Tiếng Việt | English

22/04/2025 - 09:39

50 năm thống nhất đất nước - Ngày 22/4/1975: Phê duyệt kế hoạch tác chiến Chiến dịch Hồ Chí Minh

Đảng ủy và Bộ Chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh họp rà soát lần cuối cùng và phê duyệt kế hoạch tác chiến Chiến dịch Hồ Chí Minh, quyết định tiến công giải phóng Sài Gòn từ 5 hướng.

Các chiến sỹ đoàn Khe Sanh ngụy trang xe trước khi tiến công vào Sài Gòn (Ảnh: Quang Thành/TTXVN)

Sáng 22/4/1975, sau khi Bộ Chính trị họp và nghe Quân ủy Trung ương báo cáo về tình hình mặt trận cũng như kế hoạch tác chiến của ta hiện nay, đồng chí Lê Duẩn gửi Điện cho các đồng chí chỉ huy mặt trận (Văn Tiến Dũng, Lê Đức Thọ, Phạm Hùng và Lê Trọng Tấn) chỉ thị: …“Đêm qua, dưới áp lực của Mỹ và bọn tướng tá, Nguyễn Văn Thiệu đã phải từ chức. Để làm chậm cuộc tiến công của ta vào Sài Gòn, Mỹ-ngụy đã lập chính phủ mới, đưa ra với ta đề nghị ngừng bắn, đi đến một giải pháp chính trị, hòng cứu vãn tình thế thất bại hoàn toàn của chúng. Tất cả tình hình nói trên đang gây rối loạn lớn trong ngụy quân, ngụy quyền...

Thời cơ để mở cuộc tổng tiến công về quân sự và chính trị vào Sài Gòn đã chín muồi. Ta cần tranh thủ từng ngày để kịp thời phát động tiến công. Hành động trong lúc này là bảo đảm chắc chắn nhất để giành thắng lợi hoàn toàn… Các anh ra mệnh lệnh ngay cho các hướng hành động kịp thời, đồng thời chỉ thị cho Khu ủy Sài Gòn-Gia Định sẵn sàng phát động quần chúng nổi dậy kết hợp với các cuộc tiến công của quân đội... Nắm vững thời cơ lớn, chúng ta nhất định giành toàn thắng.”

Nhận được Điện của đồng chí Lê Duẩn, Đảng ủy và Bộ Chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh họp rà soát lần cuối cùng và phê duyệt kế hoạch tác chiến Chiến dịch Hồ Chí Minh, quyết định tiến công giải phóng Sài Gòn từ 5 hướng: Tây Bắc, Bắc-Đông Bắc, Đông-Đông Nam, Tây và Tây Nam.

Các đồng chí Hoàng Cầm và Hoàng Thế Thiện, Tư lệnh và Chính ủy Quân đoàn 4, đã tới Sở chỉ huy tiền phương của Bộ Chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh báo cáo tình hình và thông qua quyết tâm với các đồng chí Phó Tư lệnh chiến dịch Lê Trọng Tấn và Phó Chính ủy chiến dịch Lê Quang Hòa.

Trong khi đó, tại Sở chỉ huy cánh Đông, Bộ Tư lệnh cánh Đông nhận nhiệm vụ tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh do phái viên của Bộ Tư lệnh chiến dịch truyền đạt. Ngay trong đêm, Đảng ủy và Bộ Tư lệnh Quân đoàn 2 họp nghiên cứu quán triệt nhiệm vụ và xây dựng kế hoạch tác chiến của Quân đoàn trong Chiến dịch Hồ Chí Minh.

Ngày 14/4/1975, Bộ Chính trị quyết định đặt tên cho Chiến dịch giải phóng Sài Gòn-Gia Định là Chiến dịch Hồ Chí Minh với phương châm “Thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng.” Trong ảnh: Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng các đồng chí trong Quân ủy Trung ương duyệt phương án tác chiến Chiến dịch Hồ Chí Minh (4/1975) (Nguồn: TTXVN)

Cùng ngày, Quân ủy Trung ương cũng Điện gấp cho đồng chí Văn Tiến Dũng, Tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh, nêu rõ: ..."Địch không có quyết tâm cố thủ Sài Gòn khi bị tiến công mạnh... Chúng trì hoãn để tìm cách đề nghị ngừng bắn, kéo dài thời gian sang mùa mưa. Sài Gòn không giữ nổi thì chúng rút về đồng bằng sông Cửu Long, lấy Cần Thơ làm trung tâm… Hướng Tây Nam và Đường 4 sẵn sàng ngăn chặn, tiêu diệt địch trong tình huống chúng rút từ Sài Gòn về Cần Thơ.”

Tại Đồng Đế, Bộ Tư lệnh đường Trường Sơn đã triệu tập hội nghị khẩn cấp cán bộ chủ trì các đơn vị trực thuộc. Đồng chí Đồng Sỹ Nguyên, Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn thông báo kế hoạch chuẩn bị của Chiến dịch Hồ Chí Minh, nhiệm vụ chung của Bộ đội Trường Sơn và giao nhiệm vụ cụ thể cho từng đơn vị.

Tại thị xã Hàm Tân, tỉnh Bình Tuy (nay thuộc tỉnh Bình Thuận), quân địch sau khi rút chạy bằng tàu, thuyền ra biển tưởng lực lượng của ta tiến về phía Nam nên quay lại chiếm giữ thị xã.

Ngày 22/4/1975, Trung đoàn 66 Sư đoàn 304, Quân đoàn 2 được tăng cường Tiểu đoàn 5 thiết giáp, một Tiểu đoàn pháo 105, một Đại đội pháo cao xạ và Đại đội 9, Trung đoàn 128, Sư đoàn 325 cùng các lực lượng địa phương tiến công giải phóng thị xã Hàm Tân, diệt và làm tan rã gần 5.000 tên địch đang co cụm trong thị xã.

Trong lúc đó, Trung đoàn 812 cùng các lực lượng phối hợp nhanh chóng đánh chiếm khu vực Láng Gòn. Đại đội địa phương 88 dùng cối 60 ly bắn phá kho đạn ở Động Đền. Quân địch ở thị xã La Gi hoàn toàn bị tan vỡ, tháo chạy ra cửa biển Tân Lý.

Cũng bắt đầu từ ngày 22/4/1975, Trung đoàn 148 Quân đoàn 3 có pháo phòng không của Trung đoàn 232 và lực lượng vũ trang địa phương hỗ trợ tiếp tục đánh cắt giao thông và đánh một số trận cấp tiểu đoàn./.

Nguồn:

- TTXVN;

- Báo Quân đội nhân dân năm 1995;

- "Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Tổng hành dinh trong mùa Xuân toàn thắng," Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2000;

- "Văn kiện Đảng: Toàn tập," tập 36, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2004;

- "Những chiến dịch có ý nghĩa quyết định thắng lợi trong Đại thắng mùa Xuân 1975," Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2010;

- "Sự kiện và những con số lịch sử," Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2015;

- "Quyết định lịch sử," Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2015;

- "Bộ Quốc phòng - Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam: Lịch sử Quân sự Việt Nam," tập 11, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2019.

Theo Vietnam+

Nguồn: https://www.vietnamplus.vn/50-nam-thong-nhat-dat-nuoc-ngay-2241975-phe-duyet-ke-hoach-tac-chien-chien-dich-ho-chi-minh-post1034183.vnp

Chia sẻ bài viết