Tiếng Việt | English

29/09/2015 - 15:19

6 quốc gia tham gia Liên hoan “Múa đương đại: Sự gặp gỡ Á – Âu”

Lần thứ 5 diễn ra, Liên hoan Múa đương đại quốc tế sẽ mang đến cho người xem các tác phẩm múa đặc sắc từ 6 quốc gia.

Sáng 29/9 tại Hà Nội diễn ra họp báo Liên hoan “Múa đương đại: Sự gặp gỡ Á – Âu”. Chương trình do EUNIC, Hiệp hội các Viện Văn hóa và Đại sứ quán Châu Âu tại Hà Nội, phối hợp thực hiện cùng Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam và Viện Goethe điều phối.

Họp báo Liên hoan “Múa đương đại: Sự gặp gỡ Á – Âu”.

Liên hoan “Múa đương đại: Sự gặp gỡ Á – Âu” đã bước sang mùa thứ 5. Kể từ năm 2011 đến nay, Liên hoan đã thành công trong việc quảng bá nghệ thuật múa đương đại tại hà Nội, và trở thành một trong những sự kiện văn hóa thường niên lớn nhất của Thủ đô.

Trong 4 ngày và tại 2 địa điểm biểu diễn: Nhà hát Tuổi trẻ và Nhà hát Lớn Hà Nội, khán giả sẽ có cơ hội được đắm chìm trong thế giới của nghệ thuật múa đương đại, khám phá những vũ đạo tinh tế, khai thác chiều sâu nội tâm với nhiều phong cách đa dạng đến từ các quốc gia: Đức, Bỉ (Wallonie – Bruxelles), Israel, Nhật Bản, Ba Lan – lần đầu tiên tham gia và Việt Nam. Một lần nữa, phái đoàn Wallonie – Bruxelles (Bỉ) và Nhà hát Nhạc vũ kịch Viêt Nam tiếp tục phối hợp dàn dựng một tác phẩm múa hợp tác.

Tác phẩm “Bên bờ” là sự kết hợp của 2 nghệ sĩ Việt Nam – Nguyễn Văn Nam và nghệ sĩ Bỉ - Jaro Vinarsky.

Một trong những sự kiện nổi bật của Liên hoan năm nay chính là 2 buổi biểu diễn tại Nhà hát Lớn Hà Nội của công ty vũ kịch đã nhiều lần được vinh danh trên sân khấu múa quốc tế - Sasha Waltz & Guest đến từ Berlin. Năm nay cũng là lần đầu tiên Liên hoan mở rộng và đến với công chúng TP. Hồ Chí Minh với 2 buổi biểu diễn do Trung tâm Văn hóa Pháp và phái đoàn Wallonie – Bruxelles giới thiệu.

Các vở múa được diễn trong Liên hoan lần này bao gồm “Artlana” của Israel, “Hai miền đất nước” của Đức, “Kelex trở về rừng” của Nhật Bản, “DSM-IV 301.84 – Rối loạn nhân cách tuýp B” của các nghệ sĩ đến từ Ba Lan. Tác phẩm “Bên bờ” là sự kết hợp của 2 nghệ sĩ Việt Nam – Nguyễn Văn Nam và nghệ sĩ Bỉ - Jaro Vinarsky. Biên đạo múa Trần Ly Ly đại diện nước chủ nhà Việt Nam với vở múa “Có có không không”.

Là nghệ sĩ Việt Nam có cơ hội kết hợp cùng nghệ sĩ nước ngoài trong vở diễn “Bên bờ”, vũ công Nguyễn Văn Nam của Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam chia sẻ: “Để cùng hợp tác với bạn diễn người Bỉ, điều khó khăn với tôi đó là sự bất đồng ngôn ngữ, hai người khó nói chuyện, khó làm việc. Ngoài ra, vận động múa của 2 nước, cũng như ngôn ngữ múa khác nhau nên đó cũng là một khó khăn. Điều may mắn là bên Đại sứ quán Bỉ tạo điều kiện để tôi sang đó tập 15 ngày, và về Việt Nam tập thêm 15 ngày nữa. Cả hai đều mong muốn tìm tòi những vận động đẹp nhất để công diễn cho khán giả”.

Cũng theo vũ công Nguyễn Văn Nam, Liên hoan múa đương đại lần này tạo điều kiện cho các vũ công trẻ của Việt Nam học hỏi nhiều kinh nghiệm của các biên đạo nước ngoài, học được sự sáng tác trong múa, chứ không phải múa bắt chước, múa theo người khác mà dựa vào chính ngôn ngữ cơ thể mình.

Tác phẩm "Có có, không không" của biên đạo múa Trần Ly Ly.

Biên đạo múa Trần Ly Ly, đại diện duy nhất của nước chủ nhả Việt Nam cũng chia sẻ: Tôi cảm thấy rất vinh dự khi lần thứ 2 được tham gia Liên hoan. Đây là dịp để gặp lại những người bạn cũ, cùng với đó là gặp gỡ một số người bạn mới. Tôi luôn luôn khao khát được đứng chung với các bạn trên một cuộc chơi, cuộc chơi của các nghệ sĩ”.

Vở diễn “Có có không không” của biên đạo múa Trần Ly Ly sẽ là tác phẩm khép lại kỳ Liên hoan lần này. Vở diễn mô tả lại một thế giới hiện đại đang quay cuồng trong thời đại kỹ thuật số, nơi những điều nhỏ nhặt nhất của đời sống thường ngày đang dần thay đổi, nơi con người trở nên thiếu kiên nhẫn và ít quan tâm đến những người xung quanh. Trong sự nhiễu loạn ấy, thiền như một tiếng chuông cảnh tỉnh để con người sống chậm hơn, gần gũi với thiên nhiên hơn, và cũng nhân văn hơn.

Liên hoan “Múa đương đại: Sự gặp gỡ Á – Âu” sẽ khai mạc vào tối 1/10 tại Nhà hát Tuổi trẻ, Hà Nội và khép lại vào tối 4/10./.

Hà Phương/VOV.VN 

Chia sẻ bài viết