Tôi tốt nghiệp nghề công nghệ ôtô nhưng khi vào làm việc mới cọ xát được thực tế. Ở đây, anh Tân nhiệt tình hướng dẫn, không giấu nghề, chỗ nào làm chưa được, anh Tân vui vẻ hướng dẫn lại. Nhờ vậy, tôi chỉ học nghề 6 tháng đã sửa được nhiều loại xe”.

Để học được nghề sửa ôtô, đòi hỏi phải có tính nhẫn nại, chịu khó. Đặc biệt, người thợ phải không ngừng tìm tòi, học hỏi các kỹ thuật mới để đáp ứng kịp nhu cầu sửa chữa các dòng xe hiện đại. Do đó, anh Tân thường lên mạng tìm hiểu các dòng xe khác nhau, sau đó tự nghiên cứu và hướng dẫn lại cho người học.

Chị Khâu Thị Trúc Mai (vợ anh Tân) bộc bạch: “Dù cơ thể không lành lặn nhưng anh Tân có một tâm hồn không khiếm khuyết, luôn yêu thương, đồng cảm với những mảnh đời bất hạnh. Thấy hoàn cảnh một số thợ gặp khó khăn, anh cho ứng lương trước hoặc cho mượn tiền để trang trải cuộc sống”.

Chia tay anh Tân ra về, điều đọng lại trong lòng chúng tôi là một tinh thần vượt khó, không đầu hàng số phận. Tin rằng, thông qua câu chuyện của anh Tân sẽ tiếp thêm động lực cho nhiều người không may khiếm khuyết một phần cơ thể, để từ đó, họ thêm vững tin vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống./.

Lê Ngọc

Chia sẻ bài viết