Thay đổi tư duy
Về vùng Đồng Tháp Mười trong những ngày giáp tết, chúng tôi gặp Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Gò Gòn (huyện Tân Hưng) - Trương Hữu Trí và cùng hàn huyên chuyện đồng áng. Ông Trí kể, ban đầu triển khai mô hình CĐL sản xuất lúa ở địa phương gặp không ít khó khăn. Là nông dân sống gắn bó với nông nghiệp, ông cũng hiểu trong khoảng thời gian ngắn, để vận động các hộ dân đồng tâm hiệp lực “dồn điền” sản xuất tập trung là việc làm không đơn giản. Tuy nhiên, với quyết tâm cao của cấp ủy, chính quyền địa phương trong thực hiện kế hoạch xây dựng CĐL của tỉnh, chương trình cuối cùng đạt kết quả hơn cả mong đợi. Các hộ tham gia thực hiện mô hình không thể ngờ rằng, cũng trên đồng ruộng ấy, trước đây canh tác nhỏ, lẻ theo từng hộ thu nhập bấp bênh, đến khi thông qua HTX liên kết với doanh nghiệp sản xuất ứng dụng công nghệ cao thì có lợi nhuận tăng gấp rưỡi.
Nông dân sản xuất hiệu quả khi tham gia cánh đồng lớn
Dừng chân bên những CĐL lớn vụ Đông Xuân 2018-2019, chúng tôi cảm nhận rất rõ niềm vui của nông dân nơi đây. Mọi hoài nghi trước khi thực hiện mô hình của nông dân giờ đã tan biến, thay vào đó là lòng tin tuyệt đối vào chủ trương đổi mới phương thức sản xuất của tỉnh có tác dụng thúc đẩy nông nghiệp phát triển lên tầm cao mới. Là một trong những hộ tham gia sản xuất trên CĐL từ nhiều năm nay, ông Nguyễn Văn Hải (thành viên HTX Nông nghiệp Gò Gòn) chia sẻ: “Khi địa phương vận động tham gia HTX để liên kết sản xuất trên CĐL, tôi cũng hơi e ngại nhưng sau thời gian tham gia, tôi được hưởng rất nhiều lợi ích: Bỏ được thói quen sản xuất nhỏ, lẻ; được hỗ trợ giống, vốn và thuận lợi khi áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất; được doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm. Đặc biệt, có máy móc hỗ trợ nên chi phí đầu tư giảm, năng suất, giá trị thu nhập trên một đơn vị canh tác tăng gấp 3-3,5 lần so với cánh đồng truyền thống và sản phẩm an toàn hơn”.
Anh Phùng Văn Thanh (xã Long Thuận, huyện Thủ Thừa) cho biết: “Khi tham gia CĐL, nông dân giảm được lượng giống, phân bón, số lần phun và lượng thuốc bảo vệ thực vật. Từ vụ Hè Thu 2017 đến nay, nông dân sản xuất trên CĐL đều được mùa, trúng giá và có lợi nhuận cao hơn từ 2,5-3 triệu đồng/ha so với sản xuất bình thường. Qua đó, tạo thêm động lực cho nông dân sản xuất vụ tới với niềm tin có được vụ mùa bội thu”.
Để có mùa xuân ấm no
Những ngày giáp tết, đến thăm các CĐL, cánh đồng sản xuất 2-3 vụ/năm ở một số xã của các huyện vùng Đồng Tháp Mười, chúng tôi nhận thấy niềm vui hiện rõ trên từng khuôn mặt của người dân nơi đây và đi đến đâu cũng nghe mọi người bàn tán chuyện xây dựng CĐL. Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Vĩnh Hưng - Nguyễn Huỳnh Hải cho biết: “Vụ Đông Xuân này là vụ sản xuất chính và nông dân xem đây là vụ sản xuất quy mô lớn, hướng làm giàu của mình. Vụ này, nông dân trên địa bàn huyện tham gia CĐL liên kết với doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm với diện tích trên 1.500ha. Do đó, nông dân không còn lo tình trạng bị thương lái ép giá, an tâm sản xuất để có vụ mùa thắng lợi”.
Ông Trần Văn Hoàng (xã Khánh Hưng, huyện Vĩnh Hưng) tâm sự: “Trước đây, gia đình tôi chỉ cấy lúa và sản xuất theo phương pháp truyền thống. Khi xã có chủ trương xây dựng CĐL, tham gia HTX, liên kết doanh nghiệp, gia đình tôi mạnh dạn đăng ký tham gia và chấp hành nghiêm “kỷ luật đồng ruộng”. Sản phẩm chúng tôi làm ra được doanh nghiệp đến tận ruộng thu mua với mức giá ổn định”.
Tại huyện Tân Hưng, một mùa xuân mới nữa lại về trên những CĐL. Nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của các cấp, các ngành, năm 2018, nông dân trồng lúa trên địa bàn huyện đạt năng suất, hiệu quả kinh tế cao. Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Hưng - Trần Tấn Tài cho biết: “Năm qua, địa phương xây dựng thành công CĐL với diện tích trên 1.690ha liên kết với doanh nghiệp thu mua. Cái được của mô hình CĐL là giải quyết được bài toán về mô hình liên kết “4 nhà” và các bên tham gia mô hình đều hưởng lợi ích cao nhất. Lợi ích của nông dân và doanh nghiệp đều được quan tâm, đồng thời cùng nhau chăm lo nên hiệu quả mang lại rất cao, gấp nhiều lần so với sản xuất truyền thống. Đây là hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp chất lượng cao theo hướng bền vững cho các địa phương hiện nay”.
Có thể thấy, mô hình CĐL tuy mới triển khai những năm gần đây nhưng đang được nhân rộng ở nhiều địa phương, bởi cả nông dân và doanh nghiệp nhìn nhận đây là hướng đi tất yếu trong bối cảnh nông nghiệp hội nhập quốc tế như hiện nay./.
Từ năm 2014 đến nay, tỉnh triển khai thực hiện trên 320 lượt cánh đồng lớn với diện tích gieo trồng gần 100.000ha, chủ yếu ở các huyện, thị xã vùng Đồng Tháp Mười. Hiện nay, toàn tỉnh có 11 hợp tác xã tham gia liên kết với diện tích thực hiện hơn 5.000ha và có 5 doanh nghiệp được UBND tỉnh phê duyệt phương án (dự án) cánh đồng lớn với diện tích gieo trồng đến năm 2020 là 103.800ha. |
Lê Huỳnh