Tiếng Việt | English

27/12/2017 - 20:17

Theo tàu ra biển bắt ốc cà na

Giữa mùa gió chướng khắc nghiệt trên biển Gò Công, tỉnh Tiền Giang, lão ngư dân nhỏ bé cố trụ chân vững trước mỗi con sóng lớn, trong khi tay thoăn thoắt kéo từng lọp ốc nặng trĩu lên tàu,...

Ngư dân khoe “chiến tích”  đầy ốc

1. Năm giờ sáng, ông Năm Đực (Phạm Văn Đực) thức dậy trên con tàu nhỏ, cũ kỹ của người em trai đang neo tại một cái vịnh có hàng bần che chắn. Đây cũng là chỗ cho hàng chục chiếc ghe, tàu khác tạm trú khi đang vào giữa mùa gió chướng.

Ngồi trên mui, người đàn ông ngót nghét 60 tuổi ngó xung quanh xem chừng đến con nước, giục người em nhổ neo, hướng tàu ra biển. Ông nói mùa này sóng dữ, cá tôm, cua ốc đều ít; ngược lại, hải sản có giá nên ngư dân vẫn bám biển mưu sinh.

Chiếc tàu nổ máy, chạy vòng vèo tránh những bãi bồi, rồi tăng tốc theo một đường thẳng, bỏ lại hàng bần xa xa và những tàu bạn đang còn ngái ngủ. Từ đây, tàu phải chạy khoảng vài hải lý mới đến khu vực đánh bắt, tranh thủ thời gian, ông Năm ra trước mũi lấy mớ cá xương (một loài cá biển) ướp muối sẵn ra, cắt thành từng khúc dài bằng ngón tay để làm mồi đặt lọp. “Trước đây, tụi tui đánh cá gần bờ nhưng giờ cá tôm cạn kiệt, tàu nhỏ không thể đi xa được nên chuyển sang bắt ốc cà na khoảng 2, 3 năm nay” - người em trai của ông Năm đang lái tàu lý giải.

Khi mặt trời ửng hồng từ phía xa, người lái tàu tắt máy rồi ngó một vòng xung quanh để tìm các phao nổi. Anh nói, dù được đánh dấu bằng cờ màu, có đèn báo, neo nhưng thỉnh thoảng, khu vực thả lọp trước đó vẫn bị mất dấu do các tàu cào tôm làm hư hại. Nhưng hôm nay là một ngày may mắn, thoáng thấy dấu cờ, tài công nổ máy, nhanh như cắt, ông Năm cúi gập người nắm chiếc phao gắn cờ, mỏ neo dưới biển ném lên khoang. Theo sau đó là những chiếc lọp đầu tiên nặng trĩu ốc.

Trong khi ông Năm liên tục kéo những chiếc lọp được nối với nhau bằng dây thừng lên tàu, đổ ốc vào giỏ, người em dâu đứng sẵn ở khoang cẩn thận thu lọp lại, sắp xếp ngăn nắp. Một tay chị vớ lấy mồi là cá xương chuẩn bị sẵn, rồi dùng dây thun cột cá vào bên trong lọp. “Ốc nghe mùi cá sẽ tự bò vào lọp ăn, mình chỉ việc kéo lên bắt rồi thay mồi mới” - chị tươi cười giải thích. Nửa tiếng sau, khi số lọp đầu tiên nằm hết trên tàu, tài công tiếp tục tìm dấu phao tại một bãi khác ở cách đó không xa. Hai người còn lại trên tàu tiếp tục dùng nước rửa ốc, loại bỏ sơ qua tạp chất, lúc này, mặt trời lên cao hơn, biển bắt đầu nổi những đợt sóng.

Ông Năm vẫn với công việc cũ ở khu vực kéo lọp thứ hai. Do sóng lớn nên bãi này không có nhiều ốc. Những chiếc lọp nhẹ tênh được kéo lên tàu, bên trong chỉ toàn là mảnh sò, nghêu bị sóng cuốn vào, vỏ chúng va vào nhau kêu lách cách như tiếng chuông gió. Vài con ghẹ con, ốc mượn hồn, tôm nhỏ cũng dính lọp.

Sau mẻ ốc thất bại, tàu quyết định thả lọp trở lại biển tại 2 khu vực mới cách đó vài trăm mét. Trong khi chiếc tàu vẫn đang chạy hết công suất, những chiếc lọp cột mồi sẵn được ném trở lại biển theo hình vòng cung, bằng bàn tay thoăn thoắt, đều đặn của lão ngư dân.

