Tiếng Việt | English

23/12/2020 - 10:59

Đưa đờn đáy vào nghệ thuật đờn ca tài tử

Ông không phải là nghệ nhân đờn nổi tiếng mà là một tài tử có niềm say mê đặc biệt đối với các bộ môn nghệ thuật dân tộc. Ông chơi được 8 loại nhạc cụ khác nhau và đang “phải lòng” cây đờn đáy - một loại đờn chuyên dụng trong ca trù Bắc bộ. Tại Long An, ông là người đầu tiên, duy nhất mày mò, ứng dụng đờn đáy vào nghệ thuật đờn ca tài tử (ĐCTT).

1. Chúng tôi biết đến tài tử Văn Còn trong một dự án âm nhạc của soạn giả Diệp Vàm Cỏ. Trên tay ông cầm cây đờn rất lạ, không giống những nhạc cụ chơi tài tử chúng tôi thường thấy. Hỏi ra mới biết đó là đờn đáy, loại nhạc cụ phổ biến trong hát ả đào (ca trù) ở Bắc bộ. Trong một chuyến công tác ra Bắc, được nghe hát ả đào, tiếp cận âm thanh của đờn đáy khiến tài tử Văn Còn yêu mến. Trở vào Nam, ông đi khắp các cửa hàng và tìm được 2 cây đờn đáy tại một tiệm đờn ở TP.HCM mà theo chủ tiệm “đã lâu rồi không bán được cho ai”.

Tài tử Văn Còn dùng đờn đáy trong dự án âm nhạc sắp ra mắt của soạn giả Diệp Vàm Cỏ (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Hơn 2 tháng mày mò, ông mới làm quen được với “người bạn mới”, không có tài liệu, sách vở hay video hướng dẫn dùng đờn đáy, cũng không tìm được bạn bè, tài tử biết chơi loại nhạc cụ này, tài tử Văn Còn phải tự học cách sử dụng đờn đáy. Làm việc tại Bệnh viện Đa khoa Long An nên ông hầu như không có thời gian rảnh. Sau 21 giờ hàng ngày, ông mới dành chút thời gian cho niềm đam mê chơi đờn của mình. Tài tử Văn Còn chia sẻ: “Các âm của đờn đáy không theo Hò Xự Xang Xê Cống của tài tử cải lương mà là Tính Tĩnh Tình Tinh Tung Tàng Tang. Đặc biệt, đờn đáy không đờn dây buông, cho nên tùy theo thể loại Nam Bắc Oán,... của cải lương Nam bộ, tôi phải tìm cách phiên ngang chữ đờn sang từ đờn guitar cổ nhạc nhưng đa số phải “mượn” chữ nhạc do đờn đáy khác chữ hay không chính chữ cho cải lương,…”. Nói nghe có vẻ đơn giản nhưng để làm được điều đó không hề dễ chút nào. 

Soạn giả Diệp Vàm Cỏ nhiệt tình ủng hộ người bạn của mình tìm hiểu về cây đờn đáy (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

2. Tài tử Văn Còn say mê ĐCTT từ ngày còn nhỏ. Khi chưa đủ tiền mua đờn, ông tự tìm cách làm đờn để chơi. Sau này, ông học thầy, học bạn và biết chơi nhiều loại nhạc cụ khác nhau trong dàn nhạc tài tử: Đờn tranh, đờn bầu, đờn guitar, đờn sến, đờn kìm, đờn tì bà, tây ban cầm, organ và giờ là đờn đáy. Mặc dù công việc ở Bệnh viện Đa khoa Long An bận bịu nhưng niềm say mê âm nhạc chưa bao giờ nguôi trong ông. Niềm say mê ấy cũng là lý do khiến ông “phải lòng” nghệ thuật hát ả đào và cây đờn đáy có âm thanh trầm đục. Nhạc cụ của ĐCTT thường có âm thanh trong trẻo, tiếng trầm đục của đờn đáy được tài tử Văn Còn ví như tiếng “bass” trong dàn nhạc. 

Được bè bạn động viên, ông mới mạnh dạn cho cây đờn đáy “ra mắt” trong những dịp hòa đờn cùng các tài tử khác. Mỗi khi tập nhuần nhuyễn một bài bản mới, ông thường đờn cho những người bạn tri âm, những người tâm huyết với ĐCTT để được góp ý. Bởi, mặc dù bản thân là người chơi đờn đáy nhưng ông cũng không biết mình sử dụng như vậy là đúng cách hay chưa và việc áp dụng một nhạc cụ của địa phương khác vào nghệ thuật ĐCTT của quê mình liệu có khiến người nghe khó chịu?

Tài tử Văn Còn say mê đờn ca tài tử từ ngày còn nhỏ, nhà ông có rất nhiều loại đờn và các thành viên trong gia đình đều rất yêu âm nhạc

Đưa đờn đáy vào ĐCTT là việc làm hoàn toàn mới mà theo nhận định của một số người có chuyên môn tại Long An thì cả vùng Nam bộ chưa thấy ai làm thử. Khi nói về việc đó, tài tử Văn Còn chia sẻ: “Tôi từng đọc và tìm hiểu về ca trù, tôi nghĩ, phát huy cái hay, lạ của đờn đáy vào nhạc tài tử cải lương cũng là điều thú vị, tuy nhiên, áp dụng như thế nào, lối đờn ra sao cho phù hợp để không phá vỡ bản sắc thì cần phải có thời gian tìm hiểu. Đặc biệt, tôi mong được nghe góp ý từ các “lão làng”, chuyên gia nhiều kinh nghiệm trong âm nhạc, nhận xét từ phía đồng nghiệp và sự chấp nhận từ phía người nghe”. Vì vậy, ông đăng tất cả các bản hòa đờn có dùng đờn đáy lên mạng xã hội và chờ đợi ý kiến phản hồi. Đến nay, góp ý cũng có nhiều nhưng ông chưa nhận về ý kiến trái chiều nào gay gắt. Người tài tử cứ thế miệt mài, âm thầm đưa đờn đáy vào nghệ thuật truyền thống của miền sông nước Nam bộ, còn giới tài tử Long An lại biết thêm một nhạc cụ mới nhưng không kém phần hấp dẫn./.

Đờn đáy, còn gọi là vô đề cầm, có 3 dây (dây tiếu, dây trung và dây hàn). Phần cần đờn rất dài, có từ 10-12 phím với tổng chiều dài 1m55 và mặt sau của thùng trống rỗng. Đây là nhạc cụ dân tộc cổ truyền do người Việt sáng tạo từ hơn 500 năm trước. Đờn đáy là nhạc khí đặc trưng trước kia chỉ dùng để đệm cho một thể loại hát duy nhất với hai nhánh mà ngày nay người Việt thường gọi là hát cửa đình và hát ả đào (hoặc ca trù).

Quế Lâm

Chia sẻ bài viết