Tiếng Việt | English

22/02/2016 - 06:58

​Học giỏi cơ hội việc làm sẽ đến

Buổi tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp diễn ra sáng 20-2 tại Trường THPT Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) đã thu hút hơn 2.000 học sinh tham dự.

TS Phạm Tấn Hạ, trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn, trao tài liệu và tư vấn cho học sinh Đắk Lắk sáng 20-2 - Ảnh: Trần Huỳnh

Lo sợ thất nghiệp

Tại đây, học trò Đắk Lắk tỏ ra quan tâm rất nhiều đến vấn đề việc làm. Một thí sinh thắc mắc: “Chúng em nghe thông tin hiện có nhiều cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp. Các thầy cô có thể lý giải việc này ra sao? Và cho chúng em lời khuyên sau khi tốt nghiệp THPT có nên học trung cấp, học nghề?”.

TS Hoàng Ngọc Vinh, vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp Bộ GD-ĐT, cho rằng có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc sinh viên học xong ĐH ra trường thất nghiệp: sức khỏe của nền kinh tế, nhu cầu nguồn nhân lực, chất lượng đào tạo...

“Các trường ĐH cũng như các trường nghề đều có đầy đủ khóa đào tạo trang bị kiến thức cho người học. Nếu các em không học ĐH thì có thể chọn con đường học nghề, sau đó có thể học liên thông lên ĐH. Học nghề cũng khó chứ không phải dễ. Tôi khuyến cáo các em ngay từ trường THPT phải học thật giỏi, thật chăm và lên ĐH càng phải cố gắng học chăm hơn thì chắc chắn cơ hội việc làm sẽ đến với các em. Để chọn học nghề hay học ĐH tùy thuộc vào năng lực của mỗi cá nhân, điều kiện kinh tế gia đình và nhu cầu nhân lực của địa phương. Các em cần cân nhắc để chọn cho mình con đường lập nghiệp đúng nhất” - thầy Vinh chia sẻ.

Tại buổi tư vấn, khối ngành công an, quân đội được nhiều thí sinh quan tâm. Đại diện Trường Sĩ quan thông tin là trung tá Nguyễn Đình Thi - trưởng phòng đào tạo và trung tá Nguyễn Xuân Thủy - trợ lý tuyển sinh, cùng với đại úy Lại Thị Hiên - phó đội trưởng đội tổ chức đào tạo, Phòng tổ chức cán bộ Công an tỉnh Đắk Lắk - phải liên tục thay nhau tư vấn, giải đáp thắc mắc của học sinh.

Liên quan đến khối ngành đặc thù này, các chuyên gia tư vấn lưu ý học sinh điều kiện sơ tuyển về lý lịch, sức khỏe và đặc biệt điểm chuẩn trúng tuyển vào các ngành này khá cao.

Sau khi nghe những thông tin này, không ít thí sinh tỏ ra lo lắng “nếu không trúng tuyển vào các trường công an sẽ mất cơ hội xét tuyển sang trường khác”. Về việc này, đại úy Hiên tư vấn: “Các em có nguyện vọng vào các trường công an nhân dân khi đăng ký xét tuyển, trong hồ sơ các em được đăng ký các nguyện vọng theo phân luồng xét tuyển.

Nếu không trúng tuyển ĐH thì xuống CĐ hoặc trung cấp. Sau khi có kết quả thi THPT quốc gia, các em chỉ cần nộp phiếu đăng ký xét tuyển nguyện vọng 1 cho đơn vị sơ tuyển, không cần phải nộp các nguyện vọng tiếp theo nữa”.

Ngành tâm lý được quan tâm

Bên cạnh đó cũng có nhiều học sinh quan tâm đến ngành tâm lý. TS Phạm Tấn Hạ, trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐHQG TP.HCM), cho biết hiện rất nhiều bạn trẻ yêu thích ngành tâm lý, dẫn chứng là điểm chuẩn ngành học này mấy năm gần đây rất cao.

Ngành tâm lý học của Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn có hai chuyên ngành: tâm lý tham vấn tư vấn và tâm lý về nhân sự. Trong đó, sau khi ra trường sinh viên tham vấn tư vấn sẽ làm tư vấn nghề nghiệp, tư vấn khách hàng, tư vấn trị liệu...; với sinh viên ngành nhân sự, bất kỳ cơ quan, tổ chức nào cũng có phòng nhân sự. Chương trình đào tạo của trường sẽ cung cấp cho sinh viên đủ kiến thức nền tảng để làm những công việc đó.

“Tuy nhiên ngành tâm lý không đơn giản như nhiều bạn nghĩ. Khi chọn nghề này đòi hỏi độ nhạy, khả năng quan sát cực tốt để hiểu được tâm lý người đối diện, kể cả tâm lý của người lớn tuổi hơn mình rất nhiều. Mặc dù nhà trường trang bị đủ các kiến thức cần thiết của ngành học, nhưng nếu không có tố chất đó thì các bạn sẽ rất khó để thành công. Thực tế có rất ít người thành công trong nghề tâm lý” - thầy Hạ tư vấn./.

 Trần Huỳnh/tuoitre online

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích