Tiếng Việt | English

23/01/2021 - 08:55

20 năm “thổi hồn” vào linh vật

Chưa từng trải qua bất kỳ trường lớp nào, ông Võ Tấn Vị (62 tuổi) đến với nghề tạc tượng bằng tất cả niềm say mê, yêu thích. Theo ông, đến với nghề là duyên, nợ nên cho dù trải qua bao gian khó, nhọc nhằn, ông cũng chưa từng có ý định bỏ nghề trong suốt 20 năm qua.

Ông Vị cho hay, năm nào, con nấy, Tết Nguyên đán Tân Sửu nên tượng con trâu hút khách

Ông Vị cho hay, năm nào, con nấy, Tết Nguyên đán Tân Sửu nên tượng con trâu hút khách

Chúng tôi gặp ông Vị vào một ngày đầu tháng Chạp khi ông đang tất bật lên khuôn, đắp tượng trâu tại một cơ sở làm đồ mỹ nghệ ở phường 5, TP.Tân An, tỉnh Long An. Được biết, vào những tháng cận tết, nhu cầu trang trí công viên, sân vườn, quán cà phê tăng cao nên thợ phải tranh thủ làm ngày, làm đêm để kịp giao cho khách. Có hôm, ông Vị bắt đầu công việc từ lúc 1 giờ và kết thúc vào lúc 21, 22 giờ.

Đôi tay thoăn thoắt di chuyển chiếc bay trên thân trâu, ông Vị cho biết: “Phải làm cho thân trâu láng mịn thì lúc sơn màu mới đẹp. Nguyên liệu chính để tạc tượng chủ yếu là sắt, cát và xi măng. Đầu tiên, người thợ sẽ lên khung bằng sắt, sau đó đắp xi măng đến khi thành hình, cuối cùng là sơn màu cho tác phẩm”.

Là thợ chuyên tạc tượng về con vật, ông Vị tiết lộ, tùy vào yêu cầu của khách mà tượng sẽ có những kích thước, kiểu dáng khác nhau. Thông thường, khách hàng sẽ yêu cầu làm theo gu thẩm mỹ của người thợ, chỉ cần sản phẩm đẹp là được nhưng cũng có một số khách mong muốn làm theo tỷ lệ, kiểu dáng mà họ đưa ra. Song, về màu sắc khách hàng thường chuộng màu thật của loài vật đó, chỉ một số ít yêu cầu lên màu theo sở thích cá nhân.

Tùy theo kích thước, kiểu dáng mà người thợ sẽ mất khoảng thời gian tạc tượng khác nhau

Tùy theo kích thước, kiểu dáng mà người thợ sẽ mất khoảng thời gian tạc tượng khác nhau

Chia sẻ về cơ duyên đưa mình đến với nghề, ông Vị kể: “Trước đây, tôi chỉ nhận đơn làm tượng từ khách, sau đó thuê thợ để thi công nhưng rồi cơ duyên đưa đẩy tôi “dấn thân” làm nghề nay đã 20 năm. Công việc này ngoài khéo tay, đòi hỏi người thợ phải yêu thích, say mê nghiên cứu. Bản thân tôi phải tự nghiên cứu về tỷ lệ cơ thể của con vật để mô phỏng chúng được chính xác và sinh động nhất. Mỗi con vật sẽ có tỷ lệ cơ thể và nét đặc trưng riêng. Ví dụ, tạc tượng trâu ngoài tạo sự cân đối, hài hòa giữa các bộ phận như: Đầu, thân, chân,... người thợ phải chú ý đến tạo hình sừng trâu. Sừng trâu phải dài, cong về phía sau, cặp sừng giúp trâu trở nên oai vệ hơn”.

Song, ngoài sự cân đối, hài hòa về cơ thể, người thợ còn phải chú ý đến tập tính của loài vật đó. Trâu là loài vật gần gũi, gắn bó với nông dân nên khi tạc tượng trâu, người thợ thường tạc theo đôi, theo đàn hoặc trang trí thêm hình ảnh con người, lũy tre cho chân thật. Bằng đôi tay điêu luyện, ông Vị đã khéo léo thổi hồn vào các tác phẩm của mình. Gắn bó với nghề tạc tượng 20 năm, trải qua bao gian khó, nhọc nhằn nhưng ông chưa từng có ý định bỏ nghề.

Ông Vị cho hay, nghề nào cũng có khó khăn, gian khổ riêng, quan trọng là mình phải chuyên tâm với công việc. Tác phẩm mình làm ra nhiều khi đẹp trong mắt người này nhưng lại chưa đẹp trong mắt người khác nên quan trọng nhất, khách ưng là được. Bản thân mỗi người thợ phải không ngừng học hỏi để hoàn thiện mình hơn./.

Nguyễn Dung

Chia sẻ bài viết


website https://thansohoc.app/ miễn phí