Những chuyến xe chất đầy rơm được vận chuyển cho thương lái, mang lại nguồn thu đáng kể cho một số người dân
Vừa qua khỏi địa phận huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An, hướng về các huyện ĐTM, trước mắt chúng tôi là những cánh đồng lúa vàng óng ả đang mùa thu hoạch. Đâu đó, những chuyến xe máy chất đầy rơm cuộn được những “tay lái lụa” khéo léo vận chuyển từ những cánh đồng bát ngát hương lúa chín vàng về tập kết ngay bên vệ đường chờ thương lái thu gom.
Những bao lúa căng đầy, ngất ngưởng, mùi rơm mới thơm thơm, phảng phất trong gió chiều, tạo nên nét yên bình, no ấm trong bức tranh quê ngày càng trù phú. Tất cả những hình ảnh đó minh chứng cho sự nỗ lực, cố gắng không mệt mỏi của những người nông dân chơn chất vùng ĐTM.
Cần cù, sáng tạo,... - truyền thống nổi trội
Hơn 30 năm trước, không ai dám nghĩ rằng, ĐTM có thể trở thành vựa lúa chính của tỉnh Long An cũng như cả nước.
Theo lời Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Mười Tâm (tên thật là Trương Văn Rật), 90 tuổi, ở xã Vĩnh Thuận, huyện Vĩnh Hưng, từ những ngày chiến tranh ác liệt đến những năm sau giải phóng, cả vùng đất rộng lớn ĐTM gần như không thể sản xuất lúa bởi nhiễm phèn nặng.
Ngoài những vạt rừng tràm xen lẫn cỏ dại, ai dám trồng lúa với diện tích kha khá cũng phải là một người có “máu liều”. Đến cả các chuyên gia nước ngoài khi về đây khảo sát cũng phải “bó tay” bởi chi phí cải tạo tính toán lên đến hàng tỉ đô-la Mỹ.
Ấy vậy mà, với quyết tâm chinh phục vùng đất này, hàng trăm ngàn lượt người từ các vùng trong toàn tỉnh thay nhau đào, đắp từng khối đất làm nên Tỉnh lộ 49 cũ, nay là Quốc lộ 62, xuyên giữa ĐTM, mở ra công cuộc chinh phục vùng đất khó.
Rồi những tuyến kênh, rạch được xẻ ngang, dọc dẫn nước ngọt về rửa phèn. Một vùng trù phú ĐTM được hình thành từ chính bàn tay lao động của người dân, để hôm nay trở thành vựa lúa lớn, đóng góp chung vào sản lượng lúa 2,8 triệu tấn/năm của tỉnh.
Con đường nối từ xã Khánh Hưng, huyện Vĩnh Hưng qua các xã Hưng Hà, Hưng Điền B và Hưng Điền, huyện Tân Hưng mùa này khá nhộn nhịp dù chưa vào lúc thu hoạch rộ. Tiếng máy gặt đập, máy kéo lúa liên tục vang lên trên các cánh đồng của tuyến kênh T7, T9, T11 và dọc theo tuyến kênh Cái Cỏ, giáp biên nước bạn Campuchia. Xen lẫn vào đó là tiếng máy cày, máy làm đất của người dân trên những thửa ruộng đã thu hoạch để chuẩn bị vụ Hè Thu sắp tới.
Sau thu hoạch, người dân lại bắt tay chuẩn bị cho vụ mùa mới
Trên cánh đồng vừa thu hoạch tại ấp Gò Pháo, xã Hưng Điền B, huyện Tân Hưng, chúng tôi gặp anh Trần Tuấn Anh - nông dân mới ngoài 30 nhưng có thời gian gắn bó với cây lúa hơn 10 năm qua.
Cả xã Hưng Điền B và nhiều người dân ở huyện Tân Hưng biết anh bởi tuổi đời còn trẻ nhưng anh là một trong số ít những người sản xuất lúa với diện tích lớn nhất trong huyện và năm nào cũng được bình bầu là nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi.
Thấy chúng tôi đến, anh dừng chiếc máy cày, lội bộ lên con kênh đang đón nước vào các thửa ruộng. Gạt vội những giọt mồ hôi thi nhau tuôn rơi trên mặt, anh cho biết: “Vừa thu hoạch vụ Đông Xuân xong, gia đình tôi bắt tay ngay chuẩn bị xuống giống vụ Hè Thu. Vụ Đông Xuân này, năng suất không được như kỳ vọng, phần vì thời tiết bất lợi, sâu, bệnh hoành hành, phần vì chi phí cho sản xuất nông nghiệp mỗi năm một tăng. Khu vực năng suất cao nhất cũng chỉ đạt chừng hơn 7 tấn/ha. Năm nay, lúa bán được giá nên cũng bù lại được phần nào. Hy vọng vụ tới, người trồng lúa gặp may mắn hơn!”.
