Cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Nga Putin và Tổng thống Mỹ Joe Biden tại Geneva, Thụy Sỹ diễn ra ngày 16/6 sau nhiều tháng thảo luận chi tiết và lên kế hoạch kỹ lưỡng. Sau khi hội nghị thượng đỉnh kết thúc, quan hệ Nga-Mỹ dường như không có gì thay đổi. Đây không hẳn là điều bất ngờ, đặc biệt là với Tổng thống Mỹ Joe Biden – người luôn đặt ra một mục tiêu khiêm tốn là thiết lập một mối quan hệ “hợp lý và có thể đoán trước” với Tổng thống Nga Putin.
Cú bắt tay lịch sử giữa 2 nhà lãnh đạo Nga, Mỹ. Ảnh: Reuters
Tại hội nghị thượng đỉnh, hai nhà lãnh đạo đã nhất trí bắt đầu các cuộc đàm phán về an ninh mạng và kiểm soát vũ khí, đưa các đại sứ trở lại thủ đô của nhau sau lệnh triệu hồi vào đầu năm nay. Tuy vậy, theo nhận xét của cả Tổng thống Putin lẫn người đồng cấp Joe Biden, cuộc gặp không nhằm mục đích tạo ra những đột phá lớn. Thay vì đó, các bên mong muốn trao đổi một cách thẳng thắn, trung thực và hướng về phía trước.
Ngôn ngữ cơ thể của hai nhà lãnh đạo
Martha Raddatz, phóng viên phụ trách vấn đề quốc tế của ABC News đã nhấn mạnh vào điều mà cô cho là ngôn ngữ cơ thể “đáng kinh ngạc” của hai nhà lãnh đạo khi bắt tay ở bên ngoài biệt thự tại Geneva và khi cùng ngồi chụp ảnh chung. Chính phủ Nga đã nhanh chóng công bố những bức ảnh hai nhà lãnh đạo ngồi ngang hàng và mỉm cười với nhau.
“Tổng thống Putin tỏ ra rất thoải mái khi ngồi trên ghế. Tổng thống Biden trông cũng rất thư thái”, Martha Raddatz nhận xét.
Trong bức ảnh được công bố, Tổng thống Biden ngồi vắt chéo hai chân, hai tay mở rộng và cười rất tươi. Tổng thống Putin ngả lưng vào ghế theo thói quen thông thường của ông, trông có vẻ nghiêm nghị nhưng rất thoải mái. “Họ biết thế giới đang nhìn vào những bức ảnh đó. Đặc biệt là Tổng thống Putin. Ông ấy muốn đứng trên sân khấu thế giới”, nhà báo Raddatz nhận xét.
Hai nhà lãnh đạo trò chuyện khá thoải mái tại cuộc gặp. Ảnh: AP.
Quyết định tiến tới Hội nghị Thượng đỉnh Nga-Mỹ của Tổng thống Biden căn cứ vào quan điểm thiết yếu của ông về vấn đề đối ngoại: tập trung vào bản chất con người. “Tất cả chính sách đối ngoại là sự mở rộng hợp lý của các mối quan hệ cá nhân. Đó là cách bản chất con người vận hành”. Xét về yếu tố này, hội nghị thượng đỉnh dường như đã đạt được mục tiêu đề ra.
Phát biểu với báo chí, Tổng thống Biden cho biết: “Ngôn ngữ và giọng điệu tại cuộc đối thoại rất tốt và tích cực. Điểm mấu chốt, như tôi đã nói với Tổng thống Putin là chúng ta cần phải có một số quy tắc cơ bản mà chúng nên tuân thủ”.
Về phần mình, nhà lãnh đạo Nga Putin cũng đưa ra những nhận xét tương tự. “Ông Biden là một người rất cân bằng, chuyên nghiệp và rõ ràng ông ấy rất giàu kinh nghiệm. Dường như chúng tôi đã nói cùng một ngôn ngữ”.
Ông Putin mô tả cuộc đối thoại kéo dài 3 tiếng đồng hồ rất thẳng thắn, thực dụng nhưng không có sự kết nối sâu sắc về quan hệ cá nhân. “Điều này không có nghĩa là chúng tôi đã nhìn vào mắt nhau và tìm thấy sự tri kỷ hay một tình bạn vĩnh cửu”, Tổng thống Putin nói.
Không lặp lại “kịch bản Helsinki”
Mục tiêu quan trọng của chính quyền Biden khi lên kế hoạch tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Nga – Mỹ là tránh lặp lại “kịch bản Helsinki vào năm 2018”. Trong cuộc gặp cuộc gặp thượng đỉnh với nhà lãnh đạo Nga tại Helsinki vào năm 2018, cựu Tổng thống Trump đã hoan nghênh tuyên bố không can thiệp bầu cử Mỹ năm 2016 do ông Putin đưa ra, gạt bỏ các dữ liệu do tình báo quốc gia Mỹ cung cấp, trong cuộc họp báo chung. Điều này đã khiến ông Trump hứng chịu nhiều chỉ trích tại nước Mỹ.
Đây cũng là lý do mà chính quyền Tổng thống Biden không muốn tổ chức một họp báo chung sau thượng đỉnh. Cuộc gặp Thượng đỉnh Nga-Mỹ ngày 16/6 đã cho thấy sự khác biệt và Tổng thống Putin cũng nhận thức rõ điều này. “Người tiền nhiệm của ông ấy có một cách nhìn khác. Còn ông Biden quyết định hành động khác. Câu trả lời của ông ấy khác với ông Donald Trump”.
Ông Biden đã thẳng thắn trao đổi với ông Putin về những vấn đề gây leo thang căng thẳng giữa Nga và Mỹ, chẳng hạn như cáo buộc can thiệp bầu cử và vụ bắt giữ lãnh đạo phe đối lập Nga Alexei Navalny, điều mà ông Trump tránh đề cập đến trong cuộc gặp nhà lãnh đạo Nga.
Những vấn đề hai bên bất đồng
Tại cuộc gặp thượng đỉnh, hai bên đã thể hiện sự khác biệt quan điểm trong nhiều vấn đề. Tổng thống Biden nói rằng, Nga sẽ gánh chịu “hậu quả tàn khốc” nếu lãnh đạo phe đối lập Nga Alexei Navalny hiện đang bị bắt giữ bị chết hoặc các cuộc tấn công mạng tại Mỹ tiếp tục xảy ra.
Về phần mình, Tổng thống Putin đã bác bỏ mối lo ngại của Washington về vụ bắt ông Alexei Navalny, về việc Nga tăng cường hiện diện quân sự gần biên giới phía Đông Ukraine, và cáo buộc của Mỹ cho rằng người Nga phải chịu trách nhiệm cho loạt vụ tấn công mạng tại Mỹ.
“Giống như Mỹ đang tiến hành các cuộc tập trận trên lãnh thổ nước này, chúng tôi cũng đang thực hiện các cuộc tập trận trên lãnh thổ của chúng tôi”.
Liên quan đến ý định gia nhập NATO của Ukraine – điều mà Nga luôn phản đối mạnh mẽ, nhà lãnh đạo Putin cho biết “không có gì để thảo luận tại đây”.
Khi được phóng viên hỏi về vụ bắt giữ lãnh đạo phe đối lập Alexei Navalny, ông Putin cho biết: “Người này đã vi phạm luật pháp Nga”. Tổng thống Putin cũng nhắc đến vụ tấn công trụ sở Quốc hội Mỹ ngày 6/1, nói rằng, Nga rất “đồng cảm” với Mỹ và không muốn điều tương tự xảy ra tại Nga.
Tổng thống Putin cho biết, cả hai bên đều không mời đối tác đến thăm Washington hoặc Moscow và nhấn mạnh để những chuyến thăm này diễn ra cần phải có các điều kiện phù hợp.
Những vấn đề nhất trí
Hai nhà lãnh đạo đã nhất trí cử đại sứ quay trở lại thủ đô Washington và Moscow, trong một nỗ lực nhằm hạ nhiệt căng thẳng, mặc dù thông tin chi tiết vẫn chưa được công bố.
An ninh mạng được cho là ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự của chính phủ Mỹ. Tổng thống Putin cho biết, hai bên đã đồng ý “tham vấn” về chủ đề này”.
Liên quan đến vụ việc hai cựu binh sỹ thuộc lực lượng thủy quân lục chiến Mỹ là Trevor Reed và Paul Whelan đang bị Nga giam giữ, Tổng thống Putin lưu ý, hai bên có thể tìm ra “sự thỏa hiệp”.
“Chúng tôi đã thảo luận về vấn đề này. Nhiều khả năng sẽ có sự thỏa hiệp. Bộ Ngoại giao Nga và Bộ Ngoại giao Mỹ sẽ làm việc theo hướng đó”.
Tổng thống Putin và Tổng thống Biden cam kết sẽ cùng chia sẻ trách nhiệm về sự ổn định hạt nhân và sẽ tổ chức các cuộc đàm phán về những thay đổi có thể xảy ra đối với Hiệp ước Cắt giảm vũ khí chiến lược mới (New START) mà 2 nước vừa gia hạn trong thời gian gần đây, cùng các vấn đề kiểm soát vũ khí khác.
Điều gì diễn ra tiếp theo?
Mặc dù không trở về Washington với một thắng lợi lớn, nhuwg Tổng thống Biden cho biết, ông đã có chuyến đi thành công và đánh giá cuộc gặp thượng đỉnh nhìn chung diễn ra “tốt” và “tích cực”.
Trước đó, ông Biden nói rằng “sẽ mất 6 tháng đến 1 năm” để xem liệu Nga và Mỹ “có cuộc đối thoại chiến lược quan trọng hay không”.
Khi được báo chí hỏi liệu ông có tin rằng Nga sẽ thay đổi hành vi hay không, Tổng thống Biden nói: “Điều làm thay đổi hành vi của Nga chính là phản ứng của thế giới đối với các hành động của họ và việc liệu những hành động đó có làm giảm vị thế của họ trên trường quốc tế hay không. Tôi không chắc chắn về bất cứ điều gì. Tôi chỉ nói lên sự thật”.
Giới phân tích cho rằng, ngay cả khi Nhà Trắng không đặt nhiều kỳ vọng vào cuộc gặp thượng đỉnh này thì sự chú ý vẫn tiếp tục hướng vào việc liệu cuộc gặp có mang đến những kết quả cụ thể hay không. Dù không tạo ra bước đột phá, nhưng hội nghị lần này được coi là “chìa khóa quan trọng” đối với Tổng thống Putin và Tổng thống Biden nói riêng và quan hệ Nga, Mỹ nói chung./.
Theo VOV.VN