2. Hơn 9 giờ sáng, ông Năm đứng trước mũi tàu, tay thoăn thoắt kéo lọp, miệng tươi cười vì bãi thả thứ 3 trúng đậm, có cái đến cả kilôgam ốc. Lúc này, biển nổi lên từng đợt sóng lớn. Lão ngư dân nhỏ bé cố trụ chân vững trước mỗi con sóng, tay thoăn thoắt kéo từng lọp ốc nặng trĩu lên tàu. Còn chúng tôi thì bắt đầu có cảm giác của người không quen đi biển, da nóng lên vì nắng, bụng cũng bồn chồn theo từng đợt sóng. Xa xa, khu vực đặt ốc với hàng chục con tàu nhỏ bé, bỗng chốc mất hút dưới đợt sóng rồi lại thình lình xuất hiện. Giọng các tài công í ới gọi nhau khoe “chiến tích” vang dậy qua bộ đàm, lấn át sóng biển đang gầm gừ.

Thả xong mẻ lọp cuối cùng trong tổng số hơn 800 cái, người lái tàu ra hiệu về sớm để kịp con nước, phần vì lo lắng trước sóng, gió bất thường. “Gần bờ, có mấy cái bãi bồi, nếu không kịp con nước là phải mắc cạn, đợi đến chiều mới vào được” - tài công lý giải.

Khu vực bến tàu phía trong vịnh cũng là chợ sỉ của nhóm thợ bắt ốc, buổi trưa có vài chiếc ghe cập bến, dưới khoang là các sọt ốc đầy. Ốc được đưa lên bãi, rửa sơ qua nước, đổ vào một chiếc sàng để loại bỏ tạp chất và ốc nhỏ.

“Mỗi ký ốc hiện có giá trên 80.000 đồng, mỗi tàu có khoảng 1.000 cái lọp, bình quân một ngày bắt vài chục ký, trừ tiền dầu, cũng kiếm được 2-3 triệu đồng” - anh Trần Công Hải - một chủ tàu, nói.

Đến cuối ngày, nhóm tàu bắt ốc tập hợp đông đủ, những cuộc mua - bán diễn ra nhanh chóng. Vì đang vào mùa khắc nghiệt, ai cũng dễ cảm thông cho nhau, sớm xong việc để còn nghỉ sức chuẩn bị cho hôm sau.

Một sọt đầy ốc sau chuyến ra khơi

3. Dĩ nhiên, anh Hải không kể về những lần tàu bị phá nước ở xa bờ, nhẹ thì hư hại tài sản, nặng thì mất mạng. Một số ngư dân bị nạn, trôi dạt trên biển mấy ngày liền, người gần như tím tái nhưng bằng cách nào đó vẫn sống sót diệu kỳ.

Cách khu tập kết của tàu bắt ốc không xa, bãi biển từ xã Tân Điền đến Tân Thành buổi trưa gió lớn, sóng vỗ mạnh từng đợt vào bờ kè. Hàng trăm tỉ đồng được đổ vào hệ thống bờ kè ven biển, nhưng một vài đoạn sóng vẫn gặm vào đất liền, những thân gỗ to bị nhổ bật, từ bãi này bị đánh dạt qua bãi khác.

Dưới nước lạnh, một nhóm khoảng 10 người đang dùng tay mò con mỏ vịt (loại nhuyễn thể 2 mảnh giống con vẹm nước ngọt), số khác dùng móc bắt chình biển, đẩy tôm. Xa xa, một ông già giơ tấm lưới cá chẽm trống không, đóng đầy rêu, miệng đang nói câu gì đó như than thở.

Bỏ bờ khoảng 100m, nhiều tàu nhỏ đang hì hục cào mỏ vịt, tôm với quy mô lớn hơn cách bắt thủ công. Bờ biển đang bị xới tung thành từng mảnh nhỏ. Cũng tại bãi này hơn 1 tháng trước, một ngư dân ngậm ống thở lặn dưới làn nước sâu 4-5m cào mỏ vịt. Và đó là chuyến cuối cùng trong đời của anh, vì bình hơi bị trục trặc giữa chừng, phải mấy ngày sau, người ta mới tìm được xác người xấu số bị sóng mang đi xa.

Những con tàu bắt ốc, cào tôm vẫn vươn khơi mỗi buổi sáng rồi rúc vào hàng bần lúc cuối ngày. Qua hàng ngàn năm, biển cả vẫn chứa đựng sức mạnh bí ẩn. Và dường như, biển chưa bao giờ thay đổi, cho đến khi người ta cố làm mọi cách để thay đổi nó theo ý mình./.

Thanh Nga - Thụy Du

Chia sẻ bài viết