Còn đối với những người ít đất sản xuất, phải mướn ruộng như gia đình ông Nguyễn Thanh Hùng thì vụ lúa vừa qua so với các năm trước kém hẳn. Không riêng ông, cả cánh đồng hơn 2.000ha tại ấp Gò Pháo, xã Hưng Điền B đang được người dân cày xới khi vụ lúa Đông Xuân vừa dứt.
Những câu chuyện không hồi kết được người dân bàn luận nhiều nhất vẫn là con muỗi hành. Chưa năm nào, dịch hại này lại hoành hành như năm nay, ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất lúa, bên cạnh đó là những cơn mưa trái mùa vẫn đến dù trời đã qua tháng 3.
Làng quê yên bình, vươn tới giàu đẹp
Trong vụ mùa có phần không đạt so với kỳ vọng, vẫn có những niềm vui riêng đến với nông dân khi rất nhiều diện tích vừa thu hoạch là có người đến đặt cọc mua rơm bán cho thương lái. Ông Võ Bé Ba, ở ấp Sông Trăng, xã Hưng Hà cùng mấy người thanh niên hối hả vận chuyển từng bó rơm cuộn lên tuyến kênh để giao cho thương lái kịp chuyến ghe về Bến Tre trong ngày.
Ông hồ hởi cho biết: “Vụ Đông Xuân rồi, gia đình tôi xuống giống nếp trên toàn bộ 15ha, năng suất trung bình đạt khoảng 7 tấn/ha. Với giá bán cao hơn năm trước 600 đồng/kg, tính ra thu nhập cũng khá. Năm nay, thương lái từ các tỉnh Bến Tre, Tiền Giang, Đồng Tháp và Vĩnh Long đặt mua rơm rất nhiều. Vụ này, gia đình tôi bán được hết 15ha cho những người nuôi vịt chạy đồng và bán rơm cho thương lái với giá 1 triệu đồng/ha nên cũng có khoản thu đáng kể”.
Lúc chúng tôi gặp ông Ba cũng là lúc 10 người bốc rơm nghỉ trưa. Chẳng cần về nhà, dưới bóng cây tràm, cả nhóm vội lấy thức ăn từ những chiếc cà-men được chuẩn bị sẵn để dùng bữa rồi chuẩn bị làm việc buổi chiều.
Tính riêng tại huyện Tân Hưng và Vĩnh Hưng, với diện tích xuống giống trên 56.000ha thì đến thời điểm này, số diện tích thu hoạch ước chừng đạt 1/3, với năng suất trung bình từ 5-7 tấn/ha.
Mùa thu hoạch lúa, trên cánh đồng, máy gặt đập liên hợp hoạt động nhộn nhịp
Trong suốt vụ canh tác, những ngày mùa thu hoạch là những ngày bận rộn nhất. Thế nhưng, đó cũng là những ngày mà người nông dân gặt hái thành quả sau những tháng vất vả ra công chăm sóc ruộng lúa.
Cho dù bận rộn đến đâu thì những lúc chiều tà, họ vẫn dành thời gian để ngồi lại cùng nhau uống vài ly rượu với những “chiến lợi phẩm”: Chuột đồng, rắn, ếch hay chim trời bắt được từ những thửa ruộng vừa thu hoạch.
Mỗi vụ mùa đều có những thuận lợi, khó khăn; nhưng với những người nông dân vươn lên từ những cánh đồng thì dù có trở ngại, khó khăn nào, họ cũng nỗ lực vượt qua, bởi đồng ruộng quê hương gắn bó với họ như máu thịt. Những cánh đồng vui, những vụ mùa bội thu luôn là kỳ vọng của những người nông dân chất phác, chịu thương, chịu khó. |
Mỗi vụ mùa đều có những thuận lợi, khó khăn; nhưng với những người nông dân vươn lên từ những cánh đồng thì dù có trở ngại, khó khăn nào, họ cũng nỗ lực vượt qua, bởi đồng ruộng quê hương gắn bó với họ như máu thịt. Những cánh đồng vui, những vụ mùa bội thu luôn là kỳ vọng của những người nông dân chất phác, chịu thương, chịu khó.
Vì vậy, những câu chuyện về cây lúa, giá cả, ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất,... xen lẫn tiếng cười vẫn cứ tiếp diễn, đó là tiếng cười hào sảng của người miền Tây nỗ lực, kỳ vọng vào những vụ mùa bội thu!
Thụy Anh