Tiếng Việt | English

22/03/2022 - 19:42

Anh hỗ trợ Việt Nam liên kết dữ liệu tiêm chủng quốc gia theo chuẩn của WHO

Chứng nhận tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 điện tử hiển thị các thông tin cá nhân và thông tin tiêm chủng của người sử dụng thông qua mã QR code.

Khám sàng lọc trước khi tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân. (Ảnh: TTXVN/Vietnam+)

Khám sàng lọc trước khi tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân. (Ảnh: TTXVN/Vietnam+)

Với sự hỗ trợ của Đại sứ quán Anh, Bộ Y tế sẽ triển khai chứng nhận điện tử tiêm vaccine COVID-19 theo tiêu chuẩn do WHO, Liên minh châu Âu và Vương quốc Anh ban hành nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc di chuyển trong và ngoài nước.

Thông tin trên được đưa ra tại hội thảo “Triển khai giấy chứng nhận tiêm vaccine COVID-19” diễn ra chiều 22/3, tại Hà Nội.

Đây là hoạt động trong khuôn khổ hợp tác giữa Bộ Y tế và Tổ chức PATH với sự hỗ trợ của Bộ Ngoại giao và Phát triển Vương quốc Anh trong việc triển khai hệ thống thông tin cấp chứng nhận tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 tại Việt Nam.

Tiệm cận với tiêu chuẩn quốc tế

Tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn nhấn mạnh tầm quan trọng của dự án triển khai giấy chứng nhận điện tử tiêm vaccine phòng COVID-19. Việc áp dụng các phương pháp tiếp cận sáng tạo trong bối cảnh hiện nay sẽ đẩy mạnh việc sử dụng hệ thống số hóa và đáp ứng nhanh khi thế giới đang dần tiến tới trạng thái bình thường mới.

Chứng nhận tiêm chủng điện tử hiển thị các thông tin cá nhân và thông tin tiêm chủng của người sử dụng thông qua mã QR code. Có 11 trường thông tin hiển thị gồm: Họ và tên; Ngày tháng năm sinh; Quốc tịch; Bệnh dịch mà chứng nhận nhắm tới; Số mũi tiêm đã nhận; Ngày tiêm; Liều số; Vaccine; Sản phẩm Vaccine, Sản phẩm vaccine; Nhà cung cấp hoặc sản xuất vaccine; Mã số của chứng nhận.

Các thông tin trên sẽ được ký số, mã hóa và được đóng gói dưới dạng QR định dạng 2D. Quy trình cấp Hộ chiếu vaccine gồm 3 bước; hạn sử dụng là 12 tháng.

Thứ trưởng Thuấn nhấn mạnh đến thời điểm hiện tại, tỷ lệ bao phủ vaccine phòng COVID-19 tại Việt Nam đã đạt mức rất cao trong khu vực và quốc tế. Việt Nam đang dần bước vào giai đoạn phục hồi hoạt động kinh tế-xã hội. Kể từ cuối năm 2021, Việt Nam đã nỗ lực phát triển giấy chứng nhận tiêm vaccine phòng COVID-19 điện tử để chuẩn bị cho việc đón khách quốc tế trở lại. Và ngày 15/3/2022 vừa qua, Chính phủ đã tuyên bố chính thức mở cửa lại hoạt động du lịch.

Đại sứ Vương quốc Anh tại Việt Nam Gareth Ward. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Đại sứ Vương quốc Anh tại Việt Nam Gareth Ward. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Trong bối cảnh đó, Đại sứ Vương quốc Anh tại Việt Nam Gareth Ward cho biết Vương quốc Anh rất vui mừng được hỗ trợ tổ chức PATH và Bộ Y tế Việt Nam trong việc phát triển hệ thống chứng nhận vaccine phòng COVID-19. Đây là một bước tiến lớn trong quá trình chuyển đổi số của Việt Nam, mang đến sự minh bạch về dữ liệu và cho phép hoạch định chính sách dựa trên dữ liệu.

Trong khuôn khổ dự án hợp tác, Bộ Y tế đã phối hợp với tổ chức PATH, có sự hỗ trợ từ Bộ Ngoại giao và Phát triển Vương quốc Anh để liên kết dữ liệu tiêm chủng quốc gia theo chuẩn do Tổ chức Y tế Thế giới, Liên minh châu Âu, Vương quốc Anh ban hành nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc di chuyển của người dân ở trong và ngoài nước, đặc biệt là trong những vùng lãnh thổ trên.

Sắp triển khai cấp hộ chiếu vaccine điện tử

Hiện Việt Nam là 1 trong 6 nước có tỷ lệ bao phủ tiêm vaccine cao nhất trên thế giới. Tỷ lệ bao phủ vaccine cho người từ 18 tuổi trở lên: 1 mũi là 100%, 2 mũi là 99% và tỷ lệ người đã tiêm mũi 3 đạt 43,5%. Đối với người từ 12-17 tuổi: 1 mũi là 99%, 2 mũi là 94%.

Ông Đỗ Trường Duy - Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Bộ Y tế), thông tin đến nay, toàn quốc đã tiến hành tiêm tổng cộng trên 202 triệu liều vaccine phòng COVID-19. Nền tảng quản lý tiêm chủng đã ghi nhận trên 193 triệu mũi tiêm, tương ứng 96% đã nhập dữ liệu. Số mũi tiêm chưa nhập dữ liệu còn trên 8 triệu, tương đương khoảng 4%.

Ông Nguyễn Bá Hùng - Phó giám đốc Trung tâm dữ liệu Y tế, Cục công nghệ thông tin cho biết từ ngày 20/12/2021, Bộ Y tế đã ban hành quyết định số 5772 (ban hành biểu mẫu và quy trình cấp chứng nhận hộ chiếu vaccine). Bộ Y tế tích cực phối hợp với Bộ Thông tin Truyền thông và cơ quan liên quan để xây dựng hệ thống cấp chứng nhận hộ chiếu vaccine cũng như chỉnh sửa, bổ sung chức năng "ký số" trên nền tảng quản lý tiêm chủng.

Tuần qua, Bộ Y tế đã thí điểm tại 3 cơ sở y tế là Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện K và Bệnh viện E, kết quả cho thấy hệ thống đã sẵn sàng, đáp ứng tốt việc triển khai cấp hộ chiếu vaccine điện tử.

Phần mềm quản lý hệ thống thông tin về tiêm chủng. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Phần mềm quản lý hệ thống thông tin về tiêm chủng. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Theo ông Hùng, hộ chiếu vaccine điện tử có ý nghĩa tương đương hộ chiếu vaccine giấy. Tuy nhiên, hộ chiếu vaccine điện tử sẽ giúp người dân thuận lợi hơn trong việc đi lại, giao thương quốc tế. Hiện nay, theo thông tin từ Bộ Ngoại giao, biểu mẫu hộ chiếu vaccine của Việt Nam đã được công nhận song phương với 17 quốc gia.

Về vấn đề đơn vị nào có trách nhiệm cấp hộ chiếu vaccine điện tử khi số lượng người dân đã tiêm chủng rất lớn, ông Hùng cho biết theo quyết định 5772, các cơ sở tiêm chủng sẽ thực hiện ký số. Bên cạnh đó, Cục Công nghệ Thông tin cũng đã xây dựng phương án tùy tình hình thực tế của từng địa phương sẽ giao Sở Y tế hoặc CDC ký số.

Do vậy, về mặt quy trình, người dân khi đi tiêm chủng phải khai báo thông tin chính xác. Sau đó, các cơ sở tiêm chủng sẽ chịu trách nhiệm về việc rà soát thông tin và kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để xác thực thông tin.

Theo ông Hùng, trên ứng dụng PC COVID-19, hiện Cục Công nghệ thông tin, Bộ Y tế đang làm việc với Bộ Thông tin và Truyền thông để xây dựng chức năng hiển thị hộ chiếu vaccine. Do đó, nếu người dân đã có thông tin chính xác trên ứng dụng này thì sẽ được tự động hiển thị hộ chiếu vaccine. Kết quả đầu ra là 1 mã QR code theo tiêu chuẩn quốc tế, có thể dùng để đi nước ngoài./.

Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 trên toàn thế giới, PATH đang hợp tác hỗ trợ các chính phủ bằng cách thành lập các trung tâm đáp ứng khẩn cấp phòng chống dịch bệnh; tư vấn về xét nghiệm, điều trị và quản lý các ổ dịch; xây dựng các hệ thống dữ liệu phục vụ cho việc giám sát dịch bệnh.

Từ đầu đại dịch đến nay, tổ chức PATH đã hợp tác hỗ trợ các cơ quan chính phủ và đối tác quốc tế để phát triển và triển khai tiêm chủng vaccine COVID-19, tăng cường hệ thống giám sát và báo cáo dịch bệnh đồng thời đánh giá và giải quyết các lỗ hổng trong việc đáp ứng nguồn cung cấp oxy và chăm sóc hô hấp...

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết


Dịch vụ sao lưu dữ liệu trực tuyến​ chuyên nghiệp