Tiếng Việt | English

14/01/2025 - 18:20

Khoảng 16.887ha cây trồng có nguy cơ ảnh hưởng bởi hạn, xâm nhập mặn

Thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trên địa bàn tỉnh có khoảng 16.887ha diện tích cây trồng có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi hạn, thiếu nước, xâm nhập mặn trong mùa khô năm 2024-2025.

Độ mặn trên các tuyến sông giảm nhẹ do ảnh hưởng của kỳ triều kém

Theo dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh, trong mùa khô 2024-2025, tổng lượng dòng chảy từ thượng nguồn sông Mê Kông về đầu nguồn sông Cửu Long có khả năng thấp hơn trung bình nhiều năm. Mực nước đầu nguồn các sông Vàm Cỏ, Rạch Cát, sông Tra, Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây chịu ảnh hưởng mạnh của thủy triều và ở mức xấp xỉ TBNN, xâm nhập mặn vùng cửa sông Soài Rạp, Vàm Cỏ ở mức cao hơn TBNN.

Hiện nay, độ mặn trên các tuyến sông Rạch Cát, Vàm Cỏ, Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây dao động ở mức từ 0,2-10,3 gram/lít (g/l). Thấp hơn so với cùng kỳ mùa khô 2023-2024 từ 0,1- 3,5 g/l và thấp hơn cùng kỳ so với mùa khô 2019-2020 từ 0,1-6,1 g/l. Cụ thể, trên sông Vàm Cỏ Đông, độ mặn 1 g/l gần đến cống Xóm Bồ, huyện Cần Đước (0,6 g/l), cách sông Soài Rạp khoảng 40km. Trên sông Vàm Cỏ Tây, độ mặn 1 g/l chưa xuất hiện.

Dự báo trong vài ngày tới, do ảnh hưởng của kỳ triều kém nên khả năng độ mặn trên các tuyến sông sẽ giảm nhẹ.

Nhiều diện tích chanh ở huyện Bến Lức bị ảnh hưởng giảm năng suất trong mùa khô năm 2023-2024

Thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, qua rà soát, tổng hợp báo cáo của các huyện, thành phố phía Nam, tỉnh có khoảng 16.887ha diện tích cây trồng có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi hạn, thiếu nước, xâm nhập mặn. Trong đó, có 12.226ha lúa; 469ha rau màu; 2.268ha chanh; 49ha thanh long và 1.875ha cây trồng khác.

Ngành Nông nghiệp tỉnh khuyến cáo nông dân tập trung chăm sóc cây trồng. Đối với cây lúa, cần tùy vào điều kiện cụ thể của chân ruộng mà có thể áp dụng biện pháp tưới ngập-khô xen kẽ; tranh thủ nguồn nước ngọt để tưới cho lúa, nhất là giai đoạn lúa trổ, nếu trong trường hợp không có nguồn nước ngọt có thể sử dụng nguồn nước bị nhiễm mặn nhẹ (dưới 2‰ đối với lúa giai đoạn đẻ nhánh, dưới 1‰ đối với các giai đoạn lúa làm đòng và trổ); tăng cường bón phân Kali giúp cây lúa khỏe, tăng tính đề kháng cho cây;…

Đối với cây ăn quả, khi có nguy cơ bị hạn, mặn cần chủ động sử dụng tối đa nguồn vật liệu hữu cơ (rơm rạ, cỏ khô, lá khô, lục bình…) hoặc màng phủ nông nghiệp phủ gốc để giữ ẩm cho đất; cắt tỉa cành, tạo tán gọn, tỉa bớt nụ, hoa để hạn chế thoát hơi nước; củng cố hệ thống đê bao và đê xung quanh vườn để ngăn ngừa nước mặn xâm nhập; đo độ mặn trước mỗi lần lấy nước, không tưới nước có độ mặn trên 1‰ cho cây.

Riêng đối với một số cây ăn trái mẫn cảm với mặn như sầu riêng, chuối, đu đủ,… thì không tưới nước có độ mặn trên 0,5‰.

Trong thời gian nhiễm mặn chỉ tưới nước tối thiểu, giúp cho cây không bị héo và mặt đất không bị khô nứt (kéo dài thời gian giữa hai lần tưới, giảm số lần tưới và lượng nước tưới); trong vùng trồng cây ăn trái bị nhiễm mặn thì không tiến hành xử lý ra hoa rải vụ, trái vụ, trồng mới; đối với cây mới trồng nên có biện pháp che bóng cho cây.  

Ngoài ra, cần tăng cường bón phân hữu cơ, lân và kali, hạn chế sử dụng các phân hóa học khác. Có thể phun phân bón lá và chế phẩm tăng cường khả năng chống chịu mặn như KNO3; Brassinosteroid; phân chứa các nguyên tố Canxi, Magie, Silic;…/.

Minh Tuệ

Chia sẻ bài viết