"Món ăn" tinh thần cho người dân
Tại xã Tân Tây, huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An Câu lạc bộ (CLB) ĐCTT được thành lập từ niềm đam mê văn nghệ. Từ khi thành lập đến nay, phong trào ĐCTT trở thành “món ăn” tinh thần không thể thiếu của nhiều người dân nông thôn.
CLB sinh hoạt định kỳ mỗi tháng 3 lần. Dù bận rộn công việc nhưng cứ đến ngày sinh hoạt, các thành viên CLB lại tụ họp, quây quần bên nhau, mang lời ca, tiếng hát làm đẹp cho đời. Từ khi thành lập (năm 2016) đến nay, CLB luôn hoạt động đều đặn. Ban đầu chỉ có vài thành viên họp nhóm hát với nhau, do “tiếng lành đồn xa”, đến nay, CLB được nhiều người biết đến và thu hút những tay đờn, giọng ca tài tử “có hạng”. Các thành viên sinh hoạt trong CLB đều là những hạt nhân trong phong trào văn nghệ tại địa phương và các xã lân cận.
Những người tham gia Câu lạc bộ Đờn ca tài tử đều có chung niềm đam mê đờn ca, hát xướng
Ông Nguyễn Văn Chính (ngụ ấp 3, xã Tân Tây) chia sẻ: “Tôi đam mê ĐCTT từ khi mới 14 tuổi. Khi ấy, người dân còn hát với nhau bằng cây đờn thùng. Từ khi Tân Tây thành lập CLB, tôi phục vụ đờn và tham gia hát. Địa phương có phong trào ĐCTT, người dân ai cũng phấn khởi, xem đây là "món ăn" tinh thần không thể thiếu”.
Với mong muốn lưu truyền loại hình nghệ thuật truyền thống của dân tộc cũng như duy trì phong trào, các thành viên tự đóng góp kinh phí tổ chức sinh hoạt. Người tham gia CLB có đủ các thành phần, từ nông dân đến cán bộ, công chức nhưng ở họ đều có chung niềm đam mê ĐCTT. Không chỉ là sân chơi tinh thần bổ ích, ĐCTT còn giữ vai trò tích cực trong
phục vụ nhiệm vụ chính trị ở địa phương qua các sáng tác mang tính chất tuyên truyền.
Chủ tịch UBND xã Tân Tây - Nguyễn Văn Chẳn nhận định: “Những lời ca, tiếng hát khơi dậy tình yêu quê hương, đất nước, lưu truyền nghệ thuật ĐCTT của người dân Nam bộ. Sắp tới, chính quyền tiếp tục tạo điều kiện để CLB hoạt động mạnh hơn nhằm góp phần giữ vững xã văn hóa, nông thôn mới cũng như phát triển KT-XH, quốc phòng - an ninh ở địa phương”.
“Truyền lửa" cho thế hệ trẻ
CLB ĐCTT Trúc Xanh (khu phố Bình Đông 3, phường 3, TP.Tân An) thành lập từ khi phong trào ĐCTT bắt đầu “nhen nhóm”. Thành viên CLB và những “đào, kép” nghiệp dư, cùng các tay đờn guitar phím lõm, đờn sến, đờn tranh với đủ mọi thành phần, ngành nghề khác nhau nhưng đều xuất phát từ niềm đam mê nghệ thuật.
Dù bận rộn công việc nhưng cứ đến ngày sinh hoạt, các thành viên Câu lạc bộ lại tụ họp, quây quần bên nhau, mang lời ca, tiếng hát làm đẹp cho đời
Với niềm đam mê lời ca, tiếng hát, chị Nguyễn Thị Thùy Trang, ngụ phường 2, TP.Tân An, tham gia CLB 6 năm nay. Chị Trang bày tỏ: “Để tiến bộ, tôi luôn trau dồi, học hỏi thật bài bản, thường xuyên luyện tập những bài hát mới để nâng cao khả năng biểu diễn, giao lưu với CLB khác. Giờ thì tôi tự tin hơn rất nhiều mỗi khi lên sân khấu”.
CLB Trúc Xanh dường như không còn xa lạ với người dân nơi đây. Cứ mỗi tối thứ tư và thứ bảy hàng tuần, trong khoảng sân vườn nhỏ của gia đình anh Hồ Văn Tài lại vọng ra những câu ca, điệu đờn mùi mẫn của các thành viên CLB, làm say đắm lòng người,
không thua kém những nghệ sĩ thực thụ trên sân khấu. Cứ thế, CLB duy trì hoạt động 21 năm nay.
Chủ nhiệm CLB ĐCTT Trúc Xanh - Hồ Văn Tài chia sẻ: “Thành lập thì dễ nhưng giữ vững hoạt động thì rất khó. Sở dĩ sân chơi bổ ích này duy trì được ngần ấy thời gian là do các thành viên CLB từ các huyện: Tân Trụ, Thủ Thừa, Bến Lức và tỉnh Tiền Giang dù mưa hay nắng vẫn cố gắng đến đây sinh hoạt đều đặn”.
Ngoài tổ chức sinh hoạt, CLB còn nhận đào tạo những ai yêu thích nghệ thuật ĐCTT, cải lương. Mong muốn của CLB là tiếp tục phát triển và có thêm nhiều thế hệ “măng non” nối tiếp lớp đàn anh.
Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa TP.Tân An - Trần Chánh Thành thông tin: “Hiện, toàn thành phố (trừ phường 1 và phường 4) thì mỗi xã, phường đều thành lập được CLB ĐCTT. Riêng phường 1 thành lập được CLB âm nhạc. Bình quân mỗi CLB có từ 20-30 người tham gia. Có thể nói, từ khi UNESCO công nhận nghệ thuật ĐCTT Nam bộ là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại thì phong trào ĐCTT tại Long An cũng ngày càng phát triển. Hoạt động của các CLB góp phần phát triển phong trào văn hóa - văn nghệ của địa phương”.
Hiện nay, dù chịu sự cạnh tranh của nhiều loại hình giải trí khác nhưng ĐCTT vẫn có sức sống mãnh liệt trong lòng người dân. Qua bao đời, ĐCTT vẫn âm thầm lan tỏa. Hy vọng rằng, những người “giữ lửa” ĐCTT tiếp tục duy trì và phát triển phong trào, góp phần tích cực gìn giữ giá trị nghệ thuật ĐCTT Nam bộ - Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại./.
Ngọc Mận