Tiếng Việt | English

19/08/2015 - 05:12

Xây dựng hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận “Then Tày, Nùng, Thái"

Thông tin từ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ngày 18/8 cho biết Bộ đã chính thức phê duyệt kế hoạch tổng thể xây dựng hồ sơ đề cử quốc gia “Then Tày, Nùng, Thái” đề nghị UNESCO đưa vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam phối hợp với các tỉnh có di sản gồm Tuyên Quang, Bắc Kạn, Bắc Giang, Cao Bằng, Điện Biên, Hà Giang, Lai Châu, Lạng Sơn, Lào Cai, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Yên Bái thực hiện Kế hoạch xây dựng hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể “Then Tày, Nùng, Thái.”

Theo Kế hoạch, hồ sơ sẽ được xây dựng theo mẫu ICH-02 dành cho di sản đăng ký vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, theo hướng dẫn thực hiện Công ước 2003 của UNESCO, bản cập nhật tại thời điểm xây dựng hồ sơ năm 2015.

Viện Âm nhạc Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam là đơn vị chịu trách nhiệm về nội dung khoa học của hồ sơ; cộng đồng các tộc người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam và Ủy ban Nhân dân, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các tỉnh có di sản, Cục Di sản văn hóa, Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam đóng vai trò tham gia xây dựng hồ sơ.

Hồ sơ được xây dựng đến ngày 28/2/2016.

Theo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, việc xây dựng bộ Hồ sơ đề cử quốc gia “Then Tày, Nùng, Thái” đệ trình UNESCO, đề nghị đưa vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại nhằm khẳng định, tôn vinh giá trị của di sản Then Tày, Nùng, Thái; là dịp để giới thiệu, quảng bá tới nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế về các giá trị của di sản Then.

Việc này cũng giúp đồng bào Tày, Nùng, Thái và cộng đồng ở các địa phương có di sản Then nhận thức đầy đủ hơn về giá trị của di sản; nâng cao ý thức, trách nhiệm tham gia bảo vệ và phát huy giá trị của di sản; thu hút, khuyến khích giới trẻ quan tâm, tự nguyện tìm hiểu, trải nghiệm di sản.

Việc xây dựng hồ sơ đề nghị UNESCO đưa vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại cũng phần nào khẳng định vai trò của Then trong đời sống tinh thần của các tộc người Tày, Nùng, Thái và cộng đồng ở các địa phương có di sản Then; tôn vinh giá trị sáng tạo nghệ thuật dân gian của các cộng đồng này trong tổng thể các giá trị di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam, góp phần tạo nên sự đa dạng văn hóa quốc tế; thúc đẩy sự quan tâm, bảo vệ di sản và sự kết nối, trao đổi văn hóa giữa các tộc người Tày, Nùng, Thái với các nhóm cộng đồng khác ở Việt Nam cũng như giữa các quốc gia, dân tộc có di sản tương đồng với Then./. 

